“Nơi đầu sóng” - cái nhìn chân thực về cuộc sống của chiến sĩ nơi hải đảo

VietTimes -- Chiều 30/8, nhân dịp kỷ niệm 74 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2019), Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương phối hợp với Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam và Nhà Xuất bản Văn học, đã tổ chức lễ ra mắt sách, triển lãm ảnh với chủ đề “Nơi đầu sóng”. 
Lễ ra mắt sách, triển lãm ảnh với chủ đề “Nơi đầu sóng”. Ảnh: Minh Thúy
Lễ ra mắt sách, triển lãm ảnh với chủ đề “Nơi đầu sóng”. Ảnh: Minh Thúy

Cuốn sách “Nơi đầu Sóng” gồm 21 câu chuyện về biển đảo quê hương của hai tác giả Lữ Mai và Trần Thành, do Nhà Xuất bản Văn học ấn hành vào tháng 8/2019.

Cuốn sách là tác phẩm chung, đánh dấu sự kết hợp của hai tác giả: Một người là kỹ sư yêu biển đảo và một nhà văn, nhà báo.

Kỹ sư Trần Vũ Thành là chủ nhiệm các công trình ý nghĩa hướng về Trường Sa như: Máy lọc nước biển thành nước ngọt, máy ép rác C-Sea, công nghệ vi sinh xử lý môi trường… và nhiều công trình đang ấp ủ. Tính đến nay, anh đã có 8 lần đi Trường Sa qua các mùa, tích lũy được nhiều trải nghiệm và luôn đau đáu những ý tưởng, giải pháp hữu ích để cải thiện cuộc sống tinh thần và vật chất cho quân dân nơi đảo xa, nhà giàn DK1.

Cuốn sách “Nơi đầu Sóng”
Cuốn sách “Nơi đầu Sóng”

Phát biểu khai mạc lễ ra mắt sách và triển lãm ảnh, nhà thơ Hữu Việt cho biết, những năm gần đây, chúng ta biết đến Trường Sa, Hoàng Sa chủ yếu thông qua các tác phẩm nhiếp ảnh, các ca khúc và rất nhiều bài thơ,... nhưng tác phẩm văn xuôi thì không có nhiều. Đáng chú ý nhất là cuốn bút ký "Đảo chìm" của nhà thơ Trần Đăng Khoa và tác phẩm "Biển xanh màu lá" của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đã tái bản rất nhiều lần. Cuốn sách "Nơi đầu sóng" sẽ là một cái nhìn mới mẻ và đặc biệt về Trường Sa nói riêng và biển đảo Việt Nam nói chung.

Nhà thơ Hữu Việt cùng hai tác giả Lữ Mai và Trần Thành
Nhà thơ Hữu Việt cùng hai tác giả Lữ Mai và Trần Thành

Chia sẻ cảm nhận về cuốn sách "Nơi đầu sóng", nhà thơ Trần Đăng Khoa xúc động: "Thật hạnh phúc khi hôm nay chúng ta được đến với Trường Sa. Chúng ta có mặt ở Trường Sa mà không phải lên tàu, không phải vượt sóng, bởi các nghệ sĩ tài năng đã mang Trường Sa về Hà Nội. Đó là hai tác giả Lữ Mai và Trần Thành. Bạn đọc có thể ngắm, nhìn và cảm nhận một cách đầy đủ nhất về Trường Sa. Tôi là một trong những người lính đầu tiên viết về Trường Sa và có sự cảm nhận đầy đủ nhất về những gian khổ không thể nào nói hết của nơi đây trong những năm vừa qua. Bây giờ, Trường Sa của ngày hôm nay đã rất khác, được thể hiện qua cuốn sách "Nơi đầu sóng".

Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Nhiếp ảnh gia Trần Thành - tác giả cuốn "Nơi đầu sóng" chia sẻ, khi chụp ảnh ở Trường Sa, anh đã chụp với một niềm đam mê cháy bỏng khi tự mình "hai tay hai máy" để tác nghiệp. "Nơi đầu sóng" là cái nhìn của thế hệ trẻ về Trường Sa, về cuộc sống và con người nơi biển đảo quê hương.

Cùng với lễ ra mắt sách "Nơi đầu sóng", triển lãm ảnh cùng tên đã giới thiệu tới công chúng 100 hình ảnh mới nhất, phản ánh trung thực các mặt hoạt động tại Trường Sa, nhà giàn DK1, các lực lượng trên biển... Điểm nhấn của triển lãm là hình ảnh đầy đủ về 15 nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Triển lãm ảnh "Nơi đầu sóng"
Triển lãm ảnh "Nơi đầu sóng"

 Ngoài ảnh của các nhiếp ảnh gia, nhà báo, thì triển lãm còn có ảnh của các nhân vật đặc biệt như: Chính ủy các Lữ đoàn thuộc Quân chủng Hải quân, bộ đội thi công nhà giàn, bộ đội trên đảo, đại biểu ra thăm đảo… Triển lãm còn trưng bày các hiện vật về quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

Hình ảnh về nhà giàn tại Trường Sa
Hình ảnh về nhà giàn tại Trường Sa

Anh Nguyễn Văn Hiếu - chàng lính trẻ người Hà Nội đã từng ra đảo Trường Sa thực hiện nghĩa vụ - bồi hồi nhớ lại: "Tôi đã công tác tại Trường Sa từ tháng 7/2016 - 6/2017. Lần đầu tiên đạt chân lên đảo, tôi vô cùng bỡ ngỡ và đã chạy vòng quanh đảo để ngắm nhìn cảnh vật nơi đây. Khi thực hiện nhiệm vụ tại Trường Sa thì khó khăn lớn nhất mà tôi gặp phải là thiếu rau và thiếu nước. Để khắc phục điều này, tôi cùng đồng đội lập tường bao, quây thành từng khu để tăng gia, phủ ni lông để rau chống nhiễm mặn."

Anh Nguyễn Văn Hiếu bên bức ảnh mà nhiếp ảnh gia Trần Thành đã chụp ngày anh đang là lính đảo Trường Sa
Anh Nguyễn Văn Hiếu bên bức ảnh mà nhiếp ảnh gia Trần Thành đã chụp ngày anh đang là lính đảo Trường Sa

Chia sẻ về bức ảnh được nhiếp ảnh gia Trần Thành thực hiện, anh Hiếu cho biết: Khi có đoàn văn công đến thì hầu hết mọi người trên đảo đều vô cùng hào hứng và vui vẻ, cổ vũ nhiệt tình, hăng say để quên đi những khó khăn, vất vả trong cuộc sống ở nơi đảo xa. Tác giả ảnh đã bắt được khoảnh khắc hạnh phúc đó của tôi...

Sắp tới, nhóm tác giả và các đơn vị tổ chức sự kiện sẽ phát động chương trình Tết trung thu “Bố ở đảo xa - Con ở nhà có bạn” năm 2019, nhằm kết nối để tặng quà cho các cháu thiếu nhi là con em cán bộ chiến sỹ đang công tác trên biển đảo. Những món quà ý nghĩa sẽ được trao ngay dịp Trung thu cho thiếu nhi tại Quân chủng Hải quân, Hải Phòng.

Trong khuôn khổ sự kiện, chương trình cũng kêu gọi các nguồn lực cá nhân, xã hội qua các hình thức đóng góp khác nhau, có thể là mua sách, mua ảnh hoặc đóng góp tiền mặt. Số tiền thu được sẽ công khai ngay sau sự kiện và chuyển thành hành động, quà tặng thật cụ thể.