Trước tình hình này, chúng tôi đã thực hiện cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Minh – một trong những người đang thực hiện loạt chương trình Giải mã văn hóa - hành trình 40 năm từ trang giấy lên truyền hình từ những gì đang xảy ra trong xã hội hiện đại.
- Thưa ông, trong xu thế phát triển hiện nay, việc Việt Nam mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế là việc tất yếu. Tuy nhiên, những vụ việc vừa xảy ra trong lĩnh vực giáo dục, nhất là việc lạm dụng danh xưng quốc tế cũng tương đối phổ biến. Ông lý giải điều này như thế nào?
+ Gần đây khi mở thêm một trường học mới, người ta phải thêm vào tên trường đó một cái tên nước ngoài, nhằm phục vụ tâm lý sính ngoại, cho rằng bằng cấp nước ngoài tốt hơn trong nước…
Tuy nhiên theo tôi, những gì chúng ta đang thấy trong giáo dục, cũng đã từng xảy ra ở nhiều ngành nghề khác. Nhưng với giáo dục thì bây giờ là giai đoạn quá độ để sàng lọc một lần nữa những gì chúng ta nên giữ và cái gì nên loại bỏ. Trong tiến trình đó chúng ta cần nhìn nhận sự lạm dụng, mạo danh… cũng chỉ vì mưu sinh.
- Theo ông nói thì sự lạm dụng, mạo danh quốc tế cũng chỉ là vì mưu sinh và một số trường đã đánh trúng tâm lý người dân mình để lợi dụng. Nhiều người tin vào các trường mang danh quốc tế sẽ có chất lượng quốc tế. Bằng chứng đã phát hiện nhiều cơ sở giáo dục mạo danh quốc tế?
+ Không phải họ chỉ thành lập một trường học rồi lấy tên, hoặc liên danh với một trường nước ngoài nào đó, mà thậm chí còn 'láu cá' hơn, chỉ liên danh về mặt danh nghĩa để trục lợi. Như vậy, thì chính những cơ sở này sẽ bị sàng lọc nhanh thôi. Với tốc độ phát triển như bây giờ, không thể nói dối ai được. Chất lượng giáo dục và chất lượng dịch vụ sẽ tương ứng với đồng tiền bỏ ra cho những người tham gia và người dân không dễ gì bỏ tiền mua những thứ không tương xứng với giá trị của nó.
- Chúng ta có nên lo lắng quá về thực trạng của nền giáo dục không, thưa ông?
+ Chúng ta đang từng bước hội nhập quốc tế, tạo ra những bang giao chưa từng có, trong từng chuyên ngành, từng lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Để có được những gì tốt đẹp nhất về hạ tầng cơ sở, về trang thiết bị hiện đại, về chương trình giảng dạy… đã có những hoạt động đầu tư kinh doanh trong giáo dục.
Chỉ có điều, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần phải xem xét các nhà đầu tư cho giáo dục có văn hóa như thế nào, bởi chính họ sẽ quyết định sống còn cho các tiêu chí xây dựng một nền giáo dục tốt đẹp, hướng tới học trò, đặt lợi ích của học trò lên trên tất cả. Đây là gốc rễ của vấn đề hiện nay.
- Ông vừa nhắc đến nhà đầu tư cho giáo dục, cụ thể những nhà đầu tư đó là ai và phải bắt đầu từ đâu?
+ Trước hết, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ quản về giáo dục cần phải bổ sung thêm nhiều chuyên gia, những người tài giỏi trong những lĩnh vực khác vào bộ máy, vì hiện tại, lãnh đạo ngành chỉ giỏi về chuyên môn. Để phát triển tổng thể giáo dục, cần thêm các giáo sư, tiến sĩ của những ngành khác hỗ trợ. Đây là nút quan trọng nhất.
Nói thẳng ra, hoạt động giáo dục hiện nay đang thiếu một bộ máy chỉ đạo. Giống như giao cho một thầy giáo vừa dạy văn lại vừa làm kế toán thì làm sao giỏi được.
Theo tôi, đầu tư cho giáo dục phải bắt đầu từ đầu tư cho cấp mầm non, từ đó xác lập rõ tiêu chí cho các cấp còn lại. Chúng ta đang đầu tư không có trọng điểm, dàn trải cho mọi cấp học. Đây cũng là điều đáng bàn.
- Vâng, đầu tư cho mầm non hiện cũng đang tồn tại nhiều vấn đề, những vụ việc xảy ra trong cấp học này cũng đáng báo động (như hành vi hành hạ trẻ, nhốt trẻ vào tủ…). Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Muốn có những học trò giỏi, phải đầu tư đúng mức từ mầm non (ảnh: Minh Thúy)
|
+ Từ trước tới nay chúng ta thực sự chưa quan tâm đến cấp mầm non. Trong khi đây là cấp học cần phải quan tâm nhất, từ đội ngũ giáo viên, chế độ đãi ngộ, lương bổng.
Theo tôi, lương giáo viên mầm non giờ quá thấp, trong khi tiền trả cho giúp việc trông trẻ, nhất là trông trẻ nhỏ, lại rất cao. Tại sao có nghịch lý này? Vì chúng ta chỉ đang trách cứ, chứ chưa thực sự chia sẻ với các giáo viên, chưa giải quyết từ gốc vấn đề.
Quan sát trong 50 năm qua, thấy có vẻ chúng ta chưa bình đẳng với các giáo viên mầm non. Không thể so sánh vị trí của một giáo sư dạy đại học với một cô giáo mầm non, vì 2 người này đều có những sứ mệnh của riêng mình.
Nguyên nhân gây ra những vấn đề hiện nay chính là việc đầu tư sai ngay từ đầu.
Vì thế, phải đầu tư từ cấp học thấp nhất là mầm non, mà nền tảng căn bản là từ giáo viên. Làm sao để một giáo viên mầm non đứng trước xã hội nói về mình bằng niềm vinh dự, xã hội phải tôn trọng họ, mọi người phải dành sự trân quý, tình cảm cao nhất cho giáo viên cấp học này.
- Suy cho cùng thì giáo dục luôn có vị trí trung tâm, là lĩnh vực quan trọng nhất trong xã hội và chúng ta cũng phải có một cách nhìn nhận chuẩn về vị trí, vai trò của những người làm giáo dục, các thầy cô giáo trong xã hội hiện nay?
+ Xảy ra các vụ việc vô đạo đức do giáo viên gây ra, là một sự đau xót. Nhưng tôi cho rằng, đó chỉ là những hiện tượng, trong những thời điểm nhất định. Chúng ta phải nhìn vào cả quá trình, trong cả một đất nước rộng lớn, thay vì đang nhìn nó quá tiêu cực.
Theo tôi, nếu hệ thống lại thì chỉ có hai vấn đề đặt ra, là việc đào tạo người giáo viên thì cần có chế độ đặc biệt, tuyển chọn kỹ càng từ đầu. Thứ hai là kiện toàn lại toàn bộ bộ máy tổ chức, quản lý nền giáo dục. Giải quyết tới nơi tới chốn các vấn đề này thì ngành giáo dục sẽ phát triển.
- Xin cảm ơn ông!