Quân sự

Taliban dùng pháo cao xạ 23mm hạ “Pháo đài bay” B-52 của Mỹ?

VietTimes -- Afghanistan giờ đây lại trở thành tiêu điểm của truyền thông quốc tế khi liên tiếp xuất hiện  những thông tin quan trọng: ngày 8.4, lực lượng Taliban phục kích đánh bom đoàn xe chở lính Mỹ ở gần căn cứ không quân Bagram giết chết 3 người; đặc biệt ngày 10.4 Taliban tuyên bố họ đã bắn hạ 1 chiếc máy bay ném bom chiến lược “Pháo đài bay” B-52H khiến cả thế giới sửng sốt, giết chết toàn bộ phi hành đoàn.
Thông tin về việc Taliban bắn hạ B-52 của Mỹ trên truyền thông quốc tế
Thông tin về việc Taliban bắn hạ B-52 của Mỹ trên truyền thông quốc tế

Nếu thông tin này là đúng thì đây quả là một tổn thất nặng nề của không quân Mỹ bởi loại máy bay ném bom chiến lược này có giá thành gần 100 triệu USD, trọng lượng cất cánh 220 tấn với phi hành đoàn 5 người. Chỉ việc mất một lúc 5 phi công đã được coi là thiệt hại lớn hơn nhiều so với giá trị của chiếc máy bay. Sau khi truyền thông Syria loan đi thông tin này, cho đến nay quân đội Mỹ vẫn không lên tiếng xác nhận hay bác bỏ tin này. Vì thế, giới quan sát quốc tế cho rằng có khả năng tin này là thật. Vấn đề bây giờ là Taliban đã sử dụng loại vũ khí gì để bắn hạ được chiếc siêu pháo đài bay được coi là an toàn hàng đầu này?

Taliban khoe bắn hạ B-52 trên báo Syria
Taliban khoe bắn hạ B-52 trên báo Syria

Cho đến nay B-52 là loại máy bay ném bom chiến lược phục vụ lâu nhất trong quân đội Mỹ, được coi là biểu tượng của sức mạnh không quân Mỹ. Đã trải qua các cuộc chiến tranh Việt Nam, Vùng Vịnh, Kosovo, Afghanistan, ném một lượng bom khổng lồ, nhưng do bay cao tới 15km, nên loại máy bay mang biệt danh “Pháo đài bay” có bán kính tác chiến tới 7000km, mang tới 32 tấn bom với tuyệt chiêu ném bom rải thảm này, chỉ mới bị bắn hạ 31 chiếc bởi hệ thống phòng không của Việt Nam.

B52H và các loại vũ khí nó mang theo
B52H và các loại vũ khí nó mang theo

Trong suốt hơn nửa thế kỷ phục vụ trong mấy cuộc chiến tranh, B-52 tổn thất rất ít. Ngoại trừ bị hạ khá nhiều trong chiến tranh Việt Nam, nó chỉ bị thương 3 chiếc trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh, trong đó 2 chiếc bị thương do tên lửa phòng không và đạn pháo phòng không 100mm của Iraq, 1 chiếc bị thương do máy bay của lực lượng đồng minh Mỹ bắn nhầm.

Hiện máy bay B-52 trong quân đội Mỹ đều là loại B-52H đã được nâng cấp với tính năng hiện đại hơn nhiều các loại B52-A, D, G trước đây; nó không chỉ được lắp loại loại động cơ mới mạnh hơn, mà còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử mới và hệ thống tự bảo vệ, cộng thêm hệ thống định vị toàn cầu, hệ thống ngắm bắn chính xác. Có thể nói B-52H hiện nay là loại máy bay thế hệ mới khác hẳn B-52 hồi chiến tranh Việt Nam.

