Công khai, minh bạch tài sản, kiểm soát tài sản của cán bộ là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Thế nhưng, việc kê khai tài sản, kiểm soát tài sản ở nước ta hiện nay vẫn chỉ mang tính hình thức. Vậy làm thế nào để việc kê khai, kiểm soát tài sản thực sự trở thành một công cụ hữu hiệu phục vụ công cuộc chống tham nhũng như mục tiêu mà Đảng đã đề ra.
Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Thưa ông, để kiểm soát tài sản của cán bộ với mục đích chống tham nhũng, chúng ta đã xét hơn 1 triệu người thuộc diện phải kê khai tài sản, kể cả đối tượng do Trung ương quản lý. Thế nhưng, chỉ có một vài trường hợp bị phát hiện kê khai không trung thực. Vậy rõ ràng cơ chế kê khai tài sản đang có vấn đề?
Ông Phạm Trọng Đạt: Kê khai tài sản là một trong những biện pháp để phòng ngừa, phát hiện bất minh. Đó cũng là cơ sở phục vụ cho quá trình xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng. Nếu làm tốt thì đây là biện pháp phòng ngừa và có tác dụng lớn để phát hiện tham nhũng. Thế nhưng, hiện nay, việc kê khai vẫn chỉ là hình thức, diện kê khai chưa rộng, chưa cụ thể theo yêu cầu và mong muốn. Điều quan trọng nhất là kê khai mới dừng lại ở nguyên tắc tự kê khai, tự chịu trách nhiệm, việc xử lý mới chỉ qua văn bản của Đảng, Chính phủ từ Nghị định, Thông tư chứ chưa có quy định của luật pháp. Hơn nữa, người ta còn cho rằng, số lượng người kê khai quá nhiều, chưa phù hợp với thực tế.
Thực ra mấy năm gần đây kê khai tài sản cũng có tác dụng đối với phòng ngừa, xử lý tội phạm tham nhũng. Nhưng qua tổng kết và đánh giá, người ta cho rằng, việc kê khai chưa hiệu quả, có kê khai nhưng không giám sát, cũng không làm rõ được nguồn gốc tài sản. Trong khi đó cơ sở pháp lý để làm rõ nguồn gốc tài sản cũng rất khó khăn vì quy định của pháp luật chưa chặt chẽ.
Ở nước ngoài, các cơ quan chức năng không phải điều tra xác minh, mà trách nhiệm giải trình là của người kê khai tài sản, nếu giải trình không hợp lý thì sẽ bị tịch thu tài sản. Bởi luật của họ quy định cụ thể, chặt chẽ. Chúng ta hiện chưa làm thế được vì việc thu hồi tài sản tham nhũng cần phải có căn cứ chứng minh tài sản đó là tham nhũng, là tài sản phạm tội.
Phóng viên: Có thể ví dụ trường hợp cụ thể, khi dư luận phản ánh về khối tài sản khổng lồ của ông Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, Thanh tra Chính phủ được giao xác minh nguồn gốc tài sản. Vậy việc triển khai được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Trọng Đạt: Vụ việc ở Yên Bái thì phải làm theo kế hoạch. Dư luận là như vậy nhưng việc xác minh thì phải làm theo pháp luật để có kết luận cụ thể. Thực tế kiểm tra rồi kết luận thì cũng chỉ xử lý được vấn đề có kê khai hay không kê khai, có minh bạch hay không minh bạch?. Và nếu nguồn gốc tài sản hợp lý thì không quy kết, không thu hồi được.
Phóng viên: Thực tế luôn có dư luận về sự bất thường về tài sản của một số cán bộ, cơ quan chức năng có biết nhưng không điều tra, xử lý được?
Ông Phạm Trọng Đạt: Phải kiểm tra, xử lý theo luật chứ không thể theo dư luận. Rất nhiều vụ chứng minh tài sản tham nhũng không dễ dàng. Bởi thực tế bắt được tiêu cực rất khó. Ai nhìn thấy người ta đưa tiền đâu?. Người ta chuyển tài khoản thì ai biết?. Đề bạt tôi lên rồi tôi chuyển tài khoản, tôi cho cái nhà đứng tên người khác thì ai biết được?. Vậy nên tới đây, trong số nhiều giải pháp để chống tham nhũng thì việc sửa luật phải tính đến việc kê khai tài sản. Theo tôi, đối tượng kê khai tài sản rộng hay không rộng thì cũng chỉ là một việc phải tính, nhưng quan trọng là kê khai có đúng đối tượng không?
Phóng viên: Vì trên thực tế, người ta tẩu tán tài sản, biến hóa nó bằng cách chuyển sang tên người thân...
Ông Phạm Trọng Đạt: Thế nên mới có quan điểm cho rằng, phải đưa người thân vào kê khai. Đã là cán bộ thì phải kê khai, còn nếu không thì thôi đừng làm cán bộ nữa. Anh làm cán bộ, thuộc đối tượng kê khai tài sản thì người thân của anh cũng phải chấp nhận. Tuy nhiên, kiến nghị sửa luật đề cập đến kê khai tài sản của người thân không phải là dễ. Rõ ràng phải chấp nhận mở rộng đối tượng kê khai quản lý theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, nhưng phải có sự phân cấp rất cụ thể. Hiện có phân cấp nhưng không rõ ràng nên không xử lý được, không phát hiện được tham nhũng.
