Internet đã thay đổi cuộc sống của Trump. Ông từng là một hiện tượng của Internet vào năm 2016 cùng với việc tối ưu hóa quảng cáo Facebook để đánh bại Hillary Clinton trong chiến dịch tranh cử của mình. Kể từ đó, ông ngày càng bị ám ảnh với những lời than phiền nhỏ nhặt và những thuyết âm mưu xuất hiện trên Twitter - một nền tảng được 22% dân số Mỹ sử dụng. Ông cũng nhiều lần sử dụng Reddit để đưa ra quan điểm hoặc lời đe dọa của mình.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng thay đổi Internet theo nhiều cách. Trong nhiệm kỳ bốn năm, người Mỹ chứng kiến chính quyền của ông phá hủy tính trung lập, tự do và cởi mở - nguyên tắc cơ bản của Internet. Internet dưới thời Trump còn khiến nhiều người vô thức "lướt mạng" với tâm thế đón chờ thông tin tiêu cực.
Ngoài những "meme" (hiện tượng, ý tưởng được lan truyền qua Internet thông qua các câu nói đùa, video, ảnh chế...) hay các cuộc chiến dài trên Twitter, sức ảnh hưởng của Trump đối với Internet còn lớn hơn thế: ông thay đổi cách người Mỹ giao tiếp với nhau trên Internet. Giờ đây, sự nghi ngờ giữa các thành viên của cộng đồng mạng ngày càng tăng. Trump định hình các chuẩn mực và quy tắc, đồng thời khiến cho mạng xã hội trở nên lạ kỳ hơn ngày qua ngày.
Về cơ bản, Internet đã trở thành một miền đất lạ kể từ năm 2016.
Donald Trump thay đổi cách hoạt động và kiểm duyệt thông tin của nhiều công ty Internet. Ảnh: Reuters |
Trump khiến meme trở nên nhàm chán
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, nghệ sĩ Vic Berger của Vine tạo ra những video dài sáu giây, thể hiện các ứng viên đảng Cộng hòa là những kẻ nực cười. Ông xoáy vào khoảnh khắc mà có vẻ họ đang thể hiện con người thật của mình. Chẳng hạn, Jeb Bush chỉ biết dùng lời nói nhưng không biết thể hiện cảm xúc con người hay Trump lặp đi lặp lại các cụm từ và cử chỉ kỳ quặc, như chỉ tay vào người khác bằng ngón cái... Mỗi video thu hút hàng triệu lượt xem với hàng nghìn bình luận. Trang New Yorker gọi Berger là "kẻ châm biếm chính trị cho cuộc bầu cử trên Internet".
Đa số meme mang tính đùa cợt, hài hước. Nhưng Trump đã phá hỏng cuộc vui. Berger cho biết: "Khi Trump dần có sức ảnh hưởng, Internet trở nên đen tối hơn". Năm 2016, Berger bị nhà bình luận chính trị cực hữu Mike Cernovich quấy rối nhiều tháng. Năm 2018, một thành viên của nhóm cực hữu Proud Boys lái xe đến nhà và đe dọa Berger vì một video ông đăng trên mạng. Trump được cho là đã ngầm khuyến khích các hành vi như thế.
Tuy nhiên, meme cũng góp phần vào chiến thắng năm 2016 của ông và tạo xu hướng cho các chính trị gia khác làm theo. Họ dần coi meme như một hình thức quảng bá chính trị. Khi Michael Bloomberg tham gia cuộc đua để trở thành ứng viên của Đảng Dân chủ năm nay, ông chi tiền để đặt quảng cáo trên các tài khoản meme phổ biến, với mục tiêu "tiếp cận mọi người và cạnh tranh với hoạt động kỹ thuật số mạnh mẽ của Trump". Chiến dịch của Joe Biden cũng từng tiếp cận Berger và đề nghị ông tạo clip cho họ.
Theo Atlantic, các chính trị gia của hai đảng nhận thấy meme giúp Trump như thế nào trong năm 2016 nên họ cũng cố gắng thâu tóm chúng. Trong khi đó, những người tạo meme - các câu chuyện cười thú vị trên Internet - dần bị mua chuộc, khiến meme trở nên nhàm chán.
Trump buộc các 'ông lớn' mạng xã hội phải phản ứng
Facebook, Twitter, YouTube... vốn ít phải chịu trách nhiệm về các hành vi cực đoan diễn ra trên nền tảng của họ. Ví dụ, năm 2014 và 2015, chiến dịch quấy rối "Gamergate" đã quét qua hầu hết các mạng xã hội này và đa phần không bị ngăn chặn. Đại diện các nền tảng cho rằng họ chỉ tạo ra công nghệ, còn mọi người sử dụng nó ra sao là chuyện khác.
Sau đó, chính quyền Trump đã bổ sung những quy định mới cho các nền tảng. Dù miễn cưỡng, các hãng công nghệ bắt đầu thừa nhận trách nhiệm và dần thay đổi để thích nghi với chính quyền mới. Facebook đã hạn chế các thuyết âm mưu hay nội dung về chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. YouTube giới hạn khả năng kiếm tiền thông qua quảng cáo của những kẻ cực đoan. Twitter triển khai các tính năng lọc mới để giảm tác động của hành vi quấy rối. Những tháng vừa qua, một số mạng xã hội bắt đầu kiểm duyệt cả các nội dung của Trump.