Tên lửa phòng không tầm thấp Stinger trong tay lính Taliban
Tên lửa phòng không tầm thấp Stinger trong tay lính Taliban

Taliban khi khoe việc bắn hạ chiếc máy bay này chỉ nói: một chiếc B-52H sau khi cất cánh từ căn cứ không quân Shawrab ở tỉnh Helmand ở miền Nam Afghanistan đi làm nhiệm vụ đã bị một lính Taliban sử dụng “vũ khí hạng nặng” bắn hạ. Giới phân tích quân sự lập tức sôi nổi bàn luận về việc Taliban đã sử dụng vũ khí phòng không gì để có thể bắn hạ chiếc “Pháo đài bay” được cho là có hệ thống tự bảo vệ hiện đại và luôn được các máy bay tiêm kích hộ tống trong khi đi làm nhiệm vụ này. Hiện nay trong tay Taliban không có các loại tên lửa phòng không tầm cao cỡ SA-2 trở lên, cũng không có các hệ thống pháo cao xạ xe kéo tầm cao, mà chỉ có các tên lửa phòng không tầm thấp trang bị cho cá nhân mang vác như Stinger của Mỹ và loại tương tự của Nga với tầm bắn hiệu quả 4-5000m cùng các pháo cao xạ ZU-23-2 cỡ nòng 23mm, 2 nòng đặt trên các xe bán tải có tính cơ động cao.

Ảnh xác chiếc B-52 bị hạ do Taliban công bố
Ảnh xác chiếc B-52 bị hạ do Taliban công bố

Sau khi Taliban công bố ảnh chụp xác chiếc B-52H bị rơi, các chuyên gia quân sự có vẻ đều thống nhất dự đoán, nó đã bị bắn hạ bởi loại pháo phòng không ZU-23-2 trong tình trạng vừa mới cất cánh. Loại pháo cao xạ tầm thấp được đưa vào biên chế từ năm 1954 này sử dụng giá pháo ZU-14 có 2 bánh hơi, kính ngắm ZAP-23 và loại đạn pháo 23x152B cỡ 23mm, tốc độ bắn nhanh, hỏa lực mãnh liệt có thể tạo nên “chổi quét thép trên không” lại dễ vận hành, cơ động nhanh khi được đặt trên xe bán tải, nếu phục kích tiến công chiếc B-52 gần sân bay khi bắt đầu cất cánh thì hoàn toàn có thể hạ đo ván nó.

Pháo phòng không ZU-23-2 do Nga chế tạo
Pháo phòng không ZU-23-2 do Nga chế tạo

Hiện nay quân đội rất nhiều quốc gia đang sử dụng loại pháo cao xạ ZU-23-2 trong biên chế như Afghanistan, Ấn Độ, Syria, Pakistan, Iraq, Việt Nam... Nhiều nước đã tiến hành cải tiến, hiện đại hóa, nâng cao hiệu lực của loại súng này. Thậm chí có nước còn lắp kèm loại tên lửa vác vai đồng trục, tạo thành hệ thống phòng không gồm pháo – tên lửa phòng không đơn giản. Cơ chế hoạt động của hệ thống này là: khi phát hiện mục tiêu thì phóng tên lửa trước, nếu không trúng sẽ dùng pháo cao xạ đánh chặn tiếp, nhưng phương thức tác chiến này yêu cầu khá cao về kỹ thuật tác xạ của pháo thủ. Vì vậy có ý kiến cho rằng có thể chiếc B-52H đã bị bắn hạ bằng cách này nên phía quân đội Mỹ cho đến nay vẫn im lặng vì họ đã bị hạ nhục.

Pháo ZU-23-2 đặt trên xe bán tải của Taliban
Pháo ZU-23-2 đặt trên xe bán tải của Taliban

Hiện nay pháo ZU-23 bị coi là thứ vũ khí phòng không có nhiều khiếm khuyết: uy lực của đạn nổ phá quá nhỏ, thiết bị ngắm bằng quang học lạc hậu, không có hệ thống tự ngắm bắn qua radar nên nó thường được chuyển thành thứ vũ khí tiến công mặt đất có hỏa lực mạnh hơn, tầm bắn xa hơn các loại súng máy.

Một chiếc B-52H bị rơi tại Guam năm 2016 do chim lọt vào động cơ
Một chiếc B-52H bị rơi tại Guam năm 2016 do chim lọt vào động cơ

Vì vậy, tuy Mỹ hiện nay chưa lên tiếng thừa nhận, nhưng nếu đúng chiếc B-52 này bị hạ bởi súng phòng không ZU-23-2 thì quả là cú đánh khiến người Mỹ mất mặt bởi kỷ lục từ sau 1983 chưa có bất cứ chiếc máy bay chiến đấu nào của họ bị bắn hạ đã bị phá vỡ, sự bá quyền trên không của họ đã bị thách thức nghiêm trọng.