Nhóm tội phạm "cướp" 80 triệu USD của NHTW Bangladesh đã tấn công một ngân hàng Việt Nam

BAE không nêu tên ngân hàng Việt Nam bị tấn công, nhưng SWIFT hôm qua tiết lộ phần mềm độc hại bị phát hiện đang nhắm đến một ngân hàng thương mại.
Nhóm tội phạm "cướp" 80 triệu USD của NHTW Bangladesh đã tấn công một ngân hàng Việt Nam

Theo báo cáo mới được công ty an ninh mạng BAE Systems công bố, phần mềm độc hại được sử dụng trong vụ 81 triệu USD bị đánh cắp từ NHTW Bangladesh hồi tháng 2 vừa qua có liên quan đến nhiều vụ tấn công mạng khác, trong đó có vụ hãng phim Sony bị tấn công năm 2014.

“Vụ việc tưởng chừng riêng rẽ tại một ngân hàng châu Á hóa ra lại là một phần của chiến dịch lớn hơn nhiều lần”, báo cáo có đoạn.

Đặc biệt, BAE cho biết mới đây một malware (phần mềm độc hại) tương tự đã được sử dụng để tấn công vào một ngân hàng thương mại của Việt Nam. Những tin nhắn có chứa mã độc đã được gửi đến ngân hàng này thông qua hệ thống chuyển tiền quốc tế SWIFT và đây cũng chính là những tin nhắn được sử dụng trong vụ tấn công ở Bangladesh. Đồng thời đoạn mã đặc biệt được sử dụng để xóa dấu vết của hacker cũng tương tự với đoạn mã trong vụ tấn công Sony.

BAE không nêu tên ngân hàng Việt Nam bị tấn công, nhưng SWIFT (Hội Viễn Thông Tài Chính Liên Ngân Hàng Thế Giới - Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication) hôm qua tiết lộ phần mềm độc hại bị phát hiện đang nhắm đến một ngân hàng thương mại. Cả BAE và SWIFT đều không nói rõ tiền đã bị đánh cắp hay chưa.

Cuối năm 2014, hệ thống máy chủ của Sony Pictures Entertainment bị tấn công. Hàng loạt bộ phim chưa được công chiếu bị tung lên mạng, cùng với đó là rất nhiều email với những thông tin đáng xấu hổ về những ngôi sao Hollywood. Sự kiện khiến Sony thiệt hại nặng nề.

Báo cáo của BAE sẽ được "cày xới" vì trước đó Nhà Trắng đã đổ tội cho các hacker của Triều Tiên là thủ phạm của vụ tấn công vào Sony. Bình Nhưỡng phủ nhận lời buộc tội này. Trong khi đó BAE cho biết họ vẫn chưa xác định được ai là thủ phạm.

Theo Reuters, Trí thức trẻ