Theo báo cáo bán hàng của VAMA, tháng 9/2017 ghi nhận sự sụt giảm lớn của tiêu thụ xe. Cụ thể, doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng 9 đạt 21.216 xe, bao gồm 11.637 xe du lịch, 8.700 xe thương mại và 879 xe chuyên dụng.
Tính về tỷ lệ, lượng bán xe du lịch giảm 7%, xe thương mại không đổi và xe chuyên dụng tăng 4% so với tháng trước.
Về xe lắp ráp trong nước, sản lượng đạt 114.739 xe, giảm 5% so với tháng trước.
Theo VAMA, tổng doanh số bán xe tính của cả 9 tháng năm 2017 đã giảm 8% so với năm trước. Đáng chú ý trong đó, lượng bán xe du lịch giảm 7%, xe thương mại giảm 7% và xe chuyên dụng giảm 18%.
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 9/2017 ghi nhận sự sụt giảm mạnh của lượng nhập khẩu xe du lịch, với khoảng 918 xe trong cả tháng.
Tổng lượng nhập ô tô về Việt Nam trong tháng 9/2017 vào khoảng 21.000 chiếc. Như vậy, mức sụt giảm nhập khẩu xe du lịch khiến dòng xe này chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 15% trong tổng lượng nhập.
Trong giai đoạn trước, khoảng tháng 5 – 6 trở về trước, xe du lịch thường chiếm 45 – 60% tổng lượng xe nhập khẩu về Việt Nam.
Nếu so với lượng nhập khẩu xe du lịch trong tháng 8/2017 (hơn 3.600 chiếc), lượng nhập khẩu của tháng 9 đã giảm gần 3 lần.
Những số liệu cho thấy đã có sự sụt giảm bất thường so với thông lệ hàng năm, khi lượng nhập khẩu xe thường tăng vào những tháng cuối năm.
Về thị trường nhập khẩu ghi nhận sự sụt giảm mạnh xe nhập từ các thị trường châu Âu, Mỹ và Đông Bắc Á, Hàn Quốc… Trong khi xe trong nước và nhập từ thị trường ASEAN duy trì được thị trường dù phải kích cầu bằng các chương trình giảm giá ồ ạt, với mức giảm có thể lên tới hàng trăm triệu của mỗi dòng xe.
Sự sụt giảm tiêu thụ xe được giải thích do tâm lý chờ đợi của người tiêu dùng với việc giảm thuế nhập khẩu xe từ thị trường ASEAN sẽ giảm mạnh từ 1/1/2018.
Tâm lý chờ đợi của người tiêu dùng khiến các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh xe cũng giảm lượng nhập để tránh rủi ro.
Chủ một doanh nghiệp chuyên nhập xe ở Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, thay vì nhập mỗi lần vài chục xe, doanh nghiệp này chỉ nhập khẩu mỗi đơn hàng chừng chục xe trở lại. Đồng thời, chỉ nhập khi tập hợp được đặt hàng cho 2/3 số xe mỗi lần nhập.
“Giá xe biến động giảm từng ngày cộng với các chương trình khuyến mại giảm giá xe liên tiếp khiến nhập số lượng lớn rất rủi ro” – chủ doanh nghiệp này giải thích và cho biết thêm khá nhiều doanh nghiệp đã lỗ lớn khi tranh thủ thuế giảm nhập nhiều xe rồi không tiêu thụ được.
Theo chủ doanh nghiệp này, xe mới giảm giá mạnh khiến hoạt động của giới buôn xe đã qua sử dụng gần như đóng băng.
Chủ một gara kinh doanh xe đã qua sử dụng của Hải Phòng xác nhận thực tế này, không hiếm trường hợp xe cũ mua vào hồi đầu hoặc giữa năm thậm chí còn cao hơn cả giá mua xe mới và hiện không thể bán được, dù sẵn sàng cho nợ. Tại gara xe này hiện còn tồn gần 20 xe kiểu này và tài chính của chủ gara hiện khá nguy ngập do vốn bị đọng trong số xe tồn này là rất lớn.
Theo VAMA, doanh số bán hàng trong tháng 9/2017 của Toyota Việt Nam đạt 4.109 xe, giảm mạnh so với 5.794 xe bán ra trong tháng 8. Hãng này hiện cũng đã giảm giá mạnh tất cả các dòng xe của mình
Tương tự, Thaco có doanh số bán trong tháng 9/2017 là 5.640 xe, giảm so với 6.228 xe của tháng trước và giảm mạnh so với 10.104 của cùng kỳ năm 2016.
Lượng bán xe của Ford Việt Nam, cũng như các hãng xe như Mitsubshi, Suzuki… cũng giảm so với tháng trước
Chỉ riêng Honda Việt Nam với chương trình giảm giá sốc đã đạt mức tăng trưởng mạnh với 2.073 xe bán ra, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ 2016 và tăng hơn 1.000 xe với tháng 8/2017, nhờ doanh số mẫu CR-V tăng mạnh hơn 1.300 xe.