Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Lê Doãn Hợp chia sẻ với VietTimes.
Cá chết hàng loạt: Xử lý thế nào?
Ông Lê Doãn Hợp nói: “Trước hết chúng ta phải nhận thức được rằng, những gì liên quan đến môi trường thì đều phải coi là thiêng liêng. Bởi vì không có gì trên đời này quan trọng hơn sự sống của con người. Con người muốn sống tốt, thiên nhiên, môi trường phải trong sạch. Vì vậy, vụ cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung vừa qua, là sự kiện cực kỳ nghiêm trọng. Nó có thể dẫn tới những hậu quả khó lường”.
Ông có thể lý giải cụ thể hơn không?
- Thứ nhất, như tôi đã nói, đây là vụ việc nghiêm trọng liên quan đến môi trường, đến sự sống còn của con người, của nòi giống. Thứ hai, nó liên quan đến tài nguyên, liên quan đến hệ sinh thái, động vật, sinh vật sống ở biển. Thứ ba, liên quan đến đời sống, vì đây là nguồn thực phẩm thiết yếu của con người và vật nuôi. Thứ tư là liên quan đến niềm tin. Bởi vì một vấn đề liên quan đến sự sống mà xử lý lúng túng thì niềm tin sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí bị dao động. Thứ năm liên quan đến quan hệ, thương mại quốc tế (đầu tư, xuất-nhập khẩu thủy, hải sản).
Đó là vấn đề nghiêm trọng. Mà đã là nghiêm trọng thì phải xử lý nghiêm túc, chuẩn mực, khách quan và nhanh chóng. Để càng lâu thì tổn thương niềm tin càng nhiều. Trong thời đại ngày nay không phải làm kinh tế bằng mọi giá, mà làm kinh tế vì sự sống vì môi trường và vì con người. Có kinh tế, nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe, tuổi thọ của con người, làm cho nòi giống còi cọc đi thì đó là kinh tế “tự sát”. Đó là điều không thể chấp nhận được!
Thưa ông, các cơ quan chức năng đã vào cuộc để xử lý vụ cá chết ở 4 tỉnh miền Trung, tuy nhiên sự vào cuộc là chậm và khá lúng túng. Theo ông, khi phát hiện ra những loại “thảm họa” môi trưởng kiểu như thế này thì nên xử lý như thế nào?
- Trước hết phải nói rằng, cách giải quyết của các cơ quan chức năng của chúng ta như vừa qua là có cố gắng, nhưng nhìn tổng thể vẫn lúng túng, chậm trễ, không đủ rõ, chưa làm chủ thông tin và cuộc sống nên gây ra nhiều dị nghị trong dư luận, làm cho tình hình có những diễn biến phức tạp hơn.
Trong trường hợp cá chết ở 4 tỉnh miền Trung thì đáng ra theo tôi có mấy cách giải quyết như sau: Một là, tất cả cả các xã có biển, đặc biệt là miền Trung, chính quyền địa phương phải nhanh chóng ứng phó với tình hình bằng việc thành lập các đoàn tuần tra dọc biển và phát hiện cá chết thì chụp ảnh, ghi chép, làm đầy đủ các căn cứ về thực tiễn để báo cáo các cơ quan có trách nhiệm liên quan xử lý. Bởi vì dọc bờ biển không phải khu vực nào cũng có dân. Nơi nào có dân mà cá chết thì dân phát hiện ra, chứ nơi không có dân cá chết ai biết được mà báo. Vì vậy phải lập đội tuần tra đi dọc bờ biển.
Như vậy chính quyền mới làm chủ được hoàn toàn tình huống, tình hình. Khi chính quyền địa phương chưa ra tay có nghĩa là công việc chưa được thực hiện. Cấp trên ra lệnh, cấp dưới chưa làm thì vẫn là chưa làm. Ngược lại, cấp trên chưa ra lệnh, nhưng cấp dưới nhạy cảm đã làm thì coi như việc đã làm và đang làm. Vì vậy chính quyền địa phương phải nhạy cảm với thời cuộc và làm chủ cuộc sống của mình, làm chủ địa bàn mình quản lý chứ không phải chờ trên chỉ đạo.
Hai là, Trung ương phải chỉ đạo kịp thời việc tổ chức thu gom và xử lý triệt để cá chết một cách nghiêm túc bằng một quy trình kỹ thuật thống nhất. Ví dụ, gom tất cả cá chết thì chôn ở đâu? Chôn cách biển bao xa? Sâu bao nhiêu? Chôn với các hóa chất gì để đảm bảo diệt khuẩn, đảm bảo không ô nhiễm tiếp, không ảnh hưởng đến lòng đất…?
