Siết xe nhập bằng Nghị định 116... nhưng bất thành
Ngày 1/1/2018, theo hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giữa các nước trong khối này chính thức giảm về 0%. Để có thể hưởng mức thuế suất này, điều kiện tiên quyết đối với các loại ô tô nhập khẩu nguyên chiếc là phải đáp ứng được tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 40%.
Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề quá lớn với hai quốc gia vốn có ngành công nghiệp ô tô phát triển như Thái Lan và Indonesia, nên người tiêu dùng Việt có lý do để kỳ vọng vào một cuộc đổ bộ của xe nhập khẩu giá rẻ vào Việt Nam và tạo ra áp lực cho các nhà sản xuất ô tô trong nước giảm giá để cạnh tranh.
Tiếc là mọi thứ đã diễn ra không theo đúng kịch bản như nhiều người đã chờ đợi trong suốt năm 2017 khi chính phủ ban hành Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô; kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2018.
Nghị định 116 được hiểu là một chính sách bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, nhưng bản chất là một biện pháp siết chặt ô tô nhập khẩu bằng những quy định nghiêm ngặt và giảm bớt áp lực mà các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước phải đối mặt.
Thực tế cho thấy Nghị định 116 đã tạo ra rào cản và đẩy các doanh nghiệp kinh doanh ô tô nhập khẩu vào thế khó khăn trong việc đáp ứng các loại giấy tờ liên quan đến chất lượng kiểu loại, khí thải và an toàn kỹ thuật, đặc biệt là những dòng xe có xuất xứ từ Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.
Nhưng hàng rào quy định đó đã không trụ được lâu khi chỉ sau gần nửa năm các doanh nghiệp kinh doanh ô tô nhập khẩu đã hoàn tất được các thủ tục, quý III/2018 hoạt động nhập khẩu khai thông trở lại và cuối năm thì lượng ô tô nhập khẩu đã liên tục tăng cao, nhất là các dòng xe đến từ khu vực ASEAN.
Thuế về 0% mà xe vẫn đắt
Có thể nói Nghị định 116 dù không thể cản bước xe nhập khẩu nhưng ít nhiều đã gây ra sự xáo trộn nhất định trên thị trường xe Việt. Ước mơ của người dân về xe nhập khẩu miễn thuế với mức giá bán hợp lý hơn đã tạm thời bị dập tắt khi nguồn cung xe nhập bị ắc tắc đường về, nhu cầu của thị trường xe thì vẫn luôn cao trong khi khả năng đáp ứng của xe trong nước ở một số phân khúc thì không thể đáp ứng được.
Kết quả, giá xe không những giảm mà còn tăng thêm, còn thị trường xe xảy ra tình trạng "cầu lớn hơn cung" thì hiện tượng đội giá dưới nhiều hình thức kiểu "bia kèm lạc" hay "tiền tươi" tiếp tục trở thành một điệp khúc quen thuộc mà người cuối cùng được hưởng điệp khúc ấy không ai khác chính là khách hàng.
Đơn cử, kết thúc năm 2018, Honda Việt Nam đã có 3 lần tăng giá bán với mẫu CR-V, thêm 25 triệu đồng, giá mới từ 983 triệu đồng cho đến 1,093 tỷ đồng. Đây cũng chưa phải giá bán cuối cùng mà người dùng nhận được khi họ còn phải chịu thêm khoảng chênh lệch từ 50-70 triệu đồng dưới dạng bán kèm phụ kiện.
Toyota Fortuner và Ford Explorer cũng có mức giá niêm yết tăng so với năm ngoái, do cả hai đều là mẫu xe "hot" trên thị trường nên một số đại lý còn hét giá bán tăng thêm so với giá niêm yết từ 80-200 triệu đồng.
Các cơ quan quản lý và các hãng xe thì luôn có những lý do rất chính đáng để giải thích cho điều này, còn người tiêu dùng thì bất bình và thất vọng nhưng vẫn phải chấp nhận mua xe vì cũng không còn sự lựa chọn nên tạm thời lúc này mơ ước sở hữu xe giá rẻ của người dân vẫn chỉ dừng lại ở một giấc mơ và lại tiếp tục hi vọng vào những phép màu trong năm 2019.
Nhiều xe mới xuất hiện
Năm 2018 đem đến nhiều kỳ vọng về sự sôi động của thị trường ô tô Việt Nam nên các hãng đã tích cực trình làng nhiều mẫu xe mới ra thị trường để người tiêu dùng lựa chọn. Mở màn là Ford EcoSport 2018, tiếp đó là Mercedes-Benz S-Class mới, rồi tới Toyota Vios, Hyundai Kona và cuối cùng là Kia Cerato hoàn toàn mới, đó mới chỉ là những mẫu xe lắp ráp trong nước.
Còn ở mảng xe nhập khẩu, việc thuế nhập khẩu về 0% từ khối ASEAN, từ nửa cuối năm 2018, thị trường ô tô cũng được chứng kiến màn ra mắt của nhiều mẫu xe mới như Toyota Yaris, Mazda 2, Chevrolet Trailblazer, chưa kể còn cả những cái tên lần đầu xuất hiện như bộ 3 Toyota Wigo, Avanza và Rush; Mitsubishi Xpander; Honda HR-V; Suzuki Swift hay Nissan Terra.
