Nhiều bệnh truyền nhiễm đang gia tăng và diễn biến phức tạp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trước diễn biến khó lường của nhiều bệnh truyền nhiễm, chiều 10/4, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh.

VT_ Họpa31.jpg
Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường phòng, chống dịch bệnh

Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin: Bệnh truyền nhiễm trên thế giới đang diễn biến phức tạp, nhất là dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm phòng cho trẻ, khiến một số bệnh có vắc xin phòng bệnh đang gia tăng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch sởi khi tại châu Âu, số ca mắc năm 2023 tăng hơn 30 lần so với năm 2022; tại Tây Thái Bình Dương, số ca nhiễm tăng 255% trong năm 2023.

Từ đầu năm 2024, bệnh ho gà gia tăng tại Hà Lan Anh, Philippines...Bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh ở châu Mỹ, vượt quá 3,5 triệu người, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có hơn 1.000 ca tử vong.

Tại Việt Nam, một số bệnh có vắc xin phòng bệnh đã có xu hướng tăng: Bệnh sởi tại Hà Tĩnh, Sơn La, Cà Mau, Bình Thuận, Thanh Hóa...bệnh ho gà tại Nghệ An, Hà Nội, TP.HCM. Đồng thời, một số bệnh có số ca mắc cao: Bệnh tay chân miệng tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2023; hàng năm vẫn có hàng trăm nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết và hàng chục người tử vong.

Đặc biệt, đã có ca tử vong do cúm A(H5N1) tỉnh Khánh Hòa và bệnh nhân đầu tiên mắc cúm A(H9N2) tại tỉnh Tiền Giang.

VT_BT lan.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin về tình hình dịch bệnh

Báo cáo tại hội nghị, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức cho biết những khó khăn trong việc ứng phó với cúm A/H9: Nguồn gây bệnh trên động vật nên ngành y tế không thể đơn phương kiểm soát, đòi hỏi có sự phối hợp giữa nhiều ngành, đơn vị. Cúm A(H9N2) trên gia cầm ít gây bệnh, hơn nữa gia cầm mắc bệnh không có triệu chứng rõ ràng nên việc giám sát bên ngành thú y cũng khó khăn.

Ông Đức cũng báo cáo các giải pháp nhằm ngăn chặn lây nhiễm bệnh từ gia cầm sang người: Tăng cường truyền thông về biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh từ gia cầm sang người, đặc biệt là các đối tượng có sức đề kháng kém và có bệnh nền. Tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nhất là tại các cơ sở điều trị và các khu vực nguy cơ cao để phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút. Phối hợp với cơ quan thú y nắm bắt các thông tin về dịch cúm trên gia cầm, đánh giá nguy cơ chung để có các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên người kịp thời và hiệu quả.

Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp với WHO, US CDC để cập nhật, chia sẻ tình hình dịch bệnh cúm gia cầm trên thế giới, theo dõi biến đổi gen của các chủng vi rút cúm gia cầm để đánh giá và nhận định nguy cơ kịp thời.

VT_ Đức.jpg
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức báo cáo tình hình dịch bệnh và các giải pháp phòng, chống

Về sốt xuất huyết, theo ông Đức, Việt Nam có 14.542 người mắc và lưu hành cả 4 týp vi rút Dengue. Tuy vậy, trong năm 2023 týp D2 chiếm 88,7%; năm 2024 týp D2 chiếm 70,7%. Hiện số mắc ở miền Nam chiếm 56,1%; miền Trung chiếm 32,9%; miền Bắc chiếm 6%. Dự kiến dịch sẽ tăng cao từ tháng 7 đến tháng 11.

Theo Cục Y tế dự phòng, sốt xuất huyết là bệnh lây truyền qua muỗi vằn, lưu hành thường xuyên với số mắc cao trong khu vực quốc tế, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vắc xin chưa được sử dụng, là những thách thức trong công tác phòng, chống.

Bệnh sởi đã có 130 ca mắc trong quý 1, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ 2023. Bệnh có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu rất cao (>95%) trong cộng đồng. Vì thế, theo Cục Y tế dự phòng, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận những ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Để ngăn chặn dịch sởi, việc tiêm phòng cần được tăng cường.

Bộ Y tế nhận định trong thời điểm chuyển mùa hiện nay, nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh rất lớn trong bối cảnh giao thương, du lịch tăng cao. Nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm với diễn biến khó lường, có thể bùng phát thành dịch lớn.

Tại hội nghị, các đơn vị, địa phương đã chia sẻ về tình hình dịch bệnh, những khó khăn và các bài học kinh nghiệm, để chủ động triển khai sớm khống chế dịch bệnh: Tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân và thay đổi hành vi để nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật.