Đến 9h15, số cổ đông đến tham dự là 430 người (chiếm 611.359.028 cổ phần), đạt tỉ lệ 49,73% nên phiên họp vẫn chưa bắt đầu.
9h30 phút, số cổ đông đến tham dự mới được 461 người, “miễn cưỡng” đạt 50,17% cổ phần và phiên họp vẫn chưa thể bắt đầu.
Một cổ đông đang sở hữu khoảng 10 nghìn cổ phần cho biết, tôi đi họp cho biết tình hình giải quyết kết luận của thanh tra thế nào, phương án thoát khỏi khó khăn trực tiếp từ lãnh đạo Eximbank chứ tôi nghe thông tin cổ phiếu EIB đang bị đưa vào diện cảnh báo. Lo lắm! Còn việc trông chờ cổ tức thì thôi rồi, mấy năm nay làm ăn khó khăn thì có lợi nhuận đâu mà chia cổ tức…
Một cổ đông nữ (áo đen) đứng lên phản ứng và bỏ ra về vì thời gian kéo dài mà chưa diễn ra cuộc họp
Đến 9h45, phía ban tổ chức liên tục thông báo sẽ chuẩn bị bắt đầu khai mạc nhưng tổng số cổ đông đến tham dự cũng chỉ đạt 482 người (chiếm 617.017.235 cổ phần), đạt tỉ lệ 50,19%.
Dự kiến, phiên họp hôm nay sẽ có 2 vấn đề “nóng” được bàn thảo.
Thứ nhất là việc Bầu bổ sung thành viên HĐQT tối đa là 9 người hay 11 người. Bởi, theo dự thảo HĐQT đã thông qua ngày 14.4 có thông báo tờ trình về việc bầu bổ sung thành viên HĐQT, tuy nhiên ngày 26.4, nhóm cổ đông sở hữu tổng cộng 25,95% vốn điều lệ kiến nghị chỉ nên giữ số lượng thành viên HĐQT là 9 thành viên như hiện tại.
Đại diện cổ đông sáng lập phản ứng ban tổ chức
Đồng thời trước đó HĐQT của Eximbank cũng nhận được thư đề nghị ngày 14.3.2016 của bà Nguyễn Thị Xuân Loan, đại diện nhóm cổ đông nắm giữ số cổ phiếu chiếm tỷ lệ 11,82% cổ phần có quyền biểu quyết tại Eximbank và thư đề nghị ngày 28.3.2016 của ông Phạm Hữu Phương đại diện nhóm cổ đông nắm giữ số cổ phiếu chiếm tỷ lệ 10,42% cổ phần có quyền biểu quyết tại Eximbank. Hai nhóm cổ đông cùng yêu cầu đưa vào chương trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 nội dung bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT.
Như vậy, thành viên HĐQT sẽ là 9 hay 11 người còn phải chờ được các cổ đông biểu quyết trong phiên họp.
Vấn đề nóng thứ 2 là HĐQT sẽ xin ý kiến cổ đông về việc tiếp tục triển khai dự án tháp Eximbank tại số 7 Lê Hồng Gấm, Quận 1, TP.HCM với kinh phí dự kiến 3.600 tỷ đồng. Nếu được cổ đông thông qua, Eximbank sẽ chọn đối tác trong và ngoài nước để hợp tác đầu tư dự án này với tiêu chí giảm chi phí của Eximbank ở mức thấp nhất.
Đến 10h, tỉ lệ cổ đông đến tham dự là 487 người, vẫn chỉ chiếm 50,19% cổ phần tham dự và phiên họp không thể diễn ra do chưa đủ tỉ lệ thành viên.
Lúc này một cổ đông đã đứng lên phản ứng mạnh mẽ và bỏ về. Phía ban tổ chức tiếp tục trấn an cổ đông tham dự và cho biết chương trình sẽ diễn ra vào lúc 10h.
Tuy nhiên, 10h10 phút, phía ban tổ chức lên tuyên bố do số cổ đông không đạt được 65% như luật định nên không thể tiến hành và buộc phải dừng lại cuộc họp.
Theo ban tổ chức, trong vòng 30 ngày sẽ tiến hành tổ chức cuộc họp ĐHCĐ lại theo đúng quy định của pháp luật.
Phát biểu tại đại hội, một cổ đông sáng lập Eximbank bức xúc, "tôi đã hơn 70 tuổi mà vẫn còn đến tham dự họp. Tại sao ban tổ chức không thống nhất được thời gian, chương trình để kéo dài. Thời gian bây giờ là vàng bạc mà bắt chúng tôi đợi hơn 2h đồng hồ mới thông báo hoãn họp…".
