Trung Quốc hiện đang có hai tỷ phú công nghệ giàu có bậc nhất và thú vị là họ mang họ "Ma" (Mã).
Ngoài cái tên Jack Ma đã quá quen với vai trò là ông chủ tập đoàn bán lẻ trực tuyến Alibaba, người dân Trung Quốc còn biết đến một người đàn ông khác có tên Pony Ma, nhà sáng lập và điều hành lập tập đoàn truyền thông, giải trí Tencent.
Theo bảng xếp hạng của Forbes, Pony Ma là một trong những người giàu nhất Trung Quốc với giá trị tài sản khoảng 42 tỷ USD. Vào hôm 21/11 vừa qua, Ma lần đầu tiên vươn lên top 20 tỷ phú giàu nhất thế giới theo bảng xếp hạng liên tục cập nhật của Forbes. Cụ thể, Ma đứng ở vị trí thứ 13 với khối tài sản 47,8 tỷ USD, thậm chí vượt các ông trùm Google như Larry Page và Sergey Brin.
Người sáng lập Tencent, Ma Huateng có biệt danh là Pony và dịch sang Tiếng Anh có nghĩa là "ngựa con". Ma sinh ra ở quận Triều Dương, Sán Đầu, Quảng Đông và theo bố tới sinh sống tại Thâm Quyến. Sau đó ông theo học Đại học Thâm Quyến vào năm 1989 trước khi tốt nghiệp bằng cử nhân Khoa học máy tính vào năm 1993.
Ma Huateng được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo tài ba và là nhà đầu tư thành công nhất hiện nay. Tuy vậy, ông là một người khá nhút nhát và hiếm khi tiếp xúc thân mật với báo giới, truyền thông.
Hành trình từ máy nhắn tin đến nền tảng nhắn tin
Ma bắt đầu làm việc trong lĩnh vực máy nhắn tin quảng cáo sau khi tốt nghiệp Đại học Thâm Quyến, Trung Quốc vào năm 1993 với tấm bằng khoa học máy tính.
Nhưng chỉ 5 năm sau khi ra trường, vị doanh nhân trẻ đã lập lên công ty Tencent và bắt đầu nghiên cứu nền tảng truyền thông với tham vọng biến Tencent trở thành một công ty công nghệ toàn cầu.
Tencent đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm đầu thành lập. Tuy vậy, công ty luôn bị quy kết là sao chép ý tưởng. Thực chất, Ma Huateng đã áp dụng chiến lược chuyển hóa các sản phẩm từ phương tây theo hướng thích nghi với thị trường Trung Quốc. Ví dụ, nền tảng nhắn tin qua máy tính của Tencent từng được khẳng định khá giống với một sản phẩm của AOL.
Nhưng chỉ tới năm 2011, Tencent mới thực sự lột xác với sản phẩm WeChat, dịch vụ nhắn tin di động nay đã có gần 1 tỷ người dùng.
WeChat hiện không chỉ là một công cụ nhắn tin, đó còn là môt hệ sinh thái chứa công cụ tìm kiếm, mạng xã hội và nền tảng thanh toán trực tuyến.
Lĩnh vực kinh doanh Pony Ma quan tâm trải dài từ truyền thông mạng xã hội tới trí tuệ nhân tạo. Tencent hiện cũng đang tích cực đầu tư thêm vào Snapchat và Tesla.
Tencent giờ đây không chỉ là một công ty truyền thông. Công ty đang nỗ lực đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh, bao gồm phát triển game. Chỉ tính riêng trong năm ngoái, Tencent đã thu về hơn 10 tỷ USD từ các tựa game nổi tiếng như Clash of Clans và Honor of Kings. Tencent từng mua lại Supercell, cha đẻ của tựa game Clash of Clans với giá 8,6 tỷ USD vào năm 2016.
Vị tỷ phú 46 tuổi, Pony Ma hiện có trong tay 8,6% cổ phần của Tencent. Trong đó, giá cổ phiếu và khối tài sản ròng của Ma đã tăng gấp đôi chỉ sau hơn một năm.
Là một doanh nhân giàu có nhưng Ma cũng rất biết cách cho đi
Ma Huateng là một những nhà từ thiện có tiếng tại Trung Quốc. Hồi năm 2016, Ma cam kết quyên tặng 2 tỷ USD cho các hoạt động y tế và giáo dục trên khắp nước này. Ma thậm chí cũng tham gia vào chính trị với cương vị là Đại biểu Quốc hội Trung Quốc.
Tuy có cùng tên Ma nhưng cả hai vị tỷ phú giàu có bậc nhất Trung Quốc lại có hai phong cách và tính tình hoàn toàn trái ngược. Nếu Pony Ma là người khá kín tiếng với báo giới thì Jack Ma là người luôn tích cực trả lời báo giới với các bài phỏng vấn bằng Tiếng Anh.
Hai vị tỷ phú công nghệ giàu nhất Trung Quốc có cơ hội gặp mặt và trao đổi
Năm 2007 và 2014, Pony Ma được tạp chí Time đưa vào danh sách những người có sức ảnh hưởng nhất trên thế giới. Trong khi đó vào năm 2015, Ma được tạp chí Forbes ghi nhận là một trong những người có thế lực nhất hành tinh.
Thành công mới nhất của Pony Ma và Tencent chính là danh hiệu công ty công nghệ Châu Á đầu tiên có giá trị vốn hóa hơn 500 tỷ USD, thậm chí vượt mặt mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook.