Bệnh truyền nhiễm mới nổi ở người bắt nguồn chủ yếu từ động vật hoang dã

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 60%-80% các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật và khoảng 70% trong số đó là từ động vật hoang dã.

vngreen.vn.jpg
60%-80% các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật (Ảnh: vngreen.vn)

Ca tử vong do cúm A/H5N1 ở Nha Trang vừa qua khiến Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) tổ chức cuộc họp liên ngành cùng với 63 tỉnh, thành để ứng phó với dịch bệnh lây từ động vật sang người. Rõ ràng, vấn đề ngăn chặn dịch từ động vật nói chung, động vật hoang dã nói riêng, đã mang tầm quốc gia.

VietTimes đã có cuộc trao đổi với bà Hoàng Bích Thủy, Trưởng đại diện Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã (WCS) tại Việt Nam, xung quanh vấn đề này.

PV: Bà có thể cho biết cơ chế lây cúm A/H5N1 từ vật nuôi sang người, đặc biệt là từ những loài hoang dã?

Hoàng Bích Thủy: Một số chủng virus cúm A có khả năng gây bệnh trên người, động vật, phổ biến như H5N1, H1N1, H3N2, H5N6, H7N9...Trong đó, cúm A/H5N1 là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm gây bệnh trên chim, gia cầm và một số loài động vật khác. Bệnh cũng có thể lây nhiễm cho người, khiến bệnh diễn biến nặng, tiến triển nhanh và có tỷ lệ tử vong cao.

Con người có thể bị lây bệnh thông qua tiếp xúc trực tiếp với động vật nhiễm bệnh hoặc do chạm tay vào các bề mặt dính dịch nhầy, nước bọt hoặc phân động vật bị nhiễm bệnh sau đó chạm lên mắt, mũi, miệng, hoặc hít phải giọt bắn, bụi trong không khí...

Có cách nào để nhận biết được chim hoang hay động vật hoang mắc cúm A/H5N1, thưa bà?

Hoàng Bích Thủy: Một số kết quả rà soát đã cho thấy virus cúm gia cầm có trên hơn 100 loài chim hoang dã. Trong đó, một số loài được cho là vật chủ tự nhiên của virus cúm gia cầm như vịt trời, ngỗng, thiên nga, mòng biển...

Tuy nhiên, hầu hết các loài chim hoang dã nhiễm virus cúm gia cầm đều không có triệu chứng. Trong khi đó, gia cầm khi nhiễm virus có thể có các biểu hiện đặc trưng như kém ăn, sưng mí mắt, tím ở vùng mào, yếm, cẳng chân, khó thở, loạng choạng, ngã, triệu chứng hô hấp (chảy mũi, ho, hắt hơi...), vẹo cổ hoặc chết.

Ngoài bệnh cúm, nuôi chim hoang dã còn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh nào khác không, thưa bà?

Hoàng Bích Thủy: Ngoài cúm A/H5N1, chim hoang dã còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình lây nhiễm một số bệnh khác như bệnh sốt Tây sông Nin; các bệnh do vi khuẩn đường ruột như E.Coli, Samonella, bệnh ký sinh trùng…mặc dù không phải trong mọi trường hợp bệnh đều lây trực tiếp từ động vật hoang dã sang người.

VT_ Bà Thuỷ.jpg
Bà Hoàng Bích Thủy - Trưởng đại diện Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã (WCS) tại Việt Nam

Khi nhận biết loài chim/động vật bị cúm A/H5N1, người dân cần xử lý như thế nào để bảo vệ chính mình?

Hoàng Bích Thủy: Theo khuyến cáo của cơ quan y tế và thú y, khi phát hiện gia cầm nuôi bị ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y trên địa bàn.

Các loài chim hoang dã khi nhiễm virus cúm A/H5N1 thường không có biểu hiện rõ ràng. Bởi vậy, để giảm thiểu nguy cơ lây bệnh, cần hạn chế tiếp xúc, giết mổ và ăn các loại động vật hoang dã nói chung, đặc biệt là chim. Khi đã có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở, đặc biệt nếu có liên quan/tiếp xúc với gia cầm hoặc chim, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Bà có thể thông tin về việc buôn bán trái phép, săn bắn và nuôi động vật hoang dã tác động đến sức khoẻ của con người?

Hoàng Bích Thủy: Theo Tổ chức Y tế thế giới, 60%-80% các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật và khoảng 70% trong số đó là từ động vật hoang dã.

