Báo cáo một đường, thực tế một nẻo
Tại tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh này xác định tiêu chuẩn định mức xe ô tô phục vụ công tác chung của các cơ quan, tổ chức, đơn vị toàn tỉnh là 213 chiếc sau khi loại trừ 8 xe của 7 hội là các tổ chức không thuộc đối tượng rà soát để xác định định mức xe phục vụ công tác chung.
Căn cứ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, số xe công được trang bị tối đa của tỉnh là 209 xe, thấp hơn 4 xe so với định mức do UBND tỉnh Quảng Ninh tự tính toán. 4 xe xác định không phù hợp này thuộc Trung tâm đăng kiểm phương tiện thuỷ nội địa, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh và Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ.
Đáng lưu ý, trên thực tế, số xe ô tô phục vụ công tác chung hiện có theo báo cáo của tỉnh lên tới 291 xe, trừ 8 xe của 7 Hội và 1 xe của dự án chưa kết thúc do tỉnh cập nhật “nhầm” thì còn 282 xe phục vụ công tác chung của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh quản lý. Số xe này lớn hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn do Thủ tướng Chính phủ quy định và cũng vượt xa định mức do tỉnh tự xác định.
Tuy nhiên, báo cáo là một chuyện, số liệu xe thực tế cũng bị “vênh” đáng kể. Cụ thể, Theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước được cập nhật đến ngày 3/6/2016, tỉnh Quảng Ninh có 338 xe phục vụ công tác chung, cao hơn đến 56 xe so với báo cáo của tỉnh.
“Như vậy, so với tiêu chuẩn định mức được trang bị tối đa 209 xe, số xe phục vụ công tác chung hiện có của tỉnh Quảng Ninh thừa 73 xe”, báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ.
Xe công dư thừa ở nhiều tỉnh, thành phố gây lãng phí rất lớn cho ngân sách trong chi thường xuyên
Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện sắp xếp, điều chuyển nội bộ giữa các cơ quan đơn vị thuộc phạm vi quản lý, bổ trí sử dụng xe công đúng định mức. Đồng thời, chỉ đạo, rà soát, cập nhật đầy đủ thông tin xe ô tô phục vụ công tác chung vào cơ sở dự liệu quốc gia và lập danh mục số xe dôi dư, đề xuất phương án xử lý.
Không chỉ xe phục vụ công tác chung, đối với xe ô tô chuyên dùng, số liệu báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh là 327 chiếc nhưng theo số liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia chỉ là 235 chiếc, còn thiếu 92 xe chưa cập nhật. Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cập nhật đầy đủ thông tin để thống nhất đầy đủ về số liệu.
Đươc biết, trước đó, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ tăng định mức trang bị xe ô tô phục vụ công tác đối với một số cơ quan là Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.
“Bộ Tài chính ghi nhận đề xuất này nhưng trước mắt đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện đúng quy định”, Bộ Tài chính cho biết.
Ngoài ra, theo Bộ Tài chính: “Đối với đề nghị trang bị bổ sung số xe còn thiếu so với tiêu chuẩn định mức. Kết quả rà soát cho thấy hiện nay tỉnh Quảng Ninh còn thừa 73 xe ô tô phục vụ công tác chung. Vì thế, Bộ Tài chính thấy đề nghị này là chưa phù hợp”.
Bình Thuận: Đủ kiểu sai phạm về xe công
Còn tại tỉnh Bình Thuận, theo tiêu chuẩn, định mức xe phục vụ công tác chung do UBND tỉnh này xây dựng là 207 xe. Tuy nhiên, đối chiếu với quy định của Chính phủ, số xe không đáp ứng định mức, tiêu chuẩn chung của nhà nước lên tới 32 xe.
Đáng chú ý, trong số nỳ, có 18 xe thuộc 14 tổ chức được cho là "không thuộc đối tượng rà soát" để xác định tiêu chuẩn, định mức. Trong đó có nhiều hội, tỉnh xác định sai số lượng xe định mức như: Hội Chữ thập đỏ, Liên minh hợp tác xã, Hội Đông y...Có 3 ban thuộc Hội đồng nhân dân tỉnh được xác định định mức 2 xe/đơn vị nhưng các đơn vị này không có con dấu, tài khoản riêng nên không có tiêu chuẩn xe công.
Tại Sóc Trăng, đầu năm nay, báo chí đã phát hiện có cả đoàn xe công rồng rắn đi ăn giỗ nhà người thân Chủ tịch tỉnh.
Nhiều lãnh đạo kiêm nhiệm cũng được sắp xếp sử dụng xe công như Ban an toàn giao thông tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận...Có cả chức danh lãnh đạo ở tỉnh Bình Thuận cũng được cho là không đủ tiêu chuẩn cấp xe do "chưa đủ căn cứ về hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đo".
Do đó, theo xác định của Bộ Tài chính, riêng số xe phục vụ công tác chung không đúng quy định theo Quyết định số 32/QĐ-TTg của Chính phủ ở tỉnh Bình Thuận lên tới 18 xe.
Ngoài ra, về số xe chuyên dùng ở tỉnh Bình Thuận, tỉnh thì báo cáo có 199 xe nhưng số liệu hiện có tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước chỉ có 129 xe, chênh lệch rất lớn:70 xe.
Tuy nhiên, mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận vẫn đưa ra đề nghị mua sắm, trang bị mới một số xe phục vụ chức danh lãnh đạo.
Bộ Tài chính trên cơ sở những phát hiện những việc xác định định mức, sắp xếp xe công không đúng theo quy định chung của nhà nước đã yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận phải điều chỉnh lại tiêu chuẩn, định mức xe công ở tỉnh này, để số xe phục vụ công tác chung chỉ ở mức 175 xe, từ đó, sắp xếp từ xe ở nơi thừa sang nơi thiếu, lập danh mục xe dưa thừa để đề xuất phương án xử lý.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng thực hiện rà soát, sắp xếp lại xe công tại tỉnh Sóc Trăng và phát hiện ra hàng loạt những sai sót trong công tác quản lý tại tỉnh này. Tương tự như tại Quảng Ninh, tỉnh Sóc Trăng cũng tự xác định định mức “không khớp” với tiêu chuẩn, định mức xe công do Thủ tướng quy định.
Cụ thể, qua rà soát thực tế, số xe ô tô công phục vụ công tác chung của tỉnh này lên tới 194 xe, thừa 29 xe so với tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước. Nguyên nhân dư thừa được chỉ ra là do nhiều đơn vị ở tỉnh Sóc Trăng, theo định mức chỉ được trang bị tối đa 1 xe/1 đơn vị nhưng thực tế lại được UBND tỉnh Sóc Trăng ra định mức gấp đôi 2 xe/đơn vị.
Không chỉ ở 3 tỉnh trên, trong đợt rà soát này, Bộ Tài chính còn phát hiện nhiều địa phương, bộ, ngành khác, trong việc xác định định mức, tiêu chuẩn xe phục vụ lãnh đạo, xe phục vụ chung với số lượng xe cấp sai định mức, xe dư thừa so với nhu cầu sử dụng rất lớn, có những nơi lên đến hàng trăm chiếc. Dân trí sẽ tiếp tục lên tiếng phản ánh tình trạng quản lý lỏng lẻo, gây lãng phí rất lớn cho ngân sách nhà nước về nguồn tài chính, tài sản công này.
Theo Dân Trí