Thông tin trên được công bố bởi Cơ quan Cảnh sát Quốc gia (NPA) trong hôm đầu tuần này. Đây là lần đầu tiên cơ quan này công bố số liệu chính thức về những cái chết đơn độc.
Dựa trên con số này - bao gồm cả những người chết vì tự tử - số người lớn tuổi chết đơn độc ở nhà ước tính lên tới 68.000 người mỗi năm, quan chức NPA Kazuhito Shinka cho biết trong phiên họp của một ủy ban Hạ viện cùng ngày. Ông Shinka đưa ra con số trên trong lúc trả lời các câu hỏi của ông Akira Nagatsuma, cựu bộ trưởng phúc lợi Nhật Bản.
Trong bối cảnh Nhật Bản đang phải vật lộn với tình trạng già hoá dân số nhanh chóng, việc hỗ trợ những người lớn tuổi sống đơn độc ngày càng trở nên quan trọng hơn trong các chương trình nghị sự chính sách.
Theo thống kê của chính phủ, tỷ lệ hộ gia đình độc thân đứng ở mức 36% vào năm 2020 - tỷ lệ này dự kiến sẽ vẫn cao trong tương lai. Tỷ lệ những người sống đơn độc ở nhóm tuổi trên 65 là 28,6% vào năm 2020 và dự kiến còn tăng hơn nữa.
Hơn nữa, theo Viện Nghiên cứu An sinh Xã hội và Dân số Quốc gia, số người trên 65 tuổi sống một mình ước tính sẽ tăng từ 7,38 triệu vào năm 2020 lên 8,87 triệu vào năm 2030 và lên 10,84 triệu vào năm 2050.
Số người chết một mình mà không được ai chú ý và tự bỏ mặc bản thân cũng được cho là sẽ gia tăng, mặc dù vấn đề này không hoàn toàn mới đối với Nhật Bản.
Cụm từ “koritsushi” (cái chết đơn độc) đã đi vào từ vựng phổ biến ở Nhật Bản sau trận động đất lớn Hanshin năm 1995, qua đó nhiều người lớn tuổi bị buộc phải rời khỏi cộng đồng của họ và buộc phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ trong một thời gian dài. Một số người sau đó rơi vào trạng thái bỏ mặc bản thân, từ chối chăm sóc bản thân hay nhận sự chăm sóc cần thiết từ người khác.
Các chuyên gia nói rằng chứng mất trí nhớ, các vấn đề về trí nhớ và bệnh tâm thần thường gây ra tình trạng như vậy, đồng thời lưu ý rằng ngay cả khi người dân từ chối nhận sự chăm sóc từ người khác, chính phủ vẫn phải tìm cách hỗ trợ họ tốt hơn để họ có thể sống có phẩm giá.
Các chuyên gia cho rằng tác động về kinh tế-xã hội của những cái chết đơn độc đối với những người bị bỏ lại phía sau, chẳng hạn như hàng xóm và thành viên gia đình họ, cũng phải được xem xét.
Một báo cáo năm 2011 của Viện Nghiên cứu NLI về “koritsushi” và sự bỏ mặc bản thân đã chỉ ra rằng 70% thành phố trên toàn quốc không thu thập dữ liệu về các trường hợp tử vong đơn độc, trong khi 85% thậm chí không có định nghĩa rõ ràng về những cái chết như vậy.
Trong bối cảnh đó, Văn phòng Nội các vào tháng 8 năm ngoái đã thành lập một nhóm chuyên gia làm việc để điều tra tình hình của tình trạng chết đơn độc, một phần trong nỗ lực xây dựng các biện pháp cần thiết.
Trong một báo cáo được công bố vào tháng 12 năm ngoái, các chuyên gia đã định nghĩa “koritsushi” là “một kiểu chết mà trong đó người chết không được ai chăm sóc và thi thể của họ được tìm thấy sau một thời gian nhất định”.
Tất cả người dân Nhật Bản có thể đều mang họ Sato vào năm 2531
Thị trường thực phẩm của Nhật Bản rúng động do bê bối của Kobayashi
Theo Japan Times