Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Giọt mồ hôi của người làm báo không có giọt cuối cùng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – "Giọt mồ hôi của người làm báo không có giọt cuối cùng. Khi bạn đổ mồ hôi là bạn hạnh phúc. Hạnh phúc không chỉ ở điểm đến mà còn trên đường đi", nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng

Một cuộc trao đổi thú vị về nghề báo xưa và nay, những thuận lợi, thách thức khi làm báo trong thời đại số với sự tham gia của 3 nhà báo kỳ cựu: Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Minh Đức - Tổng biên tập báo Kinh tế đô thị; Đỗ Doãn Hoàng - phóng viên báo Dân Việt/Nông thôn ngày nay.

CHUYỆN LÀM BÁO XƯA VÀ NAY:
GIỐNG VÀ KHÁC NHAU THẾ NÀO?

Là một nhà báo nổi tiếng với hàng loạt bài phóng sự - điều tra có giá trị, gây tiếng vang lớn trong xã hội, từng 6 lần đạt giải báo chí quốc gia, khi được hỏi về nghề báo hiện nay có gì khác với vài chục năm trước, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ:

25 trước khi ông mới vào nghề, giấy và bút vẫn là phương tiện viết báo phổ biến. Sau đó ông từng thuê người dạy cách đánh máy chữ, rồi gửi các bản photo đánh máy đến các tòa soạn báo. Giờ đây ông thấy công nghệ có mặt ở hầu hết các khía cạnh cuộc sống, không riêng gì nghề báo. Nhà báo có thể dùng nhiều phương tiện để viết bài từ điện thoại, laptop... Như trường hợp của ông khi còn làm cho báo An ninh Thế giới đã được trang bị các công cụ có thể theo dõi thiết bị của kẻ tội phạm, có thể "chụp lén" hàng trăm bức ảnh. Ngày nay có rất nhiều công nghệ hỗ trợ nhà báo tác nghiệp. Google cũng là một công cụ để tra tìm hiệu quả.

Tuy nhiên, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho rằng công nghệ hiện đại cũng lại là một thách thức. Với sự chia sẻ rất nhanh trên mạng xã hội, một bức ảnh chụp ra chỉ một vài giây sau là mất tính độc quyền. Ông nêu ra 3 thách thức đối với người làm báo hiện nay:

Thứ nhất là nhiều tờ báo hiện nay chạy theo tin câu view mà không chú tâm đến chất lượng. Một phóng viên thời nay có thể viết tới 30 tin/ngày. Vì trượt theo số lượng mà không ưu tiên đến cái sâu, cái chất lượng. Thách thức thứ hai là sự cạnh tranh mạnh mẽ của mạng xã hội. Thứ ba là tính độc quyền khó có thể duy trì vì công nghệ có thể dễ dàng sao chép, lấy lại.

Nhà báo kỳ cựu Hồ Quang Lợi lại dẫn chứng về trường hợp của phóng viên ảnh Đoàn Công Tính để nói về sự giống và khác của nghề báo xưa và nay. Ngày xưa khi ông Tính chụp ảnh ở chiến trường Quảng Trị, ông đi từ chiến trường về Hà Nội mất gần 1 tuần. Trong ba lô của ông chứa những cuộn phim rất có giá trị cùng một tờ giấy với những lời nhắn nhủ rằng trong quá trình di chuyển, nếu chẳng may ông mất đi vì bom đạn thì nhờ người chuyển những cuộn phim đó ra tòa soạn ở Hà Nội. Thời đó một tấm ảnh chiến trường chụp ra thì phải mất 1 tuần mới có thể in ấn xuất bản. Ngày nay chỉ cần vài giây là có thể xuất bản.

Tuy nhiên, nhà báo Hồ Quang Lợi nói rằng nhà báo xưa và nay giống nhau ở tinh thần cống hiến, tinh thần chiến đấu, chống lại tiêu cực, chống lại bất công xã hội.

Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Tổng biên tập báo Kinh tế đô thị, nhà báo Nguyễn Minh Đức chia sẻ rằng quãng đời làm báo của ông gắn với nhiều vị trí, từ nhân viên đọc morat, làm phát hành cho đến làm phóng viên thời sự, điều tra, pháp luật, tháp tùng lãnh đạo nhà nước. Ông nhận thấy sự có thay đổi rất lớn trong cách làm báo xưa và nay.

