Nhượng quyền khai thác sân bay: Không có chuyện thu phí cao

Thời gian và mức phí giá khai thác tại các công trình nhượng quyền khai thác đều do Nhà nước quản lý nên việc có thể thu phí giá quá cao, thuê nhân công Việt Nam với mức thấp sẽ không xảy ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định không chuyển nhượng cho nhà đầu tư những hạng mục kết cấu hạ tầng sử dụng kết hợp quân sự - dân sự.
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định không chuyển nhượng cho nhà đầu tư những hạng mục kết cấu hạ tầng sử dụng kết hợp quân sự - dân sự.

Không xảy ra thu phí cao

Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện của bộ về các nội dung đã được các vị đại biểu quan tâm, chất vấn tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, Bộ trưởng Thăng cho biết có vị đại biểu đặt vấn đề nghiên cứu tiến hành việc chuyển giao quyền khai thác một số công trình giao thông quốc gia như đường cao tốc, sân bay Phú Quốc, một số công trình BOT để lấy kinh phí bù đắp xây dựng các công trình khác.

 Nếu đối tác nước ngoài trúng thầu, thời gian khai thác dài, có thể thu phí quá cao, thuê nhân công Việt Nam với mức thấp... có thể ảnh hưởng tới lợi ích của người dân cũng như quốc gia. Cả nước đã và sẽ thực hiện bao nhiêu dự án chuyển giao quyền khai thác, tiêu chí lựa chọn, điều kiện ràng buộc là gì và ưu nhược điểm của hình thức này? đại biểu chất vấn.

Hồi âm đại biểu, Bộ trưởng cho biết trước mắt, Bộ đang báo cáo Thủ tướng chấp thuận chủ trương thí điểm nhượng quyền khai thác Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. Tuy nhiên, do yếu tố đặc thù về an ninh quốc phòng trong lĩnh vực hàng không nên Bộ đã báo cáo Thủ tướng trước mắt chỉ thí điểm nhượng quyền cho nhà đầu tư trong nước, không nhượng quyền cho nhà đầu tư nước ngoài và việc chuyển nhượng phải được chấp thuận. 

Trên cơ sở kết quả thực hiện, Bộ mới triển khai đánh giá, tổng kết trước khi nhân rộng ra các sân bay khác, Bộ trưởng trả lời.

Trước lo ngại của đại biểu và cũng là của nhiều cử tri khác, Bộ trưởng khẳng định thời gian khai thác và mức phí giá khai thác tại các công trình này đều do Nhà nước quản lý nên việc thời gian khai thác dài, có thể thu phí giá quá cao, thuê nhân công Việt Nam với mức thấp sẽ không xảy ra.

Triển khai thận trọng, có lộ trình

Với tiêu chí lựa chọn và điều kiện ràng buộc, Bộ trưởng nêu 6 nguyên tắc trong việc triển khai các dự án nhượng quyền khai thác được Bộ triển khai.

Thứ nhất, đảm bảo đầy đủ vai trò, trách nhiệm quản lý của Nhà nước trong tất cả các hoạt động. Theo hình thức này, Nhà nước nắm giữ tất cả hoạt động liên quan đến đảm bảo an ninh - quốc phòng, quản lý bay (Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, không cổ phần hóa), quản lý vùng trời.
 Nhà nước quản lý giá, phí dịch vụ; chỉ nhượng quyền cung cấp dịch vụ những lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ.

Đồng thời trong trường hợp cần thiết, Nhà nước có quyền trưng mua, trưng dụng tài sản của các doanh nghiệp để phục vụ mục tiêu đảm bảo an ninh - quốc phòng theo quy định tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.  
 
Nguyên tắc thứ hai là nhà nước sở hữu đất, Cảng vụ hàng không nắm giữ quyền sử dụng đất, doanh nghiệp được nhượng quyền chỉ có quyền thuê đất, sử dụng đất đúng mục đích theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, không chuyển nhượng cho nhà đầu tư những hạng mục kết cấu hạ tầng sử dụng kết hợp quân sự - dân sự có vai trò quan trọng về an ninh - quốc phòng hoặc nằm trong thế trận phòng thủ an ninh - quốc phòng.

Thứ tư, nhà đầu tư có trách nhiệm đảm bảo hoạt động vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng, tổ chức kinh doanh, thực hiện kế hoạch đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng đang quản lý phù hợp với quy hoạch, tham gia bảo vệ an ninh - quốc phòng khi có yêu cầu của Nhà nước. Nhà đầu tư phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện và yêu cầu về cơ sở hạ tầng phục vụ cơ quan nhà nước thực thi công vụ (xuất nhập cảnh, an ninh, hải quan, y tế, kiểm dịch...). 

Thứ năm, việc đầu tư hoặc nhượng quyền khai thác được định giá, tính toán phương án tài chính và được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; việc lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, Nhà đầu tư và Người sử dụng (không làm thất thoát tài sản Nhà nước, Nhà đầu tư có lợi nhuận ở mức hợp lý, Người sử dụng được sử dụng dịch vụ tốt hơn với giá cả hợp lý).

Thứ sáu, việc nhượng quyền đảm bảo không dẫn đến độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh. Việc chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư phải được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.

Về ưu điểm, theo Bộ trưởng, với hình thức nhượng quyền khai thác, Nhà nước sẽ thu hồi ngay khoản kinh phí tương ứng với giá trị công trình chuyển nhượng, tạo ra nguồn vốn để đầu tư một số công trình trọng điểm, công trình quan trọng đối với an ninh, quốc phòng.

Việc nhượng quyền khai thác, ngành hàng không trên thế giới đã và đang được thực hiện rộng rãi tại các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, tại Việt Nam mới lần đầu triển khai. Do đó, cần phải được triển khai một cách thận trọng và có lộ trình phù hợp trước khi nhân rộng, Bộ trưởng trả lời đại biểu.

Theo TBKTVN