BHYT – nguồn cung cấp thuốc ARV quan trọng
Thuốc kháng vi-rút (ARV) là giải pháp hiệu quả trong việc bảo vệ sức khỏe của người nhiễm HIV, bảo vệ cộng đồng khỏi sự lây lan của bệnh. Điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS đã triển khai tại VN hơn 10 năm nay. Hiện nay, có trên 115.000 người đang được điều trị ARV và con số này sẽ ngày một tăng.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trao thuốc ARV nguồn BHYT cho bệnh nhân HIV sáng 8/3
|
Tuy nhiên, từ trước đến nay, việc điều trị bằng thuốc ARV đều được cung cấp miễn phí thông qua nguồn tài trợ quốc tế, đặc biệt là từ Chính phủ Mỹ (chương trình PEFAR). Khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng tăng trưởng và phát triển, các cơ quan viện trợ quốc tế sẽ chuyển phân bổ nguồn lực hỗ trợ sang các nước có nguồn lực hạn chế và tình hình dịch HIV nghiêm trọng hơn. Nguồn thuốc ARV từ viện trợ sẽ bị cắt giảm, bệnh nhân HIV sẽ không có thuốc điều trị.
Bên cạnh đó, chi phí thuốc ARV rất đắt đỏ. Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, thuốc phác đồ bậc 1 có giá khoảng hơn 4 triệu đồng/năm/người, phác đồ bậc 2 đắt gấp 7-8 lần. Các chi phí khám bệnh, các xét nghiệm định kỳ và các dịch vụ đặc thù cũng khá cao. Người nhiễm HIV đa số là các đối tượng nghèo, tài chính hạn hẹp, không có tiền để mua thuốc điều trị lâu dài.
Trong khi đó, BHYT có chi phí rẻ hơn, sẽ giúp người nhiễm HIV giảm gánh nặng tài chính cho thuốc, giúp đảm bảo việc điều trị.
Vì vậy, Chính phủ đã chủ trương sử dụng BHYT là nguồn thay thế cung cấp thuốc ARV quan trọng. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2188/QĐ-TTg về thanh toán thuốc ARV và hỗ trợ người sử dụng thuốc ARV từ nguồn BHYT. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, sau một thời gian chuẩn bị, bắt đầu từ 8/3/2019, BHYT chính thức mở rộng chi trả thuốc ARV cho các bệnh nhân có thẻ BHYT. Bên cạnh đó, năm 2019 cũng là năm đầu tiên sẽ triển khai khám chữa bệnh BHYT ở 188 cơ sở, dự kiến đến hết năm 2019 sẽ có 48.000 bệnh nhân nhận thuốc ARV từ BHYT.
Đặt mục tiêu 100% người nhiễm HIV tham gia BHYT
Không chỉ cung cấp thuốc ARV, BHYT còn giúp họ có được những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt. Hiện tại, BHYT đang thanh toán các chi phí như phí khám bệnh, xét nghiệm và điều trị nhiễm trùng cơ hội dành cho người nhiễm HIV tại các cơ sở điều trị HIV đủ điều kiện.
Bệnh nhân HIV nhận thuốc tại Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm
|
Do đó, Chính phủ đã đặt mục tiêu hướng tới 100% người mắc HIV tham gia BHYT. Đã có những sự thay đổi trong thủ tục giúp người nhiễm HIV đơn giản, thuận lợi hơn. Hiện nay, người nhiễm HIV không nhất thiết phải tham gia BHYT theo hộ gia đình; đã có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giấy tờ tùy thân, đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, chuyển tuyến, chuyển tiếp… Nhờ vậy, số người nhiễm HIV đang được điều trị ARV tham gia BHYT tăng từ 40% (năm 2014) lên 89% (cuối năm 2018), tăng hơn gấp đôi trong khoảng 4-5 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đi đầu trong việc đạt được ức chế tải lượng virus với mức trên 93%. Đây là một kết quả ấn tượng bởi nếu người nhiễm HIV đạt được ngưỡng ức chế tải lượng virus thì không có khả năng lây nhiễm HIV cho bạn tình qua đường tình dục.
Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với BHXH Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV, phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc nguồn BHYT, thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị để tránh tình trạng nhận thuốc nhiều nguồn.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các địa phương hỗ trợ người nhiễm HIV bằng cách bố trí huy động kinh phí, hỗ trợ đồng chi trả ARV cho người bệnh theo quyết định của Thủ tướng; cơ quan BHXH phối hợp với Bộ Y tế để đảm bảo nguồn thuốc ARV cho bệnh nhân HIV tham gia BHYT; các cơ sở y tế tạo điều kiện điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, ân cần, niềm nở; tránh kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, đảm bảo thông tin cá nhân cho người bệnh.