Phóng viên: Vậy thì cần phải gỡ nút thắt nào để giải quyết vấn đề này, thưa ông?
Ông Phạm Trọng Đạt: Phải có cơ quan chuyên trách. Vừa rồi Ban chấp hành Trung ương có Quy định 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định 86 về giám sát trong Đảng. Việc kê khai xử lý và giám sát việc kê khai của cán bộ do Bộ Chính trị quản lý vừa thực hiện theo pháp luật, vừa thực hiện theo quy chế, điều lệ của Đảng. Cái đó là đã phân cấp, như vậy là đã rõ trách nhiệm rồi. Tức là hơn 1.000 cán bộ của Đảng do Ủy ban Kiểm tra Trung ương chịu trách nhiệm quản lý, giám sát việc kê khai. Vậy bên dưới cũng phải có cơ quan có trách nhiệm như thế. Vấn đề là phải có cơ chế giám sát.
Việc kê khai giờ không phải trên cơ sở tự nguyện tự giác nữa mà bắt buộc phải kê khai, không kê khai là phải xử lý, ở mức độ nghiêm trọng thì phải xử lý bằng luật hình sự. Hai nữa là phải giám sát được thì mới kê khai. Thứ nữa là, ngoài chế tài xử lý còn phải xem xét đối tượng kê khai, mở rộng đối tượng này, thu hẹp đối tượng khác để phù hợp với thực tế và thực tiễn. Và cán bộ thuộc diện kê khai tài sản phải chấp nhận đây là một tiêu chí để làm công tác cán bộ. Ông muốn làm giám đốc, làm thứ bộ trưởng mà ông không thực hiện quy định này thì ông đừng làm nữa.
Phóng viên: Có tình trạng né tránh xử lý, không làm kiên quyết đối với cán bộ cấp cao không thưa ông? Nếu có, hiệu quả của công tác chống tham nhũng sẽ không cao?
Ông Phạm Trọng Đạt: Bây giờ chưa thấy trường hợp nào né tránh, nhưng xử lý phải đúng pháp luật, đúng quy chế của Đảng, không làm lọt nhưng không làm oan người ta. Chúng ta không thể cứ vin vào thời kỳ đặc biệt, vin vào cao trào để xử lý mà phải dựa trên luật. Công tác đấu tranh chống tham nhũng đã có kết quả và nhìn thấy rồi, người dân bắt đầu có lòng tin với Đảng về công tác xử lý cán bộ, đặc biệt là cán bộ cao cấp, chỉ có điều là vẫn mong muốn xử lý triệt để. Vấn đề xử lý triệt để thế nào thì phải căn cứ vào pháp luật. Thực tế chưa bao giờ bộ phận chống tham nhũng quyết tâm và vất vả như thế này. Theo tôi nghĩ, đây là thời kỳ người dân đang tin tưởng, Đảng ta đang quyết liệt thì công tác chống tham nhũng phải được đẩy lên một bước. Với quyết tâm thế này, với lực lượng đồng lòng thế này, chắc chắn sẽ có bước tiến triển mới.
Phóng viên: Ở cấp Trung ương, quyết tâm chống tham nhũng đã thấy rõ và đã có những bước đi quyết liệt. Thế nhưng, dường như cấp cơ sở vẫn “bình chân như vại”?
Ông Phạm Trọng Đạt: Trước đây là vậy, nhưng mấy tháng gần đây, khi tôi cùng đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tới cơ sở thì thấy rằng ở cơ sở đã có lo lắng và chuyển động. Mà không chuyển động cũng không được.
Phóng viên: Có lẽ chúng ta không phải bàn về quyết tâm của Tổng Bí thư, của Đảng trong phòng chống tham nhũng nữa mà vấn đề cần nói hơn là làm thế nào để chuyển hóa quyết tâm đó thành hành động?
Ông Phạm Trọng Đạt: Như Tổng Bí thư đã nói, lửa đã cháy rồi, chống tham nhũng đã trở thành phong trào rồi... tức là chống tham nhũng bước đầu đã tạo thành phong trào, có điểm nhấn. Trong điều kiện đặc biệt như thế này thì phải có phương pháp đặc biệt, tổ chức đặc biệt, tổ chức này phải có con người đặc biệt thì mới giải quyết được. Thực ra chúng ta đã có Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng nhưng mới chỉ là kiêm nhiệm.
Với mô hình như hiện nay, sự phân cấp trách nhiệm vẫn chung chung, chưa rõ ràng, trách nhiệm chưa cụ thể. Hiện cũng có rất nhiều cơ quan tham gia phòng chống tham nhũng, điều này là đúng vì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, nhưng phải có cơ quan chịu trách nhiệm và phải có chính sách ưu tiên đặc biệt, cả về luật pháp. Thế nên phải có một cơ quan (đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước) chuyên nghiệp là nòng cốt, tương đối độc lập, làm nhiệm vụ phòng ngừa và chống tham nhũng.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!