Trong khi đó, Việt Nam được biết đến là một "điểm nóng" trong chuỗi buôn bán trái phép động vật hoang dã và chuỗi cung ứng động vật hoang dã. Hoạt động săn bắn, cho dù là hợp pháp hay bất hợp pháp, đều tiềm ẩn nguy cơ lây truyền dịch bệnh sang người.

Hoạt động này thường bao gồm việc săn bắt, buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt động vật hoang dã trong điều kiện chuồng nuôi chật hẹp, không đảm bảo vệ sinh, nuôi nhốt chung nhiều loài, cả động vật ốm và động vật khỏe mạnh. Người nuôi không sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong quá trình tiếp xúc, chăm sóc động vật, không đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn vệ sinh trong quá trình chế biến...

Điều này sẽ tạo điều kiện cho động vật hoang dã đến gần với con người, tạo môi trường lý tưởng để các mầm bệnh phát tán và lây lan từ động vật hoang dã sang người và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch bệnh.

0410_baovechimhoangda.jpg
Chim hoang dã là nguồn lây virus cúm gia cầm sang người (Ảnh: Internet)

Từ trường hợp tử vong do cúm A/H5N1 vừa qua, bà đánh giá thế nào về nguy cơ lây lan các bệnh từ động vật sang người, trong khi chủng cúm A/H5N1 từ trước tới nay chủ yếu được cảnh báo trên gia cầm?

Hoàng Bích Thủy: Việc tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với động vật bị nhiễm bệnh đều có nguy cơ lây nhiễm sang người. Theo WHO, nhiều ca bệnh ở người có nguyên nhân do virus cúm gia cầm và virus cúm có nguồn gốc từ động vật khác đã được báo cáo.

Cúm A/H5N1 có khả năng lây truyền trực tiếp từ chim, gia cầm sang người thông qua tiếp xúc với chim và gia cầm sống/chết đã bị nhiễm bệnh hoặc từ môi trường. Đặc biệt, sau khi lây truyền sang người, virus còn có khả năng tái tổ hợp hình thành virus mới với gen virus cúm người và làm cho dịch dễ lan truyền từ người sang người, có nguy cơ gây nên đại dịch ở người. Vì vậy, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cúm A/H5N1, chúng ta cần tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế:

1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

4. Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.

5. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm, phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Nếu đến các quốc gia hoặc khu vực lưu hành dịch cúm gia cầm, hạn chế tối đa việc đến các cơ sở nuôi gia cầm, tiếp xúc với động vật tại các chợ gia cầm sống, đi vào khu vực giết mổ gia cầm và tiếp xúc với các bề mặt phơi nhiễm với phân, chất dịch, chất tiết từ gia cầm. Theo dõi triệu chứng và đến các cơ sở y tế nếu có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm cúm gia cầm.

Ở Việt Nam, việc nuôi, bắt, tiêu thụ động vật hoang dã nếu làm lây lan bệnh dịch sang người sẽ bị xử lý ra sao, thưa bà?

Hoàng Bích Thủy: Việc nuôi, bắt, tiêu thụ động vật hoang dã nếu làm lây lan bệnh dịch sang người sẽ bị xử lý về hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người, được quy định tại Bộ Luật hình sự, với mức phạt từ 50 – 200 triệu đồng, hoặc phạt tù tới 12 năm và có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung khác. Các chế tài xử phạt đều quy định tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi.

Tuy nhiên, việc xác định loài, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người phải do tổ chức, cá nhân giám định tư pháp có thẩm quyền xác định và không dễ dàng thực hiện trong thực tế. Số lượng vụ án, bị can bị khởi tố về tội phạm này trong những năm qua không nhiều.

Năm 2023, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên phạt 11 năm tù với đối tượng Nguyễn Duy A. và phạt tiền bổ sung 20 triệu đồng về hành vi nuôi nhốt trái phép 14 con rái cá vuốt bé, 36 con chim và 1 con mèo rừng.

Cũng trong năm 2023, Tòa án nhân dân huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) đã tuyên phạt 10 năm tù với đối tượng Huỳnh Thị Kim C. và 3 năm tù với đối tượng Nguyễn Thị Y. vì hành vi nuôi, nhốt và buôn bán trái phép nhiều cá thể rùa quý hiếm. Đây đều là những bản án mang tính răn đe nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã.

Cám ơn bà!