Kể từ khi vụ việc xây dựng sai phép nhà 8B Lê Trực bị phát hiện, dư luận luôn đặt ra câu hỏi: Sai phạm lớn và nghiêm trọng, “sờ sờ” ra như vậy, tại sao lại có thể tồn tại đến giờ này? Ai là người chịu trách nhiệm về việc để xảy ra những vi phạm đó?
Cụ thể hơn, có người còn đặt vấn đề: Lực lượng thanh tra xây dựng ở đâu, khi mà với những công trình nhà dân thì dù chỉ vừa “động thổ” đã có người đến “hỏi thăm”, còn tòa nhà này thì cao lừng lững như vậy, ở ngay vị trí "nhạy cảm" như vậy mà lại không phát hiện được?
Những câu hỏi này có thể sẽ được làm sáng tỏ khi Thanh tra Thành phố Hà Nội vừa công bố Quyết định thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng dự án nhà 8B Lê Trực.
Việc thanh tra được thực hiện theo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.
Đoàn thanh tra gồm 6 người do ông Nguyễn Hữu Lộc, Thanh tra viên cao cấp, Trưởng phòng Thanh tra 6 làm Trưởng đoàn.
Đoàn thanh tra có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, đề cương thanh tra, thực hiện đúng nội dung trong Quyết định thanh tra, thực hiện nghiêm quy chế hoạt động của Đoàn Thanh tra theo quy định tại Thông tư 05/2014/TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ, thực hiện các quyền hạn theo Luật Thanh tra 2010.
Thanh tra Thành phố phải hoàn thành công tác thanh tra, kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm kéo dài và nghiêm trọng trật tự xây dựng đô thị tại Dự án 8B Lê Trực theo đúng các quy định của pháp luật, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố trước ngày 25/11 tới.
Thời hạn thanh tra là 45 ngày, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra (10/11), tức là tính từ thời điểm hiện tại thì còn đúng 41 ngày nữa.
Trước đó, như VnMedia đã đưa tin, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản đôn đốc thực hiện tiến độ, yêu cầu chủ đầu tư dự án này phải nộp phương án tháo dỡ phần xây sai phép cho cơ quan có thẩm quyền trước ngày 15/11, theo tinh thần chỉ đạo trước đó của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Trường hợp sau 17 giờ ngày 15/11, chủ đầu tư không nộp phương án phá dỡ hoặc có nộp phương án phá dỡ nhưng không đảm bảo theo đúng các yêu cầu nêu trên và các quy định của pháp luật, thì các cơ quan liên quan như Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình... sẽ đứng ra lên phương án thực hiện việc tháo dỡ những phần vi phạm của tòa nhà.
Trường hợp chủ đầu tư không trình phương án phá dỡ và thực hiện phá dỡ theo đúng quy định, Sở Xây dựng đề nghị Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình căn cứ Điều 24 Nghị định 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ, chỉ định tổ chức tư vấn lập phương án phá dỡ, chủ đầu tư phải chịu mọi chi phí lập phương án phá dỡ.
Theo VNMedia