Những tín hiệu khởi thịnh trở lại của Eximbank

VietTimes -- Thông tin trong Báo cáo tài chính quý II/2017 vừa được Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank; Mã: EIB) công bố cho thấy, kết quả kinh doanh và chất lượng tài sản của ngân hàng này đang được cải thiện rõ nét. Sau giai đoạn khởi suy rồi cực suy suốt từ 2013 - 2016, có vẻ như Eximbank đang dần khởi thịnh…
Những tín hiệu khởi thịnh trở lại của Eximbank. (Ảnh: EIB)
Những tín hiệu khởi thịnh trở lại của Eximbank. (Ảnh: EIB)

Tính đến 30/06/2017, tổng tài sản của Eximbank đạt 135.914 tỷ đồng, tăng 5,5% so với đầu năm. Trong đó, vốn chủ sở hữu là 13.748 tỷ đồng, chiếm 10,1%.

Hoạt động huy động tiền gửi từ khách hàng (thị trường 1) tăng hơn 10,5% với tổng trên 113.173 tỷ đồng. Trong khi, mức huy động từ thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) lại giảm non nửa, về chỉ còn 3.771 tỷ đồng.

Ở hướng ngược lại, hoạt động cho vay lại được kiểm soát chặt hơn, với tốc độ tăng trưởng tín dụng khách hàng là 3,3% so với đầu năm, dư nợ thị trường 1 đạt 89.747 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đã trích lập 1.316 tỷ đồng dự phòng rủi ro cho các khoản cho vay.

Tính riêng trên thị trường 1, hệ số LDR (tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động) của Eximbank đạt con số khá đẹp, là 79,3%. Nên biết rằng, trong quá khứ, có những thời điểm, hệ số LDR của Eximbank đã vượt 100%, khiến ngân hàng phải vay và huy động một lượng tiền lớn từ thị trường liên ngân hàng để bù đắp. Chính tình trạng tăng trưởng quá nóng như vậy đã để lại hậu quả to lớn, khiến EIB liêu xiêu khủng hoảng và rơi vào trạng thái suy thoái sâu trong những năm qua.

Kiểm soát chặt chẽ tín dụng cho vay khách hàng, trong khi huy động vốn tăng trưởng tốt, Eximbank đã dành một khoản đáng kể cho thị trường 2. Cụ thể, ngân hàng đang có khoảng 10.490 tỷ đồng gửi tại các tổ chức tín dụng khác, không kể 95 tỷ đồng dưới dạng cho vay.

Tính đến giữa năm 2017, Eximbank đang có hơn 1.300 tỷ đồng nợ xấu, chiếm tỷ lệ 2,89% trên dư nợ, giảm nhẹ so với tỷ lệ 2,94% cuối năm 2016.

Ngoài số nợ xấu nội bảng nói trên, ngân hàng còn sở hữu hơn 6.788 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Lượng trái phiếu đặc biệt này chiếm một phần đáng kể trong tổng quy mô chứng khoán đầu tư 21.071 tỷ đồng (EIB không đầu tư chứng khoán kinh doanh). Hiện, ngân hàng đã trích lập dự phòng được 1.434 tỷ đồng cho các trái phiếu VAMC.

Một hạng mục hạch toán cũng rất đáng quan tâm khác, vốn cũng được coi như một kênh “trú” nợ xấu, là Tài sản có khác. Tuy nhiên, giá trị này ở Eximbank không quá đáng ngại, với quy mô chỉ 3.614 tỷ đồng. Bao gồm 1.280 tỷ đồng các khoản phải thu; 1.028 tỷ đồng các khoản lãi, phí phải thu (chủ yếu là lãi dự thu); 1.312 tỷ đồng các tài sản có khác.

Đó là chất lượng tài sản. Vậy còn kết quả hoạt động kinh doanh thì sao?

Quý II/2017, Eximbank lãi trước thuế 227 tỷ đồng, tăng mạnh gần 5 lần so với mức 59 tỷ đồng của cùng kỳ 2016. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, EIB báo lãi 397 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần so với mức 79 tỷ đồng của 6 tháng đầu 2016. So với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 600 tỷ đồng đặt ra cho năm 2017, Eximbank đã đi được 2/3 con đường chỉ trong nửa thời gian.

Mức lợi nhuận trên, tuy chưa bù đắp hết được khoản lỗ lũy kế từ các năm trước. Song với mức lỗ lũy kế đã được thu hẹp về chỉ còn 166 tỷ đồng sau nửa năm, sẽ không có gì nghi ngờ nếu cuối năm nay, nó sẽ được đảo trạng thái sang lãi lũy kế.

Lưu ý rằng, kết quả lợi nhuận khởi sắc của Eximbank thực ra không đến từ việc mở rộng quy mô tín dụng. Bởi theo báo cáo tài chính, thu nhập lãi thuần quý 2 đạt 683 tỷ đồng và lũy kế 6 tháng đạt 1.369 tỷ, giảm lần lượt 8% và 17,6% so với cùng kỳ năm trước.

Mà nó đến một phần từ việc tăng trưởng mạnh của các mảng còn lại. Cụ thể, lãi thuần từ dịch vụ đạt 149 tỷ đồng (tăng 14,6%); hoạt động khác được 50 tỷ (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ); hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lãi hơn 22 tỷ (cùng kỳ 2016 lỗ hơn 2 tỷ); hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 146 tỷ (tăng gần 20%).

Quan trọng hơn, 6 tháng đầu năm, Eximbank đã tiết giảm được đáng kể chi phí hoạt động, đồng thời trích lập dự phòng rủi ro cũng giảm mạnh tới 60% so với cùng kỳ năm trước. Đây chính là động lực chính giúp cho ngân hàng có được kết quả lợi nhuận ấn tượng trong nửa đầu năm.

Những tín hiệu khởi thịnh trở lại của Eximbank ảnh 1Diễn biến cổ phiếu EIB trong năm 2017. (Đồ thị: SSI)

Không lạ khi nửa đầu 2017, thị giá cổ phiếu EIB cũng hồi sinh mạnh mẽ trên HoSE. Theo đó, từ mức dưới mệnh giá – chỉ 9.400 đồng/cổ phiếu, EIB đã bật tăng lên vùng giá 12.000 đồng/cổ phiếu như hiện tại. Thậm chí có thời điểm, EIB còn đóng phiên tại 13.400 đồng/cổ phiếu.

Có vẻ như, sau giai đoạn khởi suy rồi cực suy suốt từ 2013 - 2016, Eximbank đã tìm lại hướng đi, để trở về khởi thịnh, với vị thế hàng đầu trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần./.