Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Cục Tần số vô tuyến điện, diễn ra vào sáng 18/12/2015, ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, trong năm 2015 Cục Tần số vô tuyến điện đã duy trì công tác kiểm soát tần số, xử lý can nhiễu 24h/ngày trên toàn quốc, qua đó phát hiện kịp thời các đài vô tuyến vi phạm Luật Tần số vô tuyến điện và phát hiện các nguồn xạ gây nhiễu có hại.
Cụ thể, Cục Tần số vô tuyến điện đã kiểm soát và phát hiện 402 tổ chức, cá nhân sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện không có giấy phép và 138 tổ chức, cá nhân sử dụng sai tần số đã được cấp phép.
Nổi bật nhất, trong năm 2015, Cục Tần số vô tuyến điện đã xử lý thành công 260 vụ can nhiễu. Trong đó có 14 vụ can nhiễu hàng không, 196 vụ nhiễu thông tin di động, 11 vụ nhiễu phát thanh truyền hình, 5 vụ can nhiễu quốc phòng an ninh, còn lại là các vụ can nhiễu mạng dùng riêng, mạng vi ba. Hiện tại, tiếp tục xử lý 13 vụ nhiễu, trong đó có 12 vụ nhiễu mạng di động.
Điển hình, tình trạng xử lý nhiễu có hại cho các mạng di động do việc sử dụng các thiết bị trạm lặp trái phép, thiết bị không dây chuẩn DECT 6.0 tiếp tục gia tăng. Các Trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực đã phát hiện và xử lý 173 tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị gây nhiễu đối với 228 trạm gốc tại Hà Nội và TP.HCM. Đồng thời, cũng phát hiện và xử lý 1.078 thiết bị DECT 6.0 gây nhiễu trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh như Đà Nẵng, Lâm Đồng, Khánh Hòa, TPHCM, Cần Thơ.
Liên quan đến vấn đề xử lý các vụ can nhiễu mạng di động do người dân sử dụng trạm lặp (repeater, thiết bị kích sóng di động) trái phép, đại điện Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 1 cho hay, trong năm 2015, riêng Trung tâm 1 đã xử lý tới 150 vụ dùng thiết bị kích sóng di động trái phép gây nhiễu cho các nhà mạng, trong đó nhiều nhất là ảnh hưởng đến nhà mạng Viettel. Qua xem xét cho thấy bản thân người dân cũng không muốn sử dụng thiết bị kích sóng trái phép, nhưng do chất lượng sóng quá yếu họ buộc phải mua thiết bị trái phép về dùng.
Ông Lê Văn Tuấn cũng cho hay, việc xử lý tình trạng sử dụng thiết bị kích sóng trái phép gây nhiễu mạng di động phải có giải pháp căn cơ. Người dân mua thiết bị kích sóng trái phép về dùng vì sóng yếu, khi bị phát hiện và xử phạt họ tạm thời không dùng nữa, nhưng nếu sóng vẫn yếu thì họ lại tiếp tục lắp thiết bị kích sóng di động.
“Phải giải quyết tận gốc nguyên nhân của vấn đề đó là nâng cao chất lượng phủ sóng của các nhà mạng, điều này các nhà mạng phải chủ động giải quyết bằng cách đầu tư nâng cấp hạ tầng”, ông Tuấn phát biểu.
Ông Đào Duy Phúc, Giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 3 nhận định, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện cũng khó khăn. Ví dụ, khi người dân dùng thiết bị kích sóng trái phép (là một thiết bị có công suất nhỏ) nhưng mức phạt theo quy định là 30 triệu đồng là quá cao khi xử phạt cá nhân. Bên cạnh đó, khi nhân viên Cục Tần số Vô tuyến điện tiến hành kiểm tra tại hộ gia đình nếu không có công an đi cùng họ sẽ đuổi ra, không cho vào nhà, có nhiều trường hợp có công an đi cùng vẫn bị đuổi.
Để giải quyết tận gốc tình trạng thiết bị viễn thông gây nhiễu, một số ý kiến cho rằng, Bộ TT&TT cần có giải pháp phối hợp với Bộ Công thương để kiểm soát thiết bị viễn thông như thiết bị kích sóng, điện thoại không dây chuẩn DECT 6.0 không được phép nhập khẩu và bán trên thị trường Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho rằng, các thiết bị gây nhiễu, không hợp quy chuẩn của Việt Nam chủ yếu nhập khẩu qua đường xách tay, không chính ngạch, do đó rất khó có thể kiểm soát qua con đường nhập khẩu chính thức. Sắp tới, Bộ TT&TT sẽ đề nghị họp bàn với Bộ Công thương để đưa ra biện pháp quản lý thiết bị viễn thông gây nhiễu. Còn trong thời gian trước mắt vẫn phải chấp nhận xử lý “phần ngọn”, tức là chỉ kiểm tra, xử lý được khi người dân sử dụng gây nhiễu.
Trong năm 2015, các đơn vị của Cục Tần số vô tuyến điện đã kiểm tra công suất của 620 đài PT-TH từ cấp huyện trở lên phát hiện 10 đài phát vượt quá công suất quy định trong giấy phép. Đồng thời, Cục Tần số vô tuyến điện cũng thực hiện đo chất lượng thiết bị đối với 838 đài PT-TH và truyền thanh không dây, đã đôn đốc 215 đài khắc phục xong các vi phạm về dung sai tần số và phát xạ không mong muốn.
Cục Tần số vô tuyến điện đã tổ chức giám sát 12 mạng truyền hình cáp, tiến hành đo kiểm tại 227 điểm tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương và khu vực Bắc Quảng Nam, phát hiện và đôn đốc các doanh nghiệp truyền hình cáp khắc phục 107 điểm có bức xạ vượt quá quy chuẩn cho phép.
Cơ quan quản lý tần số cũng phát hiện 3 tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị RFID và 1 cá nhân sử dụng camera không dây, 1 dây chuyền sản xuất công nghiệp và 1 thiết bị WiFi phát xạ gây nhiễu.
Trong lĩnh vực hàng không đã phát hiện và xử lý 3 vụ gây nhiễu các tần số điều hành bay do các đài phát thanh, truyền thanh không dây phát xạ gây nhiễu.
Theo ITC News