Nữ xạ thủ 25 tuổi người Nga tiêu diệt 309 lính và sĩ quan Đức quốc xã

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong Thế chiến II, không ai có thể sánh kịp với thành tích bắn tỉa của chị, khi Lyuda mới 25 tuổi, đã hạ gục được 309 binh lính và sĩ quan của Đức quốc xã.
Cả nước Mỹ thán phục trước thành tích diệt phát xít của cô gái 25 tuổi, người Nga
Cả nước Mỹ thán phục trước thành tích diệt phát xít của cô gái 25 tuổi, người Nga

Cả nước Mỹ thán phục trước thành tích diệt phát xít của cô gái 25 tuổi, người Nga.

Truyện kể về cô gái trẻ, xạ thủ bắn tỉa người Nga, có tên Lyudmila Pavlichenko – (Lyuda). Lyuda sinh ngày 12/7/1916 – năm cuối cùng của đế chế Nga hoàng - tại thành phố Belaya Tserkov, tỉnh Kiev. Trong Thế chiến II, không ai có thể sánh kịp với thành tích bắn tỉa của chị, khi Lyuda mới 25 tuổi, đã hạ gục được 309 binh lính và sĩ quan của Đức quốc xã.

Hiếm có một bé gái nào, ngay từ thời ấu thơ lại mơ trở thành xạ thủ bắn tỉa, và Lyuda cũng không phải là ngoại lệ, giống như tất cả những bé gái khác, Lyuda luôn mơ về Hoàng tử của mình và chị kết hôn khi tuổi còn rất trẻ. Năm cuối của hệ phổ thông, khi đó Lyuda 15 tuổi, chị gặp Alexey Pavlichenko – một sinh viên của học viện nông nghiệp.

Một thiếu nữ mới lớn và một tia chớp của tình yêu – một tình yêu vẫn thường được miêu tả trên những trang sách, và điều gì đến đã đến. Năm 1932, con trai Rostislav của Lyuda ra đời, tuy nhiên cuộc hôn nhân chứa đầy nước mắt khiến Lyuda không muốn nhớ lại.

Lyuda trở thành người mẹ trẻ, đơn thân, đồng thời với việc phải nuôi dạy Rostislav – người con mà chị rất mực yêu thương, buổi tối chị Lyuda đi học, còn ban ngày đi làm thợ tiện tại nhà máy Arsenal ở Kiev. Cũng ở nhà máy này, Lyuda đã có những bước đi đầu tiên để tiếp cận môn thể thao bắn súng.

Chị Lyuda chia sẻ: “Có lẽ nghề nghiệp đã chi phối việc lựa chọn môn thể thao: xạ thủ bắn tỉa của tôi, cả thợ tiện và bắn tỉa đều rất cần độ chính xác”. Lớp bắn súng kéo dài một năm, Lyuda kết thúc với kết quả xuất sắc, chị tiếp tục đăng ký khóa bắn tỉa của thành phố, khóa học kéo dài 2 năm, dự tính sẽ kết thúc vào năm 1939, ở đây, công tác giảng dạy do các sĩ quan quân đội đảm nhiệm, việc thi cử cũng do quân đội tổ chức.

Thời điểm này Lyuda đang là sinh viên khoa lịch sử của đại học tổng hợp Kiev. Lyuda đi thực tập để nhận bằng tốt nghiệp ở Odessa, và cũng từ đây, tháng 6/1941, chị tình nguyện ra chiến trường. Lyuda được giao nhiệm vụ tham gia phòng thủ Odessa và Sevastopol, chỉ một năm sau, tháng 6/1942, số binh lính và sĩ quan của phát xít Đức do Lyuda hạ gục đã lên tới 309 tên.

250 ngày đêm chiến đấu dũng cảm bảo vệ Sevastopol (Ảnh tư liệu).
250 ngày đêm chiến đấu dũng cảm bảo vệ Sevastopol (Ảnh tư liệu).

Chị Lyuda nhớ lại : 250 ngày đêm chiến đấu dũng cảm bảo vệ Sevastopol, thực sự chỉ là một trận đánh liên tục trên tiền tuyến, cảm giác thế nào là “phục kích bắn tỉa”, thế nào là “đi săn” các xạ thủ của phát xít Đức vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của Lyuda. Nhiều lúc phải nằm im như chết trong khoảng 18 đến 20 giờ đồng hồ, thậm chí còn lâu hơn nữa để phục kích.

Khi đã phát hiện ra địch thì đúng là cuộc đấu súng thực sự. Hai thước ngắm, hai họng súng chĩa thẳng vào nhau, và trong khoảnh khắc diễn ra chưa đến một giây đó, chị còn nhìn rõ ánh mắt, màu da của kẻ thù. Và cũng chính trong khoảnh khắc đó, ai bóp cò trước thì người đó sẽ sống, và đã là xạ thủ thì không thể là người bóp cò thứ 2.

Đối với Lyuda, chiến trường đâu chỉ có khói súng và xác giặc, và cũng đúng vào năm 1941, giữa lúc bom gầm đạn rú, mầm xanh của tình yêu đích thực đã nảy sinh giữa Lyuda và một xạ thủ khác có tên là Alexey Kitsenko. Hai người đã báo cáo tổ chức để đi đăng ký kết hôn, chỉ còn một chút nữa thôi là Lyuda và Alexey sẽ trở thành vợ chồng.

Thế nhưng, có lẽ Lyuda sinh ra dường như không phải để được đón nhận tình yêu một cách trọn vẹn. Alexey bị thương và không qua khỏi. Chính Lyuda đau xót bế thi thể người yêu của mình về đến hậu cứ.

Sau một năm chiến đấu, Lyuda cũng nhiều lần bị thương. Để giữ gìn nữ xạ thủ đặc biệt này, Chỉ huy quyết định rút chị về phía sau. Tháng 7/1942, một vinh dự bất ngờ đến với Lyuda, chị là một trong ba sinh viên được sang Mỹ dự hội thảo quốc tế. Trong bộ quân phục bình dị của mình, Lyuda vượt đại dương tới Mỹ rồi Canada, đâu đâu chị cũng được chờ đợi háo hức và đón chào nồng nhiệt.

Tại đây, Lyuda có những bài phát biểu trước toàn thể công chúng Mỹ, từ công xưởng, giảng đường đến trung tâm điện ảnh Hollywood. Chị được đích thân Tổng thống Mỹ Roosevelt cùng phu nhân mời tới Nhà Trắng. Thời điểm này, mặt trận thứ 2 của cuộc chiến chưa được mở ra. Với những thành tích chiến đấu của mình, trong một lần trả lời các câu hỏi của phóng viên, Lyuda không ngần ngại nói thẳng về sự hèn nhát của các chính trị gia Mỹ và rằng: “ Tôi mới 25 tuổi, tôi đã tiêu diệt được 309 tên phát xít xâm lược, còn các ngài, các ngài đã nấp sau lưng tôi hơi lâu rồi đó”. Câu nói của chị được những tràng pháo tay vang dội đón nhận.

Năm 1943, Lyumila Pavlichenko được trao tặng danh hiệu anh hùng Liên Xô, chị được giao nhiệm vụ truyền đạt kinh nghiệm chiến đấu cho những chiến sĩ chuẩn bị ra tiền tuyến. Sau chiến tranh, Lyuda tốt nghiệp đại học tổng hợp Kiev và công tác tại Bộ Tổng tham mưu hải quân Liên Xô.