Ba là, xử lý ngay những vấn đề của các doanh nghiệp làm công nghiệp dọc biển bị nghi ngờ có vấn đề môi trường không bảo đảm: kiểm tra trọng điểm và khi kiểm tra trọng điểm có sai phạm thì xử lý ngay, xử lý một cách nghiêm túc. Ví dụ như không đảm bảo môi trường thì đình chỉ sản xuất cho đến khi có các giải pháp để đảm bảo môi trường. Phải làm rất nghiêm túc và kịp thời, không có vùng cấm, không loại trừ ai.
Bốn là, nhân sự việc này nên tổng kiểm tra các nhà máy công nghiệp trên toàn quốc, đặc biệt là các nhà máy công nghiệp dọc duyên hải, nhà máy nào đảm bảo quy trình thì tiếp tục hoạt động, nếu không đảm bảo quy trình thì có thể dừng thi công, dừng sản xuất, dừng đầu tư một cách nghiêm túc và đây là cơ hội để mình lập lại môi trường cho các nhà máy công nghiệp trong toàn quốc và đặc biệt là dọc biển- cái đó là cái rất cần. Vì từ một vụ việc cụ thể mà mình phải làm tổng thể, làm toàn diện, trên cơ sở đó nhà nước đưa ra được một bức tranh chính xác về môi trường công nghiệp hiện nay thì dân mới tin cậy.
Giàu mà bẩn người ta vẫn khinh
Thực ra thì không ai muốn điều tồi tệ xảy ra, trong cái rủi cũng có “cái may”. “May” là các cơ quan chức năng có dịp để rút ra bài học kinh nghiệm và nhất là nhìn lại cung cách và phương thức làm kinh tế biển của chúng ta. Ông nhìn nhận như thế nào từ “cái may” này, thưa ông?
- Nhân dịp này chúng ta cần phải nhìn lại vấn đề định hướng phát triển công nghiệp Việt Nam. Chúng ta phải thấy một thực tế là , ở các nước phát triển, những ngành công nghiệp mà có vấn đề về môi trường thì hầu như người ta đưa ra nước ngoài để sản xuất và đưa nguyên liệu về. Vì vậy, chúng ta không dại gì biến thành nơi để người ta đổ rác, để lấy sản phẩm sạch. Phải rà soát lại và cố gắng không làm các ngành công nghiệp ô nhiễm, đặc biệt là ở các khu vực dọc biển. Khi những ngành công nghiệp mà Việt Nam buộc phải làm, nếu không sẽ không đảm bảo cân bằng trong phát triển, thì phải lựa chọn những nhà đầu tư đến từ các nước tiên tiến, tin cậy, có uy tín về môi trường như: EU, Nhật Bản, Liên bang Nga, Hoa Kỳ...
Điều mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, trong thời đại hiện nay không nhất thiết phải làm công nghiệp bằng mọi giá nhất là công nghiệp ô nhiễm môi trường trong một thế giới phẳng, bởi vì bài học của rất nhiều nước trên thế giới cho thấy là không hề làm công nghiệp mà vẫn giàu nhất nhì thế giới. Ví dụ như các nước Bắc Âu: Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Đan Mạch, Phần Lan….
Ở châu Á, Singapore: người ta chỉ làm đào tạo thì làm gì có ô nhiễm môi trường; làm dịch vụ chăm sóc sức khỏe thì làm gì có ô nhiễm môi trường; rồi thì làm điện tử viễn thông thì làm gì có ô nhiểm môi trường và đặc biệt làm trung chuyển hàng không và hàng hải thì làm gì có ô nhiễm môi trường mà Singapore vẫn rất giàu. Chính vì họ sạch nên họ mới giàu.
Nhân đây cũng phải nói thêm rằng: “Giàu mà bẩn người ta vẫn khinh, nghèo mà sạch người ta vẫn trọng”. Đang nghèo một chút mà có cá sạch, thịt sạch, rau sạch, gạo sạch mà ăn còn hơn là giàu mà phải ăn thực phẩm bẩn. Có kinh tế mà ô nhiễm môi trường thì đó là kinh tế phi đạo đức. Ô nhiễm môi trường không chỉ hại mình, hại người mà hại cả giống nòi. Chính cái sạch sẽ tạo ra cho dân tộc một nguồn nhân lực tốt, tạo thế phát triển cao hơn người trong tương lai.
Hai loại hình công nghiệp nên làm
Vậy, theo ông Việt Nam nên tập trung phát triển công nghiệp gì bây giờ?
- Theo quan điểm của tôi thì Việt Nam nên tập trung làm hai loại hình công nghiệp: công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm và công nghiệp công nghệ thông tin. Đó là hai thế mạnh lớn nhất mà Việt Nam chúng ta có thể làm giàu được, giàu mà lại sạch, lại văn minh, lại yên dân và chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn.
Với bề dày kinh nghiