Ông Trần Quốc Vượng: Làm BOT phải ngăn chặn tình trạng “tay không bắt giặc”

VietTimes -- Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng cho rằng chủ trương đầu tư theo hình thức BOT là rất đúng tuy nhiên phải ngăn chặn tình trạng lợi dụng để làm không đúng mà lâu nay vẫn gọi là "tay không bắt giặc".
Ảnh minh họa, nguồn Zing.
Ảnh minh họa, nguồn Zing.

Trong phiên làm việc ở tổ của Quốc hội về kinh tế - xã hội và ngân sách sáng 24/10, ông Trần Quốc Vượng - Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, thành viên thường trực Ban bí thư, cho rằng phải có cơ chế đột phá để huy động được nguồn vốn, nhất là nguồn vốn trong dân.

Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương cho rằng, nguồn vốn trong nhân dân hiện rất lớn làm sao phải huy động được nguồn vốn trong nhân dân. BOT chính là huy động nguồn lực của xã hội để xây dựng cơ sở hạ tầng. Báo chí nên nói mặt tích cực chứ không nên chỉ nói mặt tiêu cực hay mặt chưa làm được.

Bên cạnh đó, ông Trần Quốc Vượng cũng lưu ý: “Nhưng quan trọng là chúng ta ngăn chặn tình trạng lợi dụng cái này để làm không đúng mà lâu nay vẫn gọi là "tay không bắt giặc". "Anh phải làm BOT bằng thực sự nguồn vốn của anh".

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình cho rằng công trình BOT giao thông phải đảm bảo được hài hoà lợi ích từ người dân, doanh nghiệp và nhà nước.

"Đặc biệt không có câu chuyện lập đề án thu hồi vốn rất dài nhưng khi có chuyện thì giảm 1 lần tận tới cả chục năm. Rõ ràng là có vấn đề khi xây dựng dự án từ tổng mức đầu tư, tuyến, trạm thu phí”.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cần quy định chặt chẽ việc tư vấn, nghiệm thu, quyết toán công trình và kiểm toán để đảm bảo chất lượng công trình BOT và thu phí hợp lý. Không thể tự đặt ra định mức đầu tư, thời hạn thu phí mà thiếu sự kiểm soát, kiểm toán chặt chẽ.

Về vấn đề này Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường chỉ ra những bất cập trong cơ chế đầu tư BOT hiện nay như: Khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, chưa bao quát hết toàn bộ quy trình hợp tác công tư (PPP) nói chung và BOT nói riêng, mới chỉ sa vào cục bộ từng phần, chữa cháy từng chỗ.

Thêm nữa là buông lỏng và khuyết thiếu trong khâu thẩm định các dự án PPP nói chung và BOT nói riêng.

Hay về nguyên tắc, người sử dụng luôn có 2 lựa chọn là miễn phí nếu đi đường cũ và trả phí nếu đi đường mới. Công bằng và logic chính là mấu chốt để tạo đồng thuận của cộng đồng nhưng đáng tiếc nguyên tắc này đang bị vi phạm trong đầu tư BOT khi đa số dự án đều là nâng cấp, cải tạo các tuyến hiện hữu. Thậm chí có dự án BOT được xây dựng trên các tuyến huyết mạch, buộc người dân phải đi mà không có lựa chọn.