“Tội phạm công nghệ cao trong những năm gần đây tăng một cách đột biến trong khi đó trình độ hiểu biết về công nghệ của điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán còn rất hạn chế. Hiệu quả của công tác đấu tranh, khám phá, điều tra, truy tố xét xử chưa đạt được kết quả như mong đợi”.
Đó là nhận định của ông Dương Ngọc Hải – Phó viện trưởng VKSND TP HCM trong chuyên đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn TP HCM” do VKSND TP HCM tổ chức ngày 12-11.
Trong vòng 3 năm qua, cơ quan điều tra 2 cấp đã khởi tố 127 vụ tội phạm công nghệ cao. Đáng chú ý số vụ trong năm 2015 tăng đột biến và hình thức rất đa dạng, tập trung ở những nhóm tội lừa đảo, sử dụng mạng để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, sử dụng mạng để chiếm đoạt tài sản…
Tuy số vụ không nhiều so với mặt bằng tội phạm ở TP HCM (khoảng 11.000 vụ mỗi năm) nhưng gây hậu quả rất lớn, chiếm 1/5 số vụ tội phạm công nghệ cao toàn quốc.
Nổi lên trong thời gian qua là các vụ giả danh cơ quan công quyền như công an, viện kiểm sát, tòa án để hù dọa, lừa đảo người dân chuyển tiền vào tài khoản chỉ định để chiếm đoạt. Đa số các vụ lừa này các đối tượng nhắm vào những phụ nữ đã nghỉ hưu hoặc nội trợ “yếu bóng vía”. Những vụ án loại này khi phát hiện, khám phá công an cũng chỉ bắt giữ được những đối tượng trung gian, còn kẻ cầm đầu thường lọt lưới do chúng điều khiển từ nước ngoài.
Nhiều ngân hàng bất hợp tác với cơ quan điều tra
Bên cạnh đó, không ít bị can dùng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản là nhân viên ngân hàng hoặc nhân viên kế toán, thu ngân của các công ty lớn. Vừa qua, Công an TP HCM đã khám phá vụ án Lê Thị Phương Thảo, nhân viên thu hồi nợ của Trung tâm thẻ Ngân hàng S. lợi dụng nhiệm vụ để thay đổi thông tin của khách hàng trên thẻ tín dụng. Sau khi nhận thông tin của khách hàng chấm dứt sử dụng thẻ tín dụng thanh toán, Thảo không báo về trung tâm mà tự thay đổi thông tin của chủ thẻ rồi dùng các thẻ mới được cấp lại để mua hàng hóa, chiếm đoạt của ngân hàng hơn 380 triệu đồng.
Đại tá Nguyễn Minh Thông, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP HCM chia sẻ: “Tội phạm công nghệ cao không có địa giới hành chính, không có địa giới quốc gia. Nhiều địa phương ngại đấu tranh với loại tội phạm này vì rất khó khăn, chi phí điều tra và phá án rất cao. Đơn cử như có địa phương ở miền Bắc sau khi nhận được các tin báo tội phạm công nghệ cao thì né tránh, hướng dẫn bị hại đến TP HCM tố cáo vì…tiền được chuyển vào ngân hàng có trụ sở ở TP HCM”.
Theo NLĐ