Lãnh đạo Eximbank: 2 nhóm cổ đông lớn có đến nhưng…
Trao đổi sau buổi họp ĐHCĐ bất thành của Eximbank sáng nay, ông Ngô Thanh Tùng (ảnh), Thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) Eximbank, cho biết, chúng tôi có ghi nhận sự có mặt của đại diện 2 nhóm cổ đông nắm giữ hơn 10% cổ phần tại buổi họp hôm nay nhưng không hiểu vì lý do gì khiến họ không đăng ký tư cách cổ đông.
Ông Ngô Thanh Tùng (ảnh), Thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) Eximbank.
“Đây là một sự đáng tiếc vì tổ chức ĐHCĐ hôm nay bất thành vừa gây tốn chi phí tổ chức vừa tạo ra thông điệp không tốt cho thị trường, trong chừng mực nào đó tạo ra thông điệp không tốt về hình ảnh của EIB trong mắt nhà đầu tư”, ông Tùng nói.
Hai nhóm cổ đông lớn này là những ai, thưa ông?
-Tôi không tiện nhắc đến tên những người trong nhóm này, tuy nhiên tôi nghĩ là họ có lý do nào đó mới không đăng ký tư cách cổ đông. Tôi chỉ mong sao trong đợt triệu tập cổ đông tới (trong vòng 30 ngày theo luật định), họ sẽ tham gia để cùng ban lãnh đạo chúng tôi bàn bạc các giải pháp vực dậy lại Eximbank. Tôi nghĩ đó cũng là mong muốn của nhiều người, nhất là hơn 6.000 công nhân viên của Eximbank đang trông chờ những bước đi chiến lược mà ban lãnh đạo và cả những nhà đầu tư chiến lược của Eximbank đề ra.
Có thông tin cho rằng Eximbank đã gặp khó khăn do đầu tư dàn trải, vậy Eximbank vẫn muốn đầu tư tòa nhà lên tới 3.600 tỷ, đây có phải là chiến lược hay?
-Thực tế, dự án tháp Eximbank tại số 7 Lê Hồng Gấm, Quận 1, TP.HCM với kinh phí dự kiến 3.600 tỷ đồng đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2011 và tạm dừng triển khai vào tháng 2.2015, chờ HĐQT nhiệm kỳ mới xem xét quyết định. Tại đại hội lần này, nếu được cổ đông thông qua, Eximbank sẽ chọn đối tác trong và ngoài nước để hợp tác đầu tư dự án này với tiêu chí giảm chi phí của Eximbank ở mức thấp nhất.
Cụ thể, Eximbank chỉ góp vốn bằng quyền sử dụng đất, phía đối tác đầu tư vốn để xây dựng. Sau khi dự án hoàn thành, Eximbank được quyền sở hữu một phần mặt bằng văn phòng của tòa nhà. Việc xây dựng tòa nhà sẽ tiết kiệm được chi phí, giảm thiểu chi phí hoạt động của Eximbank và giúp cải thiện tình hình tài chính. Đáng tiếc là tại đại hội này đã không làm được.
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đánh giá Eximbank đang bị “khủng hoảng nhân sự”, ông ý kiến gì về đánh giá này?
-Tôi không coi đây là khủng hoảng nhân sự của Eximbank, nó là vấn đề tự nhiên, là sự khác biệt quan điểm giữa các nhóm cổ đông thôi. Chúng tôi đang nỗ lực đi tìm những người có tài, cùng đóng góp cho sự phát triển của ngân hàng, tạo điều kiện để họ đóng góp đúng sở trường, đồng thời tiến hành sàng lọc, chọn lựa…
Xin cảm ơn ông!
Vì sao nhóm cổ đông đến nhưng không đăng ký tham dự? Theo ghi nhận, ngày 14.3 vừa qua, HĐQT Eximbank đã nhận được thư của bà Nguyễn Thị Xuân Loan đại diện nhóm cổ đông nắm giữ số cổ phiếu tỷ lệ 11,82% cổ phần có quyền biểu quyết tại Eximbank và thư đề nghị ngày 28.3.2016 của ông Phạm Hữu Phương, đại diện nhóm cổ đông giữ số cổ phiếu chiếm tỷ lệ 10,42% cổ phần biểu quyết tại Eximbank. Hai nhóm cổ đông có yêu cầu đưa vào chương trình họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 nội dung bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT. Đưa số thành viên lên 11 người. Tuy vậy, trong các phiên họp, HĐQT cân nhắc thống nhất đây chưa phải là thời điểm thích hợp để bầu thành viên mới. Nhưng vì tôn trọng quyền của nhóm cổ đông và nhận thức rằng ĐHĐCĐ là cơ quan quyền lực cao nhất nên HĐQT đưa nội dung thảo luận kiến nghị của 2 nhóm cổ đông nói trên vào dự kiến chương trình và nội dung họp ĐHĐCĐ. Có lẽ cũng bởi nguyên nhân này khiến 2 nhóm cổ đông trên đến nhưng không đăng ký tham dự? |