Điều này không chỉ trái pháp luật, mà còn tước đi quyền lựa chọn tối thiểu của người dân - được đi trên con đường của quốc gia.
Thu từ dân để… bù khó khăn cho nhà đầu tư
Sau khi Báo Lao Động có loạt bài điều tra về vấn nạn “chặt khúc” quốc lộ (QL) để bán vé, dân oằn lưng vì phí, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 21.5, Bộ Tài chính vừa có công văn báo cáo một số vấn đề về thu phí đường bộ. Báo cáo cho biết, hiện còn nhiều trạm thu phí thuộc dự án BOT đặt sai vị trí (làm một đường, thu một đường khác; vi phạm về khoảng cách giữa các trạm trên cùng 1 tuyến QL…), thu sai thời điểm.
Trong đó, trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài lại được sử dụng thu phí để… làm đường tránh TP.Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc); Trạm thu phí Tào Xuyên (QL1) lại thu phí hoàn vốn cho dự án đường tránh Thanh Hoá; Trạm nam Hải Vân, Bộ GTVT đồng ý cho nhà đầu tư thu phí “oan” của dân, DN vận tải để… hỗ trợ cho dự án mở rộng QL1 - đoạn Hoà Phước - Hoà Cầm (cách đó 25km); Trạm Bàn Thạch ở Phú Yên, trạm Ninh An ở Khánh Hoà được phép thu hoàn vốn cho dự án hầm Đèo Cả, vi phạm cả thời điểm thu lẫn vị trí đặt trạm…
Điều đáng nói, tất cả những sai phạm mà trong công văn Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ lại được lý giải với nguyên nhân khó có thể chấp nhận: “Đầu tư vào lĩnh vực giao thông đường bộ đòi hỏi vốn lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, trong khi năng lực huy động vốn các nhà đầu tư hạn chế, nên các dự án BOT chỉ thực hiện được những đoạn đường ngắn hoặc đường tránh các TP… Vì vậy, một số trường hợp được Bộ GTVT, Tài Chính đề xuất Chính phủ cho phép tận dụng các trạm (thu phí hoàn vốn ngân sách nhà nước trước đây) để thu hỗ trợ hoàn vốn các dự án BOT, giải toả mặt bằng”...
Bộ Tài Chính lý giải thêm, việc sử dụng các trạm thu phí đã được cam kết tại hợp đồng BOT (ký kết giữa UBND cấp tỉnh và Bộ GTVT), nếu thay đổi vị trí trạm sẽ ảnh hưởng đến phương án thu tài chính, nhà đầu tư đòi bồi thường. Trong khi ngân sách hạn hẹp, việc bồi thường sẽ khó. Ví dụ trạm thu phí Thăng Long - Nội Bài, Bộ GTVT đã thống nhất với UBND TP.Hà Nội cho xoá, nhưng do không có ngân sách đền bù cho nhà đầu tư nên vẫn để thu hoàn vốn cho đường tránh TP.Vĩnh Yên”?
Trái luật
Luật sư Đỗ Pháp (Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng) phân tích, Thông tư 159 ngày 14.11.2013 của Bộ Tài chính quy định rõ thu trực tiếp tại các trạm BOT do các nhà đầu tư thực hiện phải có đủ các điều kiện: Hoàn thành việc xây dựng, nâng cấp công trình đường bộ; Trạm thu phí phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Nhưng nhiều trạm thu phí trước khi dự án BOT hoàn thành là trái quy định tại Thông tư 159, trái cả Pháp lệnh về phí. “Nhà nước cam kết sau khi thu phí đường bộ thì sẽ xoá tất cả các trạm thu phí nhưng thực tế đã chặt khúc QL. Kêu gọi đầu tư BOT để mở rộng thêm đường quốc gia, rồi cho DN tiếp tục thu phí trên QL. Thực tế, người dân vẫn phải liên tục đóng phí, tiền thu được chui vào túi nhà đầu tư. Bất cập này đang diễn ra cần phải tức khắc dừng lại” - LS Pháp nói.
Báo cáo Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ cho biết, ngay từ 10.6.2014, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có công văn giao Bộ GTVT phối hợp Bộ Tài chính rà soát cụ thể các trạm thu phí hoàn vốn thuộc dự án BOT trên các QL, đảm bảo thực hiện đúng các quy định hiện hành, khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu, lập quy hoạch tổng thể các trạm thu phí BOT trên phạm vi toàn quốc trình cấp thẩm quyền phê duyệt… Tuy nhiên, đến nay Bộ GTVT vẫn chưa thực hiện. Các trạm thu phí mọc lên nhiều hơn trạm xóa đi.
Bộ Tài chính tiếp tục kiến nghị, cần rà soát tổng thể các dự án BOT, trong đó báo cáo chi tiết về các trạm thu phí, chỉ rõ những bất cập, vướng mắc như khoảng cách các trạm không đảm bảo, nằm ngoài phạm vi dự án… Để đảm bảo công khai minh bạch, nhận được sự đồng thuận của người dân, chủ phương tiện, nhất thiết Bộ GTVT phải rà soát tổng thể các dự án BOT, khẩn trương hoàn thành quy hoạch tổng thể hệ thống đường có gắn với thu phí hoàn vốn trên các QL, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm căn cứ triển khai đặt các trạm thu phí các dự án BOT.
Như phân tích của luật sư Đỗ Pháp, chủ trương lớn về thu phí đường bộ nhưng lại làm một cách hời hợt, thiếu khoa học, không nhận được sự đồng tình của các cấp, các ngành, của DN, của người dân thì nhất thiết phải dừng lại để làm rõ các quan hệ nhân quả của trường hợp này, làm rõ có hay không lợi ích nhóm hay những trường hợp tế nhị khác để chủ trương nhận được sự đồng thuận cao.
Theo Lao Động