Những chính sách nào có hiệu lực từ tháng 7/2017?

VietTimes -- Tăng lương đối với một số nhóm công chức, viên chức, quy định thời gian làm việc của giáo viên dạy nghề, một số quy định về khám chữa bệnh… là những chính sách sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2017.
Tăng mức phí tham gia Bảo hiểm y tế hộ gia đình từ 1/7/2017 - Ảnh nguồn Internet
Tăng mức phí tham gia Bảo hiểm y tế hộ gia đình từ 1/7/2017 - Ảnh nguồn Internet

Tăng lương đối với công chức, viên chức

Từ 1.7.2017 Nghị định 47 của Chính phủ có hiệu lực. Nghị định quy định mức lương cơ sở năm 2017, áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang… Cụ thể, mức lương cơ sở sẽ tăng từ mức 1.210.000 đồng/tháng lên 1.300.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương cơ sở sẽ tăng 90.000 đồng/tháng so với hiện nay.

9 nhóm đối tượng được xếp hưởng mức lương, phụ cấp theo Nghị định này bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động.

Tăng lương cơ sở cũng kéo theo nhiều chính sách khác phải tăng theo do quy định cách tính dựa trên tiền lương cơ sở hàng tháng.

Tăng mức phí tham gia Bảo hiểm y tế hộ gia đình

Quy định của Luật BHYT, mức tham gia BHYT hộ gia đình được xây dựng trên “nền” lương cơ sở. Mức đóng phí BHYT bằng 4,5% theo lương cơ sở. 

Do đó, lương cơ sở tăng thì từ 1.7.2017, mức phí tham gia BHYT cũng tăng từ 653.000 đồng/người/năm lên 702.000 đồng/người/năm.

Theo quy định, người tham gia BHYT tự nguyện sẽ tham gia theo hộ gia đình và được miễn giảm từ người thứ hai theo mức 70%; 60%, 50%, 40%...

Tức là người thứ nhất mua thẻ BHYT phải trả 702.000 đồng, người thứ hai trong gia đình mua trả 492.000 đồng, người thứ 3 giảm còn 422.000 đồng, đến người thứ 4, thứ 5 còn 281.000 đồng/thẻ

Nguyên tắc đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam

Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 có hiệu lực từ 1/7 dành riêng Điều 95 quy định các nguyên tắc đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam. Có 5 nguyên tắc, trong đó phải được sự cho phép của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Phải tôn trọng, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa quốc gia tàu mang cờ và các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam qua đường ngoại giao trước khi tàu đến Việt Nam; Chương trình hoạt động của tàu và các thành viên trên tàu phải thực hiện theo kế hoạch đã thỏa thuận, trường hợp có sự thay đổi, phát sinh phải được phép của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Khi tàu quân sự nước ngoài đến lãnh hải Việt Nam để đến cảng biển phải thực hiện các quy định sau: Tàu ngầm và phương tiện đi ngầm khác phải hoạt động ở trạng thái nổi trên mặt nước và phải treo Quốc kỳ Việt Nam ở vị trí ngang bằng với quốc kỳ của quốc gia tàu mang cờ; Bên ngoài thân tàu phải ghi rõ số hiệu, tên tàu; Đưa toàn bộ vũ khí về tư thế quy không hoặc ở trạng thái bảo quản; Dừng lại ở vùng đón trả hoa tiêu để làm thủ tục nhập cảnh và theo hướng dẫn của cảng vụ, hoa tiêu Việt Nam; Chỉ được sử dụng các thiết bị cần thiết bảo đảm an toàn hàng hải và tần số liên lạc đã đăng ký; Đến đúng cảng biển theo tuyến đường và hành lang quy định.

Nếu tàu muốn di chuyển từ cảng biển này sang cảng biển khác của Việt Nam phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Quy định thời gian làm việc của giáo viên dạy nghề

Thông tư 07/2017 của Bộ Lao động Thương binh Xã hội có hiệu lực từ 20/7 về chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp quy định thời gian làm việc của nhà giáo dạy cao đẳng/trung cấp nghề giữ nguyên là 44 tuần/năm theo chế độ tuần làm việc 40 giờ, tuy nhiên phân bổ lại thời gian làm việc cụ thể như sau:

Thời gian thực hiện công tác giảng dạy, giáo dục học viên/học sinh/sinh viên 32 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng; 36 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp.

Thời gian học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, nâng cao, nghiên cứu khoa học 8 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng thay vì 12 tuần như trước đây; 4 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp thay vì 8 tuần như trước.

Thời gian thực tập tại doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn 4 tuần. Trường hợp không sử dụng hết thời gian học tập, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học thì được quy đổi thời gian còn lại chuyển sang công tác giảng dạy hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng, giám đốc giao.

Bảng lương, phụ cấp mới trong lực lượng quân đội

Bộ Quốc phòng vừa ban hành Thông tư 145/2017/TT-BQP hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng đang hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách nhà nước trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

Theo đó, ban hành kèm theo là Danh mục bảng lương, nâng lương và phụ cấp áp dụng từ ngày 1.7.2017.

Đơn cử, cấp bậc quân hàm sĩ quan Đại tướng sẽ có hệ số 10,40 với mức lương thực hiện từ 1.7.2017 là 13.520.000 đồng.  Cấp bậc quân hàm sĩ quan cấp Đại tá, cấp hàm bậc 8, hệ số 8,00 sẽ có mức lương thực hiện từ 1.7.2017 là 10.400.000 đồng.

Đồng thời, hướng dẫn thực hiện cách tính lương, phụ cấp, trợ cấp theo mức lương cơ sở 1.300.000 đồng.

Thông tư 145/2017/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 31.7.2017.

Khám bệnh dưới 195.000 đồng không phải cùng chi trả

Công văn 2039 ngày 29/5/2017 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nêu rõ: Từ ngày 1/7/2017 sẽ áp dụng mức lương cơ sở mới (1.300.000 đồng/tháng) để thanh toán chế độ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh đúng quy định, có tổng chi phí một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 195.000 đồng không phải thực hiện cùng chi trả (Quy định hiện hành là 181.500 đồng).

Công văn cũng nêu rõ thanh toán trực tiếp chi phí cùng chi trả vượt quá 7.800.000 đồng (hiện tại là 7.260.000 đồng) đối với người tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên.

Việc thanh toán chế độ bảo hiểm y tế này áp dụng đối với người tham gia bảo hiểm y tế vào viện trước ngày 1/7/2017, nhưng xuất viện từ ngày 1/7/2017.