Những lãnh đạo doanh nghiệp trong Ban chấp hành Trung ương khóa mới

Một số gương mặt đáng chú ý trong danh sách Ban chấp hành Trung ương khóa XII đang hoạt động trong lĩnh vực kinh tế.
Ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airline.
Ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airline.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong số 200 Ủy viên Trung ương khóa XII vừa được công bố, có khá nhiều gương mặt đại diện cho khối kinh tế, doanh nghiệp.

Đáng chú ý trong danh sách này là đại diện các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, khóa này cũng có sự có mặt của một số gương mặt đáng chú ý như ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines.

Ông Phạm Viết Thanh sinh năm 1962, là Tiến sỹ quản trị kinh doanh; giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines từ tháng 6/2011. Trước đó, ông Thanh được bổ nhiệm giữ chức Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines từ tháng 8/2003.

Một ủy viên khác là ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng TMCP VietinBank. Ông Nguyễn Văn Thắng sinh năm 1973, là Tiến sỹ Kinh tế. Ông bắt đầu công tác tại Vietinbank từ năm 1996 đến nay và kênh qua nhiều vị trí khác nhau, trong đó có chức vụ Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc ngân hàng.

Một số Ủy viên hiện đã đảm nhận chức vụ trong chính quyền, tuy nhiên trước đây đã từng hoạt động trong lĩnh vực kinh tế như trường hợp ông Lê Văn Thành, Bí thư Hải Phòng, từng là Tổng giám đốc Công ty xi măng Hải Phòng.

Văn kiện Đại hội Đảng kỳ này xác định việc Đảng sẽ "thống nhất nhận thức nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường".

Báo cáo do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày tại phiên khai mạc Đại hội XII của Đảng có tiêu đề: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Theo Tổng Bí thư, mục tiêu đến năm 2020 “đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đã được xác định từ Đại hội VIII của Đảng và trên thực tế, 20 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu này”.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan nên nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu trên không đạt được, do đó trong 5 năm tới, phải “phấn đấu quyết liệt hơn, phát triển kinh tế nhanh, bền vững để sớm đạt được mục tiêu này”.

Riêng về lĩnh vực kinh tế, Tổng Bí thư cho biết sẽ “Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức; hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Tại Hội nghị Trung ương 14 diễn ra cách đây hai tuần, Ban chấp hành Trung ương Đảng cũng đã phê chuẩn việc Việt Nam gia nhập TPP, thủ tục quan trọng về phía Việt Nam trước khi Hiệp định này chính thức được ký kết.

Theo BizLIVE