Niềm tin trở lại với chiến lược đầu tư 'chuẩn sách giáo khoa' 60/40

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chiến lược đầu tư 60/40 (phân bổ vốn vào 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu) từng là 'công thức vàng' trong chiến lược đầu tư và tích lũy tài sản. Liệu chiến lược đầu tư này còn phù hợp trong năm 2023?

Khi nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Harry Markowitz thành lập danh mục đầu tư 60/40 trong luận văn của ông về Lý thuyết danh mục đầu tư hiện đại vào năm 1952, nó đã tạo ra tư duy mới trong cách đầu tư.

Theo đó, hiệu suất của một khoản đầu tư đơn lẻ trở nên ít quan trọng hơn trong bối cảnh danh mục đầu tư được đa dạng hóa tốt. Một danh mục đầu tư gồm 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu theo ‘chuẩn’ Markowitz đã được chứng minh là đúng trong nhiều năm ở thị trường Mỹ.

Lãi suất mà danh mục đầu tư 60-40 mang lại theo các năm (Ảnh: Dow Jones Market Data)

Lãi suất mà danh mục đầu tư 60-40 mang lại theo các năm (Ảnh: Dow Jones Market Data)

Trong suốt nhiều thập kỷ, các nhà đầu tư đã dựa vào chiến lược 60/40 để thu khoản lợi nhuận ổn định, khoảng 9,3%/năm, theo dữ liệu của DJMD. Một nhà đầu tư quyết định đầu tư 10.000 USD vào danh mục 60-40 vào năm 1988 về nguyên tắc sẽ có khoản tiền hơn 180.000 USD ở hiện tại.

2022 là một năm đặc biệt. Khi cả cổ phiếu và trái phiếu đều giảm sau khi Fed đẩy mạnh việc tăng lãi suất. Và nhiều nhà đầu tư áp dụng chiến lược 60/40 cũng phải chịu cảnh thua lỗ.

Những nhà đầu tư nhỏ lẻ sắp đến tuổi nghỉ hưu chính là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bởi danh mục đầu tư của họ không có thời gian để phục hồi sau tổn thất, theo Wall Street Journal.

Nhưng năm 2023 có thể sẽ khác.

Một danh mục đầu tư với 60% tiền đầu tư vào cổ phiếu Mỹ và 40% trái phiếu Mỹ đã tăng 5,9% trong năm 2023, tính đến ngày 12/4, theo dữ liệu của Down Jones.

Niềm tin trở lại

Scott Owen, người đàn ông 74 tuổi đã về hưu sinh sống tại Ponte Vedra (Florida), nói với Wall Street Journal rằng năm ngoái ông đã định bán hết cổ phiếu, nhưng cuối cùng lại thôi.

Cựu kỹ sư cơ khí cho hay, trong đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, ông đã phải bán lỗ tất cả cổ phiếu và rồi bỏ lỡ mất đà hồi phục diễn ra sau đó chỉ 2 năm.

Ông không muốn lặp lại sai lầm khi đó. “Hành động khi đó khiến tôi mất rất nhiều tiền. Vào thời điểm đó, tôi bị hoảng và không biết thị trường sẽ đi về đâu”, ông Owen nhớ lại.

Đương nhiên, không có gì chắc chắn rằng chiến lược 60-40 sẽ tiếp tục mang lại hiệu quả, và xu hướng của thị trường hiện nay cũng đặc biệt khó dự đoán. Nền kinh tế đang trong trạng thái khoẻ mạnh, lạm phát vẫn ở mức cao và cuộc khủng hoảng ngân hàng bùng phát trong tháng 3 vừa qua dường như đã được kiểm soát – tất cả những diễn biến này có thể khiến Fed tiếp tục nâng lãi suất.

Các nhà đầu tư muốn tránh tổn thất trong đầu tư chứng khoán khi tình trạng bất ổn xảy ra trên thị trường mới đây.

Goldman Sachs dự báo rằng, các hộ gia đình sẽ bán ra lượng cổ phiếu trị giá 750 tỉ USD trong năm nay, khi các nhà đầu tư chuyển sang các tài sản sinh lãi như các quỹ thị trường tiền tệ và trái phiếu.

Đây là điều trái ngược hoàn toàn so với xu hướng trong giai đoạn từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022, thời điểm mà các nhà đầu tư mua vào lượng cổ phiếu trị giá 1,7 nghìn tỉ USD. Các hộ gia đình chiếm gần 40% tổng thị trường vốn cổ phần ở Mỹ, điều này khiến họ đóng vai trò quan trọng trong các thị trường tài chính.

Tuy nhiên, Todd Schlanger, chiến lược gia đầu tư kỳ cựu tại Vanguard, cho rằng chiến lược 60-40 vẫn sẽ có hiệu quả trong thập kỷ tới, chỉ ra định giá cổ phiếu thấp hơn và lợi suất trái phiếu hấp dẫn hơn. Ông dự đoán rằng chiến lược 60-40 sẽ mang lại lợi nhuận trung bình 5,4% trong giai đoạn 10 năm.

“Chúng tôi tin rằng chiến lược này sẽ còn tồn tại trường kỳ,” ông Schelanger nói.

Leslie Hollon, 68 tuổi đã nghỉ hưu và sinh sống tại San Antonio. Danh mục đầu tư 60-40 của ông đã giảm 15% trong năm ngoái, khiến ông phải rút ít tiền mặt hơn để trang trải cho cuộc sống. Bất chấp điều đó, ông nói ông vẫn tin vào chiến lược này và hy vọng trái phiếu sẽ có sức bật trở lại trong năm nay./.

Nguồn tham khảo: Wall Street Journal