Nhà sản xuất chip Trung Quốc được xóa cáo buộc gián điệp trong vụ án bí mật tại Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Một thẩm phán đã ra phán quyết rằng các công tố viên đã không chứng minh được Công ty Mạch tích hợp Phúc Kiến Kim Hoa đã chiếm đoạt dữ liệu độc quyền từ Micron Technology.

Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP

Một nhà sản xuất chip Trung Quốc đã được xóa tội gián điệp kinh tế và các cáo buộc hình sự khác sau cuộc trấn áp của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đối với hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc.

Hơn 5 năm sau khi Bộ Thương mại đưa Công ty Mạch tích hợp Phúc Kiến Kim Hoa (Fujian Jinhua) vào danh sách đen là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, Thẩm phán quận Hoa Kỳ Maxine M. Chesney ở San Francisco đã tuyên bố công ty này không có tội.

Bà Chesney kết luận rằng các công tố viên Hoa Kỳ đã không chứng minh được rằng công ty này chiếm đoạt dữ liệu độc quyền từ Micron Technology Inc., nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất của Mỹ.

Theo tuyên bố của Bộ Tư pháp khi vụ việc lần đầu tiên được đệ trình, nếu công ty bị kết án, Phúc Kiến Kim Hoa có thể phải đối mặt với án phạt cũng như lệnh yêu cầu công ty này tịch thu chip và thu nhập có được từ công nghệ được cho là bị đánh cắp.

Vụ kiện chống lại Phúc Kiến Kim Hoa được đệ trình vào năm 2018 trong bối cảnh cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc đang rất căng thẳng. Vào thời điểm đó Hoa Kỳ đã nỗ lực trấn áp hoạt động gián điệp của Trung Quốc tại các công ty và trường đại học nghiên cứu của Hoa Kỳ.

Vào năm 2022, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Joe Biden đã chấm dứt “Sáng kiến ​​Trung Quốc” của ông Trump sau khi bị chỉ trích dữ dội vì khuyến khích sự phân biệt đối xử đối với người Mỹ gốc Á – ngay cả đối với trường hợp truy tố Phúc Kiến Kim Hoa.

Trong khi ông Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tìm cách ổn định các mối quan hệ vốn đã xấu đi do lo ngại về gián điệp và các vấn đề khác thì 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tiếp tục cạnh tranh để giành ưu thế về công nghệ.

Trong khi đó, Micron Technology dường như đã cố gắng xoa dịu Bắc Kinh, bao gồm việc hứa đầu tư thêm 4,3 tỉ nhân dân tệ vào nhà máy đóng gói chip ở Trung Quốc và cử Giám đốc điều hành Sanjay Mehrotra đến thăm Trung Quốc.

Micron Technology và Phúc Kiến Kim Hoa vào tháng 12 đã đạt được thỏa thuận, trong đó họ đồng ý hủy bỏ mọi khiếu nại chống lại nhau, bao gồm cả vụ kiện dân sự do công ty Mỹ đệ trình một năm trước khi Bộ Tư pháp đưa ra cáo buộc hình sự đối với công ty Trung Quốc.

Thỏa thuận giải quyết diễn ra vài tháng sau khi chính phủ Trung Quốc vào tháng 5 cấm chip của Micron sử dụng các “cơ sở hạ tầng quan trọng” vì lo ngại về an ninh mạng.

Được biết, Hoa Kỳ đã liên tục hợp tác với các đồng minh để ngăn chặn Bắc Kinh có được chất bán dẫn tiên tiến nhất và công nghệ sản xuất chip mới nhất.

Theo SCMP