Việt Nam là một trong những "điểm nóng" về dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Y tế và Bộ NN&PTNN đều nhận định trong thời gian tới, nguy cơ bùng phát các ổ dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người sẽ tiếp diễn.

Gà .png
Nguy cơ bệnh cúm gia cầm tiềm ẩn từ tình trạng nhập lậu gia cầm, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm vắc xin

Bệnh dại tăng đột biến, cúm gia cầm trên người tái xuất

Số người chết do bệnh dại tăng đột biến và bệnh nhân tử vong vì cúm gia cầm A/H5N1 mới đây ở Nha Trang cho thấy nguy cơ bùng phát bệnh lây từ động vật sang người trên người rất lớn. Vì thế, sáng nay, 27/3, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) đã tổ chức hội nghị liên ngành về tăng cường phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết những năm gần đây, Việt Nam, cũng như trên thế giới, đã xảy ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi, tác động lớn đến sức khỏe con người và kinh tế, xã hội. Đáng chú ý, phần lớn trong số đó là các bệnh lây truyền từ động vật sang người như SARS, cúm gia cầm A(H5N1), dịch cúm A(H1N1), và gần nhất là đại dịch COVID-19.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, ở Việt Nam, nhiều dịch bệnh lây từ động vật sang người ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân như bệnh dại, cúm A(H5N1), bệnh liên cầu lợn, bệnh than, bệnh xoắn khuẩn vàng da...

VT_Liên Hương.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thông tin về tình hình bệnh cúm A/H5N1 và bệnh dại

Từ năm 2014, Việt Nam không xuất hiện cúm A(H5N1). Nhưng tháng 8/2022 và tháng 3/2024 đã có 2 trường hợp mắc mới và một trong số đó đã tử vong. Điều này cho thấy, cúm A/H5N1 luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm sang người. Bên cạnh đó, bệnh dại đang diễn biến phức tạp với số tử vong tới 100%. Chỉ từ đầu năm 2024, số mắc gia tăng đột biến với 27 người tử vong.

Ông Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế - thông tin: Hơn 70% dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là lây truyền từ động vật sang người hoặc có nguồn gốc gen từ bệnh của động vật. Việt Nam là 1 trong những điểm nóng về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Nhiều thách thức trong phòng dịch

Ông Phạm Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y Bộ NN&PTNN - thông tin tại hội nghị: Hiện tổng đàn gia cầm trong cả nước rất lớn, nhưng nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm vắc xin, trong khi các chủng vi rút cúm gia cầm như H5N1, H5N6, H5N8...lưu hành với tỷ lệ khá cao (khoảng 5%).

Bên cạnh đó, tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm vẫn diễn ra cùng với việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm gia tăng, là những nguy cơ lớn để cúm A/H5N1 lây sang người.

Riêng về bệnh dại, theo ông Minh, trong năm 2023 số ca mắc tăng 2,6 lần so với 2022 tại 31 tỉnh, thành phố, nhiều nhất tại Phú Thọ (54 ca), Quảng Ninh (38 ca) và Cà Mau (41 ca).

VT_Hop.jpg
Bộ Y tế và Bộ NN&PTNN tổ chức hội nghị tăng cường phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Trong khi cả nước có 4.936.491 hộ nuôi chó, mèo với tổng 7,6 triệu con (nhiều nhất là Hà Nội với trên 425.000 con, Nghệ An trên 355.000 con và Thanh Hóa trên 322.000 con), nhưng từ đầu năm 2024 đến nay, mới có 19 tỉnh tổ chức tiêm phòng bệnh dại với 554.000 con chó, mèo được tiêm. Tỷ lệ tiêm phòng cũng chỉ được khoảng 30% tổng đàn chó của 19 tỉnh này.

Mặc dù tỉ lệ tử vong ở người mắc bệnh dại là 100%, nhưng những thách thức trong phòng bệnh dại vẫn rất lớn. Theo ông Minh, nhiều địa phương không quản lý được đàn chó, nên thống kê không chính xác. Đáng lưu ý khi tỷ lệ tiêm phòng rất thấp, thậm chí, không tiêm phòng vắc xin cho đàn chó; không điều tra, không lấy mẫu xét nghiệm, trong khi những nơi Cục Thú y hỗ trợ xét nghiệm lấy mẫu cho kết quả dương tính rất cao.

Cũng theo ông Minh, hệ thống y tế dự phòng không nắm rõ, đầy đủ số lượng người bị chó cắn và đi điều trị dự phòng. Công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa ngành thú y và y tế ở một số địa phương còn rất lỏng lẻo.

Trao đổi tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú ý Bộ NN&PTNN - nêu những nguy cơ rình rập của dịch cúm gia cầm lẫn bệnh dại: Việc tuân thủ chỉ đạo của cấp trên ở các địa phương rất kém, nên rất lóng ngóng, không biết triển khai, quản lý, lập kế hoạch báo cáo vv...

VT_ họptruc tuyen.jpeg
Đại diện nhiều bộ, ngành và các địa phương trong cả nước tham dự hội nghị về bệnh lây truyền từ động vật sang người

Ngay cả việc mua vắc xin phòng chống bệnh, các địa phương cũng rất chậm. Cấp dưới hoàn toàn không biết phòng chống thế nào, quản lý nuôi chó mèo ra sao...Nhiều năm qua, Bộ Y tế và Bộ NN&PTNN đều tổ chức xét nghiệm miễn phí nghi mắc bệnh dại, nhưng không địa phương nào chủ động tham gia.

“Không nước nào nhiều người mắc và tử vong nhiều do bệnh dại như Việt Nam” - ông Long nhấn mạnh.

Về bệnh cúm A/H5N1, ông Long lưu ý các địa phương cần kích hoạt việc quản lý nghiêm việc tiêm phòng cho gia cầm vì việc này đã nhiều nơi bị chủ quan, lơ là, trong khi chỉ đạo vẫn có từ rất lâu.

Cần đẩy mạnh truyền thông

Chia sẻ về công tác điều trị, ông Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế - cho biết: Với các bệnh như cúm A H5N1, Bộ Y tế đã có hướng dẫn phòng chống và điều trị bệnh từ năm 2018, trong đó, tập trung vào việc sử dụng thuốc kháng virus để chấm dứt bệnh. Cuối tháng 12/2023, Bộ Y tế đã có quyết định cấp thuốc cho 26 tỉnh, thành phố (tương đương hơn 20.000 viên) để điều trị cho người dân.

Còn về xử trí cấp cứu các ca bệnh suy hô hấp cấp do cúm, Bộ Y tế cũng đã có nhiều hướng dẫn đi kèm các quyết định về xử trí, chẩn đoán và điều trị bệnh.

VT- Tien TT BNN.jpg
Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Phùng Đức Tiến

Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Phùng Đức Tiến nêu rõ: Phải chủ động chống bệnh dịch, không để “mất bò mới lo làm chuồng”. Hai bộ cần phối hợp tốt hơn nữa, rà soát lại các cơ chế, các quy định, nếu thiếu sẽ bổ sung, cần thiết thì báo cáo Chính phủ.

"Riêng từ đầu năm 2024 đến nay đã có 27 ca tử vong do bệnh dại và 1 ca tử vong do cúm gia cầm, là dấu hiệu cảnh báo diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Do đó, cần đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều hình thức: Báo chí, tọa đàm, hội nghị…”, ông Tiến lưu ý.

Để phòng, chống bệnh dại, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh: Thủ tướng Chính phủ mới có công điện yêu cầu tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo; điều tra, truy tố, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ đúng quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Do đó, đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm việc này.