"Nợ công không thể giảm trong một sớm một chiều mà cần phải có lộ trình"

Đó là khẳng định của ông Võ Hữu Hiển – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính khi trao đổi với báo chí xung quanh câu chuyện nợ công gia tăng trong 5 năm qua và những giải pháp khắc phục tới đây
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có thể nói, nợ công là nguồn lực quan trọng để đầu tư thực hiện các dự án hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô. Cụ thể, tác động của nợ công đến sự phát triển ấy như thế nào, thưa ông?

Nợ công của Việt Nam chủ yếu được vay để đầu tư vào kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Trước đây, có những giai đoạn, chúng ta vay để phục hồi cho những cơ sở sau chiến tranh, sau đó là vay để cải tạo nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng khi đất nước vẫn nằm trong khối thu nhập thấp. Đến nay, các khoản vay chủ yếu được sử dụng cho các công trình kết cấu hạ tầng đường bộ. Thực tế, rất nhiều công trình sử dụng nợ công đã hoàn thành và đang đi vào sử dụng một cách hiệu quả. 

Đối với các địa phương, nợ công hỗ trợ cho việc nâng cấp hạ tầng đô thị. Đến nay, tất cả các đô thị trong cả nước, từ giao thông đô thị, xử lý môi trường đều được đầu tư bằng nợ công, đặc biệt là một số công trình lớn như đầu tư hệ thống tàu điện ngầm, các công trình chống ngập ở Hà Nội và TP.HCM.

Qua đó, có thể đánh giá là nợ công có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Nhờ có nợ công mà kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của nước ta được cải thiện rõ rệt.

Theo những công bố mới nhất của Bộ Tài chính, cơ cấu nợ công của Việt Nam trong 5 năm qua đã có những chuyển dịch nhất định. Xin ông phân tích cụ thể hơn về sự chuyển dịch này?


Có thể nói, trong thời gian gần đây, nợ công luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng nợ công của một số nước châu Âu. 

Ở Việt Nam, đến cuối năm 2015, nợ công bao gồm nợ Chính phủ chiếm 80,8% dư nợ, nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 17,8% và nợ chính quyền địa phương chiếm 1,4%.

Trong cơ cấu nợ Chính phủ, tỷ trọng nợ trong nước đang có xu hướng tăng từ 39% năm 2011 lên 57% năm 2015 và tỷ trọng nợ nước ngoài giảm tương ứng từ 61% năm 2011 xuống còn 43% năm 2015, phù hợp với Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn đến 2030. 

Về cơ cấu kỳ hạn danh mục nợ của Chính phủ, nợ trong nước của Chính phủ chủ yếu là trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn còn lại bình quân tính đến tháng 6-2016 là khoảng 5 năm, cải thiện rõ rệt so với mức 4,4 năm vào cuối năm 2015 và 3 năm vào cuối năm 2013. Đối với nợ nước ngoài, vay ODA, vay ưu đãi vẫn chiếm tỷ trọng cao (trên 94%) với kỳ hạn còn lại bình quân trên 10 năm. 

Về cơ cấu lãi suất, đối với nợ trong nước, việc tập trung huy động vốn trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ đã góp phần thúc đẩy sự phát triển thị trường trái phiếu trong nước,giảm lãi suất của kênh huy động vốn này. Lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân giảm từ mức 12%/năm vào năm 2011 xuống còn khoảng 6,5% vào năm 2014 và khoảng 6% vào năm 2015. Đối với nợ nước ngoài với các khoản vay ODA, vay ưu đãi chiếm tỷ trọng lớn, lãi suất bình quân tính đến cuối năm 2015 khoảng 2%/năm.

Cơ cấu đồng tiền của danh mục nợ của Chính phủ tập trung vào một số đồng tiền chính bao gồm: đồng Việt Nam với tỷ trọng 55% do tỷ lệ vay trong nước đang tăng cao hơn; USD chiếm tỷ trọng 16%; Yên Nhật chiếm tỷ trọng 13% và Euro chiếm tỷ trọng khoảng 7%, còn lại là các đồng tiền khác.

Trong nợ CP, nợ trong nước chiếm 57%, nợ nước ngoài 43%. Nợ trong nước ngày càng có xu hướng tăng lên còn nợ nước ngoài thì giảm đi từ 61% năm 2011 xuống 43%. Như vậy phù hợp với định hướng chiến lược nợ công, nợ nướcngoài của quốc gia. Đồng thời xu thế đó giảm thiểu rủi ro về biến động tỷ giá. Đối với nợ trong nước, nguồn vay chủ yếu là phát hành TPCP trên thị trường vốn trong nước; nợ nước ngoài vay bằng nguồn ODA ưu đãi, trên 94% khoản vay nước ngoài của Chính phủ là ODA ưu đãi.

