Căng thẳng Mỹ - Trung khiến mạng Internet toàn cầu chia tách làm đôi?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc đã đẩy lĩnh vực công nghệ và chuỗi cung ứng của nó trở thành tâm điểm chú ý và Internet có nguy cơ bị phá vỡ do mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải). Ảnh: CNBC
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải). Ảnh: CNBC

Trong vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều dự đoán về cái gọi là chia tách mạng (splinternet) - ý tưởng về một loại mạng Internet chia tách làm đôi - một bên do Mỹ dẫn đầu và bên còn lại là Trung Quốc.

Mặc dù chưa có định nghĩa thống nhất về “splinternet”, các chuyên gia đã nói với CNBC rằng dữ liệu sẽ đóng một vai trò quan trọng trong bất kỳ mô hình Internet phân chia nào mà chúng ta sử dụng ngày nay.

“Tôi cho rằng dữ liệu và quản trị dữ liệu thực sự là vấn đề quan trọng ở đây” - Paul Triolo, người đứng đầu mảng địa công nghệ của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cho biết.

Thực tế, đã xuất hiện sự chia rẽ trong mạng Internet toàn cầu từ trước ở một mức độ nào đó. Trong một thời gian, Trung Quốc đã chặn nhiều công ty Mỹ như Google và Facebook hoạt động tại quốc gia này. Ở Trung Quốc, người dân sử dụng các ứng dụng nội địa nhiều hơn. Thay vì Amazon, người Trung Quốc có Taobao, JD.com do Alibaba sở hữu. Và WeChat là ứng dụng nhắn tin được hơn một tỷ người Trung Quốc lựa chọn thay vì WhatApp.

Nhưng việc phải sử dụng các ứng dụng khác nhau chỉ là một phần nhỏ của vấn đề. Sự chia rẽ Internet có thể đi sâu hơn vào các lĩnh vực bao gồm các tiêu chuẩn dữ liệu - quy tắc cho phép một số công nghệ hoạt động cùng nhau trên toàn cầu, quản trị dữ liệu và truyền dữ liệu. Trong đó, vấn đề thứ ba - truyền dữ liệu là một trong số những điểm quan trọng nhất và quản trị dữ liệu là một trong số những lĩnh vực nảy sinh sự bất đồng lớn nhất về quan điểm giữa các quốc gia trên thế giới nhất.

Ảnh: MIT Technology Review

Ảnh: MIT Technology Review

Sự khác biệt về quản trị dữ liệu


Chiến dịch chống lại các công ty công nghệ Trung Quốc dựa vào các cáo buộc rằng những công ty này là mối đe dọa an ninh quốc gia do cách họ xử lý dữ liệu của người dùng Mỹ.

Chẳng hạn, trong lệnh hành pháp đe dọa cấm TikTok mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ban bố ngày 6/8/2020 có nội dung cho rằng dịch vụ này thu thập “lượng lớn thông tin” về người dùng Mỹ và nó có thể được chuyển tới chính phủ Bắc Kinh.

TikTok thuộc sở hữu của ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh. Công ty đã nhiều lần phủ nhận những cáo buộc này. Chính phủ Mỹ đã buộc TikTok phải bán lại hoạt động kinh doanh của ứng dụng tại Mỹ và Oracle được cho là đã đạt được thỏa thuận với công ty mẹ ByteDance liên quan đến sự kiện này. Cho đến nay, chi tiết liên quan đến thương vụ này vẫn chưa được công khai.

Căng thẳng Mỹ - Trung khiến mạng Internet toàn cầu chia tách làm đôi? ảnh 2

Ảnh; Screen Rant

Đây là một ví dụ điển hình về việc địa phương hóa dữ liệu - nơi dữ liệu của công dân của một quốc gia được lưu trữ và xử lý ở một quốc gia khác và trong trường hợp này là Trung Quốc.

