Chiến lược 'đầu tư giá trị' của Warren Buffett có còn hợp thời?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Trong suốt gần 1 thế kỷ, tư tưởng thống trị trong ngành tài chính chính là đầu tư giá trị. Nhưng trong thời đại kỹ thuật số, liệu nó còn hiệu quả?

Ảnh minh họa (Ảnh: The Economist)
Ảnh minh họa (Ảnh: The Economist)

Trong tuần qua đã có lúc các nhà đầu tư có thể phớt lờ những “siêu sao” trên thị trường chứng khoán như Amazon và Alibaba. Giữa lúc rộ tin về chủng vaccine ngừa COVID-19 mới, giá cổ phiếu của các hãng thuộc những ngành công nghiệp vốn bị coi là tẻ nhạt như hàng không, ngân hàng và công ty dầu khí tăng đột biến nhờ vào hy vọng nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Đã rất lâu rồi người ta mới được chứng kiến sức bật trở lại mạnh mẽ như vậy. Cái gọi là "cổ phiếu giá trị" (value stocks) -- cổ phiếu giao dịch ở mức giá thấp hơn so với các yếu tố cơ bản của nó, thường là của các công ty có tài sản lớn trong những ngành công nghiệp buồn tẻ -- đã trải qua một thời kỳ đầy khó khăn, với thị giá giao dịch thấp hơn mức trung bình của thị trường tới 90%.

Điều này dẫn tới một cuộc khủng hoảng niềm tin trong giới quản lý quỹ đầu tư, họ đặt ra câu hỏi: Liệu cái mô hình tính toán, định giá công ty mà họ dùng bấy lâu có còn tác dụng trong thời đại số hay không. Họ hoàn toàn có lý do để lo lắng: mô hình định giá này cần được nâng cấp để phản ánh đúng đắn hơn một nền kinh tế trong đó tài sản vô hình và những yếu tố ngoại sinh ngày càng có vai trò lớn hơn trong khả năng sinh lãi của doanh nghiệp.

Trong suốt gần 1 thế kỷ, tư tưởng hệ thống trị trong ngành tài chính chính là đầu tư vào giá trị [hữu hình, trước mắt]. Tư tưởng kinh doanh này có tiến hóa theo thời gian nhưng cơ bản vẫn giữ cách nhìn bảo thủ về giá trị của công ty – giới đầu tư quá đặt nặng vấn đề tài sản, dòng tiền và kết quả làm ăn hiện đương trong khi ít quan tâm hơn tới các kế hoạch đầu tư trong tương lai và quỹ đạo vận động của công ty

Những tín điều này bắt nguồn từ những năm 1930, 1940 của thế kỷ trước, khi Benjamin Graham đưa ra tranh luận rằng các nhà đầu tư cần phải chuyển dịch khỏi thời kỳ trước năm 1914 – giai đoạn mà thị trường vốn bị thống trị bởi trái phiếu của ngành đường sắt và thỏa thuận nội gián. Thay vào đó, ông đề xuất một hướng tiếp cận khoa học để đánh giá bảng cân đối tài sản của công ty và nhận diện những chứng khoán bị định giá sai.

Một môn đệ của Graham, là Warren Buffett, sau đó đã giúp phổ biến và cập nhật ý tưởng đó trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ chuyển dịch theo hướng các công ty kinh doanh hàng tiêu dùng và tình hình tài chính vào cuối thế kỷ 20. Ngày nay, những cỗ máy tính được giao nhiệm vụ "sục sạo" truy tầm những nhân tố có thể giúp tăng lợi nhuận, từ đó xác định giá trị của công ty. Và có rất nhiều nhà đầu tư ở Thượng Hải đã dễ dãi áp dụng cái học thuyết được sinh ra ở New York thời Đại suy thoái ấy.

Nhưng vấn đề là đầu tư giá trị [hữu hình] lại đang dẫn tới những kết quả đáng thất vọng. Nếu bạn mua 1 'cổ phiếu giá trị' với giá 1 USD cách đây 1 thập kỷ, ở hiện tại bạn có thể thu về 2,5 USD, thấp hơn nếu so với 3,45 USD mức giá bình quân chung của toàn thị trường và với 4,65 USD nếu tính theo mức giá bình quân của thị trường đã ngoại trừ những "cổ phiếu giá trị".