Điều đó có làm ảnh hưởng đến an toàn nợ công hay không, thưa ông?

Đánh giá về cơ cấu nợ công, chúng tôi đã cùng ngồi lại với Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) để phân tích và thống nhất nhận định rằng cơ cấu nợ công của Việt Nam hiện nay đang tương đối bền vững, khả năng trả nợ vẫn chưa có vấn đề gì lớn.

Đánh giá này cũng đã từng được WB nêu ra tại thông cáo báo chí bình luận về tình trạng nợ công của Việt Nam cách đây không lâu.

Cơ cấu nợ bền vững nhưng dư nợ công lại đang tăng nhanh. Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2011-2015, nợ công tăng khoảng 12,2% GDP, từ mức 50% vào năm 2011 lên 62,2% vào cuối năm 2015. So với mức tăng 9% GDP của giai đoạn 2006-2010 thì khá cao. Theo ông, nguyên nhân do đâu?


Theo tôi, nguyên nhân trước tiên là áp lực huy động vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2001-2005, đầu tư toàn xã hội bình quân là 39%GDP. Sang giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ này đạt 42,9%GDP. Trong 5 năm 2011-2015, mặc dù mức đầu tư có giảm nhưng vẫn duy trì ở 32-33% GDP. Đầu tư ở mức tương đối cao trong khi tỷ lệ tiết kiệm của nền kinh tế cho đầu tư chỉ khoảng 25% GDP dẫn đến sự thiếu hụt về nguồn cho đầu tư, đồng nghĩa với việc phải đi vay. Việt Nam là một nước đang trong giai đoạn phát triển, cũng như rất nhiều các nước phát triển khác, buộc phải tăng vay nợ cho đầu tư, từ đó khiến quy mô nợ công tăng lên.

Xét trên khía cạnh thứ hai là bối cảnh kinh tế 2011-2015 không thuận lợi, đặc biệt là việc điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả giai đoạn từ mức bình quân 7-7,5%/năm xuống 6,5-7,0%/năm cũng là một nguyên nhân quan trọng. Tăng trưởng - cơ sở để tính toán các chỉ tiêu tài khóa, bội chi, vay nợ -  thì giảm trong khi nhu cầu vay và các chỉ tiêu khác vẫn được giữ nguyên do phải tăng cường nguồn lực để thúc đẩy, duy trì, ổn định phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Hệ quả tất yếu là tỷ lệ nợ công so với GDP tăng lên. 

Trong 5 năm tới, để giảm áp lực và đảm bảo an toàn nợ công, Bộ Tài chính sẽ triển khai những giải pháp gì, thưa ông?

Để giảm áp lực nợ công, đảm bảo an toàn, chúng tôi đã nghiên cứu và đã trình Quốc hội khóa XIII thông qua Kế hoạch vay trả nợ công 2016-2020 tại kỳ họp tháng 3-2016 với nhiều giải pháp cụ thể. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg về tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công.

Nợ công không thể giảm ngay trong “một sớm một chiều” mà cần phải có lộ trình. Lộ trình ấy, theo tôi, xuất phát từ 2 hướng.

Thứ nhất, phải giám sát kiểm soát kỹ các khoản vay mới. Như tôi đã nói ở trên, áp lực vay nợ cho phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn vì vậy để giảm áp lực này trước hết phải xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn trong khả năng cân đối và đảm bảo tính bền vững của chính sách tài khóa; kiểm soát chặt chẽ danh mục đầu tư công và chỉ tập trung đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt cần sự đầu tư của Nhà nước.

Thứ hai, việc thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nợ công phải tuân thủ đúng dự toán được giao; tránh hiện tượng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, đặc biệt là tăng từ nguồn vốn vay do triển khai chậm trễ, không đúng tiến độ dẫn đến khối lượng tăng lên. 

Ngoài ra, một số biện pháp trực tiếp khác như xây dựng lộ trình giảm bội chi một cách đồng bộ, chặt chẽ; giảm dần bảo lãnh Chính phủ,…cũng đang được chúng tôi hoàn thiện để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, áp dụng.

Theo Báo Hải quan