Nhà nước có thể bị nhà đầu tư EU kiện

Các cơ quan nhà nước Việt Nam có thể bị các nhà đầu tư EU kiện khi ban hành chính sách gây thiệt hại cho họ, theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), một chuyên gia cảnh báo tại mội hội thảo sáng nay tại Hà Nội.
Ảnh: TG
Ảnh: TG

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập của VCCI, cảnh báo tại hội thảo về rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết của EVFTA về đầu tư rằng đây là điều có thể xảy ra căn cứ theo Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và Nhà đầu tư nước ngoài (ISDS).

Hội thảo này do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đại sứ quán Anh tổ chức sáng nay, 16-3, tại Hà Nội.

Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và Nhà đầu tư nước ngoài (ISDS) là một trong ba phần chính của chương Đầu tư của EVFTA. Hai phần còn lại là tự do hóa đầu tư và bảo hộ đầu tư.

Lý do của việc kiện là các cơ quan nhà nước có thể vi phạm các cam kết tại Mục Bảo hộ Đầu tư của EVFTA; hoặc các cam kết tại một số khoản liên quan tới nguyên tắc đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc; và gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Bà Trang nói: “Nhà nước thua kiện là dùng thuế của người Việt Nam để đền bù. Điều này ảnh hưởng đến chính doanh nghiệp Việt Nam. Hơn nữa, có tâm lý là vì sợ nhà đầu tư kiện, nên có thể họ yêu cầu cái gì thì cơ quan nhà nước đồng ý luôn, làm ảnh hưởng đến nhà đầu tư trong nước”.

Ví dụ, luật của Việt Nam chưa tuân thủ cam kết của EVFTA về trưng mua trưng dụng và phải bồi thường, bồi thường chậm phải trả lãi. Việt Nam chưa có quy định trả lãi, hay trưng mua trưng dụng, bà nhận xét.

Bà Châu Giang, Vụ phó Vụ pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành viên của đoàn đàm phán phía Việt Nam, cho biết đến nay Việt Nam mới chỉ gặp phải bốn vụ kiện của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam thắng kiện 3 trong số đó và không phải bồi thường.

Bà cho biết, theo EVFTA, Việt Nam và EU sẽ xây dựng cơ quan giải quyết tranh chấp thường trực, có hai cấp là sơ thẩm và phúc thẩm. Chính phủ Việt Nam và EC sẽ chọn các trọng tài làm thành viên của cơ quan này. Bên cạnh đó, còn có cả cơ quan trung gian hòa giải.

Theo ông Phạm Mạnh Dũng,  nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần rà soát gấp các nghị định, các văn bản hướng dẫn luật chuyên ngành vì đây đang là rào cản lớn nhất cho đầu tư, thương mại, ví dụ Nghị định 23 về nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng.

Ông Dũng nhận xét, đầu tư bao gồm nhiều lĩnh vực như đầu thầu, mua sắm công, doanh nghiệp nhà nước, tự do thương mại, tức là rộng hơn những quy định tại Luật Đầu tư.

“Tôi đề xuất, cách tiếp cận tốt nhất để xây dựng pháp luật khi chúng ta hội nhập sâu rộng là xây dựng luật trên nền tảng kinh tế thị trường hiện đại, thay vì rà soát lại luật mỗi khi ký một FTA nào đó”, ông nói.

Ông Dũng nói thêm, vướng mắc với đầu tư hiện nay không phải chỉ có luật pháp, mà còn vấn đề thực thi. Ví dụ, trọng tài quốc tế xử nhà đầu tư thắng nhưng không thi hành được. “Chúng ta phải sửa cả luật thi hành án. Kể cả hệ thống tòa cũng phải cải thiện”, ông nói.

Theo TBKTSG