Thời sinh viên ông Đức tập viết báo, viết ra giấy rồi ra hàng thuê đánh máy chữ, rồi chạy lên tòa soạn nộp bài. Năm 1991 -1992 loay hoay mua máy chữ về gõ thì xuất hiện máy tính, rồi xuất hiện tin nhắn di động và điện thoại. Sau đó Internet ra đời, công cụ tìm kiếm ra đời, các công cụ hỗ trợ làm báo xuất hiện. Khi ông đang loay hoay làm báo điện tử thì xuất hiện báo chí số.

Từ năm 90 đến nay công nghệ dần ra đời làm thay đổi việc tác nghiệp của nhà báo. Kỹ năng ngày xưa khác bây giờ vì ngày xưa viết bằng bút giờ có thể viết bằng app trên điện thoại. Ông Đức đồng tình với ông Lợi khi cho rằng nhà báo xưa và nay giống nhau ở tính chiến đấu và tính cống hiến.

Ông Đức cũng nêu 3 khác biệt của nhà báo thời xưa với những người làm báo thời nay. Thứ nhất, thời xưa do công cụ hỗ trợ ít nên năng suất viết báo thấp. Định mức tuần chỉ 2 bài. Giờ có công nghệ hỗ trợ thì một ngày phóng viên có thể viết tới 4 bài báo. Thứ hai là ngày xưa để viết báo về Kinh tế thì nhà báo phải đi học thêm về Kinh tế, ngân hàng. Giờ đây các sinh viên không nhất thiết phải đi học mà có thể sử dụng Google Search. Thứ ba là ngày nay những nhà báo tác nghiệp nhanh nhạy, chất lượng lại là các nhà báo trẻ. Phóng viên trẻ của báo Kinh tế đô thị chỉ cần 6 tháng để hòa nhập và viết được những bài báo hay, có bài viết đã đạt giải báo chí quốc gia.

NHỮNG KHÓ KHĂN KHI LÀM BÁO

Tổng biên tập Nguyễn Minh Đức đánh giá phóng viên báo chí hiện nay có rất nhiều áp lực về view. Cũng giống như nhiều tờ báo khác, hàng tuần báo Kinh tế đô thị đều thống kê lượng view của phóng viên và đây là 1 trong 4 tiêu chí để chấm nhuận bút. Quan điểm của báo Kinh tế đô thị là nếu làm ra một sản phẩm báo chí mà không có người đọc thì không có giá trị.

"Làm sao bài viết có view cao mà vẫn đạt đúng tôn chỉ mục đích là khó", ông Đức thừa nhận.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Đức, có 3 nguyên tắc tác nghiệp mà một phóng viên cần có: Thứ nhất là phóng viên phải tác nghiệp nhanh, có sự kiện phải làm ngay; Thứ hai là phải biết cách tiếp cận độc giả mà đầu tiên là tít bài phải hay: Thứ ba là phải chia sẻ thông tin. Ngoài ra các nhà báo trẻ hiện nay không nên bỏ qua công nghệ mà nên học hỏi, cập nhật công nghệ.

Nhà báo Nguyễn Minh Đức - Tổng biên tập báo Kinh tế đô thị

Nhà báo Nguyễn Minh Đức - Tổng biên tập báo Kinh tế đô thị

Nhà báo Hồ Quang Lợi nói rằng ông đã từng tham gia chấm nhiều giải báo chí. Ông thấy phóng viên Đỗ Doãn Hoàng thực sự là một nhà báo điển hình, một phóng viên điều tra xuất sắc. Vì những bài điều tra mà nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã từng bị xã hội đen hành hung, đe dọa. . Nói như vậy để thấy tác nghiệp báo chí gian khổ, nguy hiểm vô cùng, không chỉ với bản thân nhà báo mà còn với cả gia đình.

Theo ông Hồ Quang Lợi, những thách thức, khó khăn của người làm báo thời nay là dễ đánh mất mình trong thời đại truyền thông số. Nhiều nhà báo đưa tin theo đuôi mạng xã hội, không có kiểm chứng, kiểm soát; đánh mất đạo đức người làm nghề chỉ để phục vụ lợi ích bản thân. Ông Lợi cho rằng tác phong làm nghề và đạo đức làm nghề là vô cùng quan trọng.

NỘI DUNG LÀ VUA, CÔNG NGHỆ LÀ NỮ HOÀNG

Nhà báo Hồ Quang Lợi nói rằng báo chí đương nhiên nội dung phải tốt mới có bạn đọc, có công chúng. Ngày nay có phương tiện, công nghệ truyền thông siêu việt giúp lan tỏa nội dung tốt hơn. Tuy nhiên các tòa soạn báo cũng như các nhà báo phải thấm nhuần tư tưởng "công chúng ở đâu thì báo chí phải có mặt ở đó" - Công chúng là yếu tố quan trọng.