Việc này có ảnh hưởng đến cả những trang như Reddit. Diễn đàn này từng khẳng định những lời nói xấu, bôi nhọ về chủng tộc không đi ngược lại các quy tắc của trang web. Tuy nhiên, do áp lực từ cộng đồng và của chính các thành viên kiểm duyệt, Reddit cũng phải thay đổi chính sách.
Trump khiến mọi người nghi ngờ về mọi thứ
Bốn năm trước, người Mỹ chưa biết đến cụm từ "sự thật giả dối", "sự thật phiên phiến". Xuyên suốt lịch sử Mỹ, chưa từng có một Tổng thống nào liên tục nói về "tin giả" và cách các "phương tiện truyền thông lỗi thời" xuất bản chúng.
Dưới chính quyền Trump, nhiều thuyết âm mưu nổi lên mạnh mẽ, như cho rằng đảng Dân chủ tham gia vào các vụ buôn bán trẻ em và các nghi lễ Satan. Người dùng tiếp cận Internet với sự nghi ngờ. Bất cứ điều gì họ thấy buồn cười có thể sau đó được xác định rằng đó không phải sự thật. Dường như, người dùng không thể tin tưởng được bất kỳ thứ gì họ đọc được trên mạng nữa.
Renee Hobbs, Giáo sư truyền thông tại Đại học Rhode Island, cho biết Trump là "biểu tượng" của thông tin xấu. "Trump không coi trọng các chuyên gia. Ông ấy không coi trọng bằng chứng. Ông ấy tin vào bản năng của mình và ông ấy tự hào về điều đó", Hobbs nói. Trump chỉ trích báo chí và thúc đẩy các thuyết âm mưu.
Nhiều người đang rơi vào vòng xoáy thông tin sai lệch. Tuy nhiên, sự lan tràn "tin giả" cũng góp phần giúp nhiều người nhận thức được tầm quan trọng của việc chọn lọc thông tin từ truyền thông.
Trump thúc đẩy việc phá hủy Internet
Những người theo phe bảo thủ từ lâu phàn nàn rằng các mạng xã hội ở Thung lũng Silicon có thành kiến với họ, khiến nội dung bảo thủ thường bị gỡ bỏ. Do đó, họ muốn thay đổi luật Internet của Mỹ để có khả năng kiện các nền tảng này.
Giải pháp của Donald Trump và các thượng nghị sĩ, như Josh Hawley của đảng Cộng hòa, là xóa bỏ Điều 230 trong Đạo luật về Chuẩn mực truyền thông năm 1996.
Về cơ bản, luật quy định các mạng xã hội không được coi là "phát ngôn viên" của nội dung đăng trên đó. Vì vậy, nếu bạn bị vu khống trên Twitter, bạn có thể kiện kẻ vu khống, nhưng không thể kiện Twitter. Hawley đề xuất ba dự luật để gần như bãi bỏ Điều 230. Trong đó có một dự luật đề xuất Ủy ban Thương mại Liên bang sẽ chịu trách nhiệm xác định liệu một nền tảng có đủ "trung lập" về mặt chính trị để nhận được sự bảo vệ của Điều 230 hay không.
Bốn năm trước, "Điều 230" gần như vô nghĩa đối với hầu hết dân Mỹ. Nhưng Trump và đồng minh của ông đã biến nó trở thành một mục tiêu. "Bãi bỏ Điều 230" - Trump tweet vào tháng 5 và lặp lại thông điệp này vào cuối tháng 10.
Trump chọn đối đầu với quyền lực của Big Tech. Ông cho rằng các gã khổng lồ công nghệ đang kiểm duyệt thông tin trên nền tảng của họ dựa theo sở thích cá nhân và quan điểm chính trị của riêng họ. Tuy nhiên, việc xóa Điều 230 khiến phát ngôn trên mạng bị hạn chế, trong đó có cả các nội dung do chính Trump chia sẻ, bởi các nền tảng lo ngại họ phải chịu trách nhiệm pháp lý. Các website, như các blog và diễn đàn Reddit, cũng sẽ gặp khó khăn khi hoạt động.
Trong tháng 10, văn phòng của Hawley đưa ra sáu thông cáo báo chí đề cập tới thành kiến chống lại đảng Bảo thủ trên mạng xã hội. Ông sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu của mình ngay cả khi Trump phải rời Nhà Trắng. "Hawley được coi như một người nối nghiệp chủ nghĩa Trumpism", nhà báo Emma Green nhận xét.
Dù Trump thắng hay thua, người dùng Internet sẽ tiếp tục "sống chung với lũ". Bất kể kết quả của cuộc bầu cử như thế nào, Điều 230 sẽ được xem xét kỹ lưỡng. Nói cách khác, người dùng có nguy cơ mất quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội. Bất kỳ phát ngôn trái ngược nào cũng sẽ khiến tài khoản bị khóa nhằm bảo vệ Facebook, Twitter khỏi nguy cơ bị kiện tụng.
Theo VnExpress