Ngay từ năm 2012, cơ quan chức năng đã phát hiện giai đoạn năm 2010-213, Công ty cổ phần Thi công cơ giới và Lắp máy dầu khí (PVC-ME) do Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) là cổ đông sáng lập với vốn góp 40% đã bổ nhiệm 84 lượt cán bộ. Hầu hết trong số này đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm nhưng có một số trường hợp chưa đáp ứng được điều kiện chức danh bổ nhiệm, thậm chí làm trái chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Đáng chú ý nhất là trường hợp bố trí ông Vũ Duy Thành - Chủ tịch HĐQT PVC-ME làm Chủ tịch Công đoàn PVC khi trách nhiệm cá nhân trong việc điều hành, quản lý dẫn tới việc kinh doanh thua lỗ lớn chưa được làm rõ.
Cụ thể, ngày 21/3/2012, người đại diện của PVN tại PVC có tờ trình gửi PVN về việc chấp thuận công tác tổ chức cán bộ, trong đó có nội dung đề nghị tập đoàn chấp thuận cho ông Vũ Duy Thành thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT PVC-ME để giới thiệu bầu giữ chức Chủ tịch Công đoàn PVC.
3 ngày sau (24/3/2012) Công đoàn PVC có tờ trình đề nghị Công đoàn Dầu khí Việt Nam chấp thuận bầu ông Thành làm Chủ tịch Công đoàn PVC. Trong cùng ngày, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã đồng ý để Công đoàn PVC bầu bổ sung chức danh Chủ tịch Công đoàn PVC. Đến ngày 14/5/2012 Ban thường vụ Công đoàn Dầu khí Việt Nam có quyết định công nhận ông Vũ Duy Thành là Chủ tịch Công đoàn chuyên trách của Công đoàn PVC.
Đến đầu tháng 4/2012, Tổng giám đốc PVN có văn bản gửi người đại diện của PVN tại PVC chấp thuận để ông Vũ Duy Thành thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT PVC-ME nhưng yêu cầu trước khi quyết định bố trí công tác khác đối với ông Thành thì PVC phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, trong đó có ông Thành trong việc để PVC-ME thua lỗ. Nếu trách nhiệm chính thuộc về cán bộ này thì PVC phải có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp chưa đến mức xử lý theo pháp luật thì bố trí công tác theo tinh thần Nghị quyết của Tập đoàn PVN: Không điều động, luân chuyển về tập đoàn, về đơn vị thành viên hoặc sang đơn vị khác những cán bộ năng lực yếu, không có triển vọng phát triển, bị kỷ luật, uy tín giảm sút, gây mất đoàn kết nội bộ. Tùy từng trường hợp cụ thể mà số cán bộ này sẽ được xem xét để bố trí chuyển sang làm công tác chuyên môn hay công tác phù hợp khác.
Bỏ qua tất cả những yêu cầu đó, ngày 9/4/2012, HĐQT PVC đã có nghị quyết về việc chấp thuận cho ông Vũ Duy Thành thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT PVC-ME. Đến ngày 10/4/2012, HĐQT PVC quyết định ông Vũ Duy Thành thôi làm người đại diện quản lý phần vốn của PVC-ME.
Đoàn thanh tra của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi đó đã khẳng định việc để ông Vũ Duy Thành làm Chủ tịch PVC là chưa đảm bảo nguyên tắc, tiêu chuẩn, năng lực cán bộ quy định Quy chế quản lý cán bộ của PVC. Mặt khác, ông Thành lên PVC nhận chức Chủ tịch Công đoàn khi chưa tiến hành kiểm điểm rõ trách nhiệm cá nhân của ông trong việc để PVC-ME làm ăn thua lỗ. Tổng số lỗ tại PVC-ME theo báo cáo tài chính đến tháng 6/2012 là trên 438 tỷ đồng. Ngoài ra một số khoản lỗ còn tiềm ẩn chưa xác định vào báo cáo tài chính gần 138 tỷ đồng. Chính vì thế, nếu tính cả các khoản lỗ tiềm ẩn thì tổng số lỗ của PVC-ME trên 576 tỷ đồng.
Sau khi lãnh đạo PVC gây thua lỗ lớn, ông Trịnh Xuân Thanh - Chủ tịch PVC đã được luân chuyển về Bộ Công Thương. Trong ảnh, ông Thanh nhận bó hoa chúc mừng của ông Vũ Huy Hoàng khi đó là Bộ trưởng.
Chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của PVN
Bên cạnh đó, trường hợp của ông Lê Minh Nhật - Phó Giám đốc phụ trách PVC-ME cũng gây ra nhiều lùm xùm. Hồ sơ của chúng tôi cho thấy, tháng 3/2012 người đại diện của PVN có tờ trình đề nghị chấp thuận bổ nhiệm ông Nhật giữ chức Giám đốc PVC-ME thay ông Trịnh Văn Thảo (người đã bỏ trốn ra nước ngoài và đến nay vẫn “bặt vô âm tín”).
Ngày 4/4/2012 Tổng giám đốc PVN có công văn không chấp nhận giới thiệu bổ nhiệm ông Lê Minh Nhật và đề nghị PVC có phương án nhân sự khác thay thế ông Trịnh Văn Thảo.
Sau đó, Tổng Giám đốc PVC có tờ trình gửi Ban Thường vụ và HĐQT Tổng công ty PVC đề nghị chấp thuận để ông Trịnh Văn Thảo thôi giữ chức Giám đốc PVC-ME và bổ nhiệm ông Lê Minh Nhật giữ chức Phó giám đốc phụ trách PVC-ME. Đến ngày 11/4/2012, HĐQT PVC-ME do ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT đã quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm ông Nhật giữ chức vụ Phó giám đốc phụ trách PVC-ME.
Đến ngày 4/5/2012, ông Nguyễn Huy Hòa người đại diện vốn của PVC kiêm Chủ tịch HĐQT PVC-ME đã có giấy ủy quyền cho ông Lê Minh Nhật được toàn quyền thực hiện đầy đủ quyền của Giám đốc PVC-ME....
Đoàn thanh tra của PVN khẳng định việc bổ nhiệm ông Lê Minh Nhật giữ chức Phó giám đốc phụ trách PVC-ME là chưa thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của PVN.
Cơ quan chức năng cũng phát hiện trường hợp ông Nguyễn Anh Quân được bổ nhiệm giữ chức Trưởng phòng Đầu tư Thương mại PVC-ME là “có vấn đề”.
Theo bản khai quá trình công tác, kinh nghiệm năng lực chuyên môn của ông Quân khi xin vào làm việc tại PVC-ME thì công việc chủ yếu là làm công tác quản lý chất lượng, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và tham gia quản lý dự án Bảo tàng Dân tộc học. Thời điểm bổ nhiệm giữ chức Trưởng phòng Đầu tư thương mại PVC-ME, ông Quân chưa qua kinh nghiệm quản lý điều hành lĩnh vực đầu tư thương mại.
Theo tiêu chuẩn đối với chức danh trưởng phòng thời điểm đó của PVC-ME, ông Quân chưa đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh Trưởng phòng Đầu tư Thương mại.
Tiếp đến là trường hợp bổ nhiệm ông Nguyễn Tiến Khang giữ chức Phó Chánh văn phòng PVC-ME. Theo tiêu chuẩn, chức danh này phải tốt nghiệp đại học trở lên theo đúng chuyên ngành, phù hợp với nhiệm vụ được giao quy định tại Quy chế phân cấp quản lý tổ chức, cán bộ nhân viên Công ty PVC-ME nhưng ông Khang mới tốt nghiệp cử nhân cao đẳng cơ khí nên chưa đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm chức Phó chánh văn phòng.
Đoàn thanh tra của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đề nghị người đại diện của PVN tại PVC chỉ đạo PVC-ME rà soát, đánh giá phân loại đội ngũ cán bộ công nhân viên. Đối với số cán bộ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao cần đảm bảo chế độ lương phù hợp để họ yên tâm làm việc lâu dài. Đồng thời có hướng sắp xếp đối với số có trình độ thấp, tinh thần trách nhiệm không cao để đảm bảo đội ngũ lao động gián tiếp trên bộ máy công ty tinh gọn, hiệu quả.
Đối với những cá nhân có liên quan ở PVC-ME không được điều động về Tổng công ty hay đến đơn vị khác mà tùy theo mức độ vi phạm kỷ luật để cách chức hoặc sa thải. Những trường hợp cần phải ở lại công ty để khắc phục hậu quả thì thành lập tổ công tác đặc biệt để thực hiện việc khắc phục hậu quả.
Việc làm ăn thua lỗ ở PVC-ME đã “góp phần” không nhỏ vào việc làm ăn thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại PVC.
Theo Dân trí