Tại báo cáo kết quả kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, Bộ Tư pháp cho biết, Bộ đã thực hiện kiểm tra 249 văn bản của Bộ, 276 văn bản của 52 địa phương. Theo đó, đã phát hiện 9 văn bản của Bộ, 20 văn bản của địa phương có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật.
Bộ Tư pháp cho rằng, việc ban hành những văn bản kể trên đã sai về thẩm quyền vì Bộ, cơ quan ngang Bộ, HĐND, UBND các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.
Văn bản nêu rõ trường hợp 6 văn bản của 5 tỉnh là Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Quảng Bình, Đắc Lắc, Nghệ An đã tự đặt ra điều kiện kinh doanh đối với một số ngành nghề kinh doanh như: biểu diễn ca Huế; sửa chữa ô tô, mô tô, xe đạp; kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe điện bốn bánh, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy...
Đặc biệt, ngoài văn bản sai về thẩm quyền kể trên, Bộ Tư pháp cũng cho biết có 3 Thông tư của 3 Bộ (Công Thương, Y Tế,...) và 1 Quyết định của UBND tỉnh Bắc Giang có nội dung liên quan hoạt động quản lý, kinh doanh không phù hợp với quy định của pháp luật.
Cũng theo Bộ Tư pháp, vẫn còn một số văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương vẫn được ban hành trước ngày Luật Doanh nghiệp 2005 và Nghị định 102/2010/NĐ-CP có hiệu lực có nội dung liên quan đến hoạt động quản lý, kinh doanh như hồ sơ, thủ tục, trình tự... có căn cứ pháp lý đã hết hiệu lực, đã được sửa đổi, bổ sung. Nội dung không còn phù hợp với quy định của pháp luật nhưng vẫn được thực hiện mà chưa được rà soát.
"Việc một số Bộ và UBND cấp tỉnh ban hành văn bản quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh là trái thẩm quyền, vi phạm các quy định của Quốc hội, Chính phủ. Đây là biểu hiện của sự vi phạm trật tự, kỷ cương hành chính cần được chấn chỉnh, xử lý kịp thời", văn bản của Bộ Tư pháp kết luận.
Chính vì vậy, Bộ Tư pháp đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, UBND các tỉnh tự kiểm tra, xử lý theo đúng quy định về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật đối với văn bản sai về thẩm quyền, nội dung.
Đồng thời, kiểm điểm, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc tham mưu soạn thảo, thẩm định, thông qua văn bản có nội dung trái pháp luật theo quy định tại Nghị định 40/2010/NĐ-CP và pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.
Theo Bizlive