Triệu hồi kỷ lục
Năm 2018 là năm chứng kiến số lần triệu hồi xe tại Việt Nam lên tới con số 43 so với con số 28 lần của năm 2017. Lỗi khiến các hãng phải đưa ra lệnh triệu hồi nhất vẫn là liên quan đến túi khí và cụm bơm túi khí, trong đó Toyota chiếm nhiều nhất lên tới 28.000 xe, Mercedes-Benz hơn 6.000, Honda và Nissan hơn 3.000 xe...
Tiếp theo là Ford với hơn 17.000 xe Ranger và Fiesta do lỗi khóa cửa. Ngoài ra còn một số triệu hồi liên quan đến cầu chì, dây đai an toàn trên các dòng xe Mercedes-Benz. Hyudai Grand i10 có tới hơn 11.500 xe bị triệu hồi do lỗi trục khuỷu.
Ngoài ra, một số hiện tượng được người dùng coi là lỗi cũng gây ra sự ồn ào và bức xúc không thể không nhắc tới chính là việc nước lọt vào cầu sau của mẫu xe Crossover hạng sang Mercedes-Benz GLC và hiện tượng gỉ sét trên một số bộ phận của gầm xe Honda CR-V.
Hãng xe sang của Đức thì cho rằng đây là lỗi của người dùng còn hãng xe Nhật Bản giải thích không ảnh hưởng đến độ an toàn của xe. Những lời giải thích và khuyến cáo cũng đã được các hãng đưa ra nhưng chưa thực sự thuyết phục được những người dùng.
Tái hợp hai triển lãm ô tô lớn của Việt Nam
Năm 2018 đã chứng kiến một sự kiện ô tô có thể nói là lớn nhất Việt Nam - triển lãm ô tô Việt Nam 2018 nhưng khác với các năm trước đó, sự kiện lần này là sự quy tụ hai hai triển lãm của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng Việt Nam (VIVA) sau 3 năm tổ chức riêng biệt.
Điều này đã tạo nên một triển lãm VMS 2018 có quy mô lớn có sự góp mặt 15 thương hiệu với gần 120 mẫu xe trải đều các phân khúc từ xe phổ thông tới xe hạng sang, xe thể thao. Theo con số mà ban tổ chức ghi nhận, đã có hơn 185.000 lượt khách tham quan và thưởng lãm đến từ khu vực Tp HCM và các tỉnh lân cận.
Đồng thời sự thành công của Vietnam Motor Show 2018 sẽ là tiền đề để chúng ta mong chờ vào một kỳ triển lãm đa dạng hơn, hoành tráng hơn và chuyên nghiệp hơn tại sự kiện VMS 2019 vào năm sau.
VinFast chính thức gia nhập cuộc chơi
Sẽ thật thiếu sót nếu không nói tới cái tên "VinFast". Đây chính là cái tên không chỉ đình đám tại Việt Nam mà còn gây được sự chú ý trên trường quốc tế khi tham gia một trong những triển lãm có quy mô và uy tín bậc nhất thế giới - triển lãm Paris Motor Show 2018 bằng bộ đôi sản phẩm SUV và Sedan.
VinFast tự hào là thương hiệu ô tô Việt đầu tiên vươn ra biển lớn sau khi chiêu mô nhân tài từ các hãng xe tên tuổi cũng như bắt tay hợp tác và mua lại bản quyền sáng tạo từ những ông lớn của ngành công nghiệp ô tô thế giới như BMW, Bosch, Pininfarina, Magna Steyr ...
Chưa hết, chỉ sau hơn 1 tháng có mặt tại Paris, VinFast tiếp tục đưa 2 mẫu xe này về Việt Nam, thậm chí họ còn công bố thêm một mẫu ô tô cỡ nhỏ đô thị mới Fadil và xe máy điện Klara đến với người tiêu dùng Việt Nam.
Việt Nam đăng cai giải đua F1
Đầu tháng 11/2018, Việt Nam đã chính thức ghi tên mình vào bản đồ đua xe F1 sau khi UBND Thành phố Hà Nội đặt bút kí biên bản ghi nhớ việc tổ chức một chẳng của giải đua F1 trong 10 năm bắt đầu từ năm 2020. Chặng đua đầu tiên được ấn định từ tháng 4/2020.
Tập đoàn VinGroup sẽ đứng ra tổ chức đồng thời sẽ chi trả toàn bộ chi phí cho ban tổ chức F1. Nguồn thu dự kiến của giải đua này sẽ bao gồm doanh thu từ việc bán vé, dịch vụ cung cấp cho các đội đua F1, doanh thu từ quảng cáo và từ các nhà tài trợ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đường đua tại Hà Nội dài 5.565 m, do công ty Tilke (Đức) thiết kế, sẽ là sự kết hợp giữa đường giao thông hiện có và một phần nằm trên khu vực đã được quy hoạch của khu tổ hợp thể thao Mỹ Đình. Ban tổ chức F1 cho biết, đây là đường đua duy nhất trên thế giới có sự kết hợp này.
Sự kiện tổ chức một chặng của giải đua F1 được kỳ vọng sẽ góp phần quảng bá con người và văn hóa Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung ra thế giới.