Nhà báo Hồ Quang Lợi còn nói thêm rằng "Nội dung là vua, công nghệ là nữ hoàng". Kết hợp vua và nữ hoàng sẽ rất tốt.

Có nhiều người đặt vấn đề có nên tách bạch "nội dung" và "công nghệ" không? Theo nhà báo Hồ Quang Lợi là "không". Các nhà báo phải vừa làm nội dung tốt vừa sử dụng công nghệ tốt. Ông Lợi nói rằng ông biết có những tòa báo mà cứ 3 người làm nội dung thì có 1 người làm công nghệ kết hợp với nhau để sản xuất tin bài.

Nhà báo Nguyễn Minh Đức cũng đồng tình với nhận định "nội dung là vua, công nghệ là nữ hoàng" để nói về tầm quan trọng của nội dung và công nghệ. Tuy nhiên, theo ông Đức, mỗi cơ quan báo chí cần quan tâm đến 3 yếu tố thay vì 2 như trên, đó là: Nội dung, Công nghệ, Kinh tế báo chí.

Hiện nay các tòa báo đang phải đối mặt với bài toán không thể miễn phí mãi mãi các nội dung cung cấp. Phải tạo ra các sản phẩm báo chí tốt, có trí tuệ, chuyên sâu để bạn đọc sẵn sàng bỏ tiền ra mua.

Ông Đức nói rằng tạo ra tin bài miễn phí thì dễ dàng hơn một chút, nhưng tin bài để bán thì cần phải có giá trị.

Video nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ về kỹ năng của người làm báo trong thời đại công nghệ số

Có một thực tế hiện nay là nhiều báo khai thác cùng một nguồn tin và tạo ra những tin bài tương tự nhau, nội dung ít mới mẻ. Làm thế nào để tạo ra góc nhìn mới, nội dung mới?

Nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng nghề báo là nghề sáng tạo. Một bài báo mà không có tính sáng tạo thì không có giá trị. Phải sáng tạo từ cách thể hiện, ngôn từ... thì mới truyền cảm hứng được đến độc giả. Ông Lợi nói rằng nhà báo phải rèn luyện tính sáng tạo từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ngoài ra, để tác phẩm báo chí có hiệu quả tốt nhất - theo nhà báo Hồ Quang Lợi - thứ nhất phải tuân theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; thứ hai là trau dồi trình độ nghiệp vụ đã được học trong nhà trường và trong cuộc sống thực tế làm báo; thứ ba là trau dồi đạo đức làm nghề, tâm thế làm nghề.

LỜI KHUYÊN CHO CÁC NHÀ BÁO TRẺ

Nhà báo kỳ cựu Hồ Quang Lợi đã dành 3 từ để gửi gắm đến các nhà báo trẻ: Học, Lao động, Sáng tạo.

Nhà báo Nguyễn Minh Đức cũng dành 3 cụm từ: Yêu nghề, Trách nhiệm xã hội, Luôn luôn học hỏi.

Ông Nguyễn Minh Đức khuyến nghị thêm đối với sinh viên ngành báo chí hoặc các nhà báo trẻ rằng "phải làm chủ được báo chí đa phương tiện". Họ phải tự trang bị kỹ năng làm podcast, inforgraphic, dựng video. Nhà báo trẻ viết về đề tài gì thì cũng phải biết "luật chơi công nghệ" - đó là phải biết SEO, biết Trend, tư duy báo chí số.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nhắn nhủ với các nhà báo trẻ rằng không nên chùn bước trước khó khăn mà luôn cố gắng tiến lên phía trước - "Không có đường vẫn cứ đi"!

"Các bạn trẻ phải hết sức giữ mình, những miếng pho mát chỉ có ở bẫy chuột. Giọt mồ hôi của người làm báo không có giọt cuối cùng. Khi bạn đổ mồ hôi là bạn hạnh phúc. Hạnh phúc không chỉ ở điểm đến mà còn trên đường đi", nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nói.

Tọa đàm "Người làm báo trong kỷ nguyên số" nằm trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2023 diễn ra từ ngày 17/3 đến 19/3 tại Hà Nội. Diễn giả là các nhà báo kỳ cựu, nổi tiếng trong cả tuổi nghề và tuổi đời. Các diễn giả đã truyền cảm hứng cho sinh viên ngành báo chí cũng như các nhà báo trẻ về nghề báo nhiều thú vị mà cũng đầy khó khăn, thử thách.