Công ty Berkshire Hathaway của Buffett đã tụt hậu tệ hại. Bất chấp nhiều nỗ lực hiện đại hóa, việc "đầu tư vào giá trị hiện hữu" thường xuyên cho ra những danh mục đầu tư có hướng hoài cổ, kinh nghiệm chủ nghĩa (backward-looking) và phần lớn là bỏ lỡ những cơ hội từ sự trỗi dậy mạnh mẽ của công nghệ. Mô hình vận hành của ngành kinh doanh quản lý tài sản giờ đang chịu áp lực ghê gớm, trong khi một trong số những triết lý lâu đời của họ cũng đang bị vây hãm, tấn công.

Các nhà đầu tư giá trị có thể cho rằng họ là nạn nhân của bong bóng thị trường và rằng đến cuối cùng kết quả sẽ chứng minh họ đúng. Lần gần nhất mà các chiến lược đầu tư giá trị mang lại kết quả tồi tệ như hiện nay là giai đoạn 1998 – 2000, trước khi bong bóng dot-com vỡ. Ngày nay, giá cổ phiếu trông có vẻ đắt đỏ. Nhưng cùng với đó là 2 sự thay đổi sâu sắc hơn đối với nền kinh tế có thể khiến việc đầu tư giá trị khó có thể đạt hiệu quả.

Thứ nhất là sự trỗi dậy của tài sản vô hình, mà giờ chiếm tới hơn 1/3 tổng vốn đầu tư của tất cả doanh nghiệp Mỹ - ví dụ như dữ liệu hay nghiên cứu. Các công ty coi chúng như một dạng chi phí chứ không phải một hạng mục đầu tư tạo nên tài sản. Một số nhà đầu tư định chế cố gắng điều chỉnh để bắt kịp xu thế, nhưng vẫn rất dễ tính toán sai lầm số vốn mà các công ty dùng để tái đầu tư – trong khi khả năng tái đầu tư của công ty mang ý nghĩa quan trọng với hiệu suất của họ trong dài hạn.

Tính theo cách truyền thống, 10 công ty niêm yết lớn nhất của Mỹ đã đầu tư 700 tỉ USD kể từ năm 2010. Còn nếu theo cách tính rộng rãi hơn, con số này lên tới 1,5 nghìn tỉ USD hoặc hơn. Các công ty có tài sản vô hình cũng có thể nhanh chóng mở rộng quy mô và tận dụng hiệu ứng mạng lưới để duy trì mức lợi nhuận cao.

Thay đổi thứ hai chính là ngày càng có nhiều những ảnh hưởng xấu ngoại lai mà những chủ thể gây ra có trách nhiệm phải đền bù những thường né tránh việc chi trả. Ngày nay, cứ theo học thuyết "đầu tư giá trị" thì bạn nên đầu tư vào những công ty chế tạo xe hơi và công ty dầu khí. Thế nhưng từ góc nhìn "ảnh hưởng xấu ngoại lai" thì triển vọng của những công ty này lại phụ thuộc rất nhiều vào chi phí môi trường tiềm ẩn mà nó sẽ phải trả, và chi phí này có thể tăng cao khi các quy định về phát thải được thắt chặt và thuế carbon được áp dụng rộng rãi.

Sự ngờ vực đối với học thuyết "đầu tư giá trị hiện hữu" ngày càng tăng – đặc biệt là trong lúc mà các thị trường bất ổn như hiện nay. Nhiều nhà đầu tư giờ mới bắt đầu chú ý hơn tới cách đánh giá tài sản vô hình và những tác động ngoại lai của công ty. Đó là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng nếu thực hiện được, nó có thể thổi thêm luồng sinh khí mới cho các công ty quản lý tài sản theo phương pháp đầu tư giá trị, nguồn vốn cũng được phân bổ hiệu quả hơn.

Trong những năm 1930, 1940, Graham từng mô tả rằng phương pháp đầu tư lúc bấy giờ đã lỗi thời. Giờ có lẽ là thời điểm để thực hiện thêm một lần cải tổ mới.

Theo The Economist