Những mâu thuẫn về quản trị dữ liệu cũng xảy ra giữa Liên minh châu Âu và Mỹ. EU và Mỹ đã có một thỏa thuận được gọi là “lá chắn quyền riêng tư”. Đây là một khuôn khổ nhằm cung cấp các cơ chế cho các các công ty ở cả hai khu vực tuân thủ các yêu cầu bảo vệ dữ liệu khi chuyển dữ liệu cá nhân từ Liên minh Châu Âu sang Hoa Kỳ. Thỏa thuận này đã được áp dụng trên hàng nghìn công ty.

Tuy nhiên, vào đầu năm nay, Tòa án Công lý Liên minh châu Âu đã hủy bỏ thỏa thuận này vì cho rằng nó không bảo vệ đầy đủ quyền riêng tư của công dân châu Âu. Tòa án lo ngại rằng luật pháp Hoa Kỳ không bảo vệ đầy đủ dữ liệu cá nhân của mọi người giống như luật pháp của châu Âu.

Hình thành các phe phái


Theo ông Triolo, sự phân mảnh internet trên cơ sở các nguyên tắc quản trị dữ liệu có thể dẫn đến việc hình thành các phe phái. Ông cũng hy vọng rằng EU và Mỹ sẽ khắc phục những mâu thuẫn, “hợp tác với nhau và thiết lập các tiêu chuẩn mới về dữ liệu”.

Ông Triolo cho rằng những các quốc gia như Trung Quốc và Nga khó có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn mới này. “Và đó sẽ là một trong những lý do khiến internet toàn cầu bị chia rẽ” - ông nói.

Điều này cũng có thể dẫn đến việc các công ty hoạt động ở Mỹ và châu Âu theo các tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu nghiêm ngặt sẽ gặp khó khăn khi hoạt động ở Trung Quốc và có nguy cơ phải rút lui.

“Do đó, tôi cho rằng quá trình này là không thể tránh khỏi và nó có thể diễn ra trong vài năm tới. Đương nhiên, nó không hề dễ dàng” - ông Triolo nói thêm.

Hình thành các trung tâm trung lập về dữ liệu

Ảnh: Dataversity

Ảnh: Dataversity

Theo ông Abishur Prakash - chuyên gia địa chính trị tại Trung tâm Đổi mới Tương lai (CIF), vốn là một công ty tư vấn có trụ sở tại Toronto, các quy định chặt chẽ hơn về quản lý dữ liệu có thể dẫn đến sự hình thành cái gọi là trung tâm trung lập về dữ liệu.

Ông Prakash đã tham khảo thương vụ mua TikTok hiện đang trong quá trình thương lượng. Theo những gì chúng ta được biết cho tới nay, một tổ chức mới có trụ sở tại Hoa Kỳ có tên là TikTok Global sẽ được thành lập. Oracle và Walmart sẽ sở hữu 20% cổ phần trong TikTok Global trong khi ByteDance sở hữu 80% còn lại. Tuy nhiên, Oracle khẳng định rằng ByteDance sẽ “không có quyền sở hữu” đối với TikTok Global.

ByteDance cho biết hãng sẽ không chuyển giao thuật toán hoặc công nghệ của mình cho Oracle như một phần của thỏa thuận. Điều đó cũng có nghĩa là thuật toán của ByteDance phải truy cập được vào dữ liệu ở Mỹ trong khi mục đích cuối cùng của thương vụ là ngăn chặn Bắc Kinh truy cập dữ liệu của người dùng Mỹ.

Như vậy, thỏa thuận sẽ cần đến một số quốc gia khác ngoài Mỹ và Trung Quốc đóng vai trò trung gian - các trung tâm trung lập về dữ liệu mà ông Prakash đã đề cập đến.

“Singapore hoặc UAE có thể trở thành các quốc gia trung lập lưu trữ dữ liệu, sau đó để các quốc gia và công ty khác truy cập” - ông Prakash nói với CNBC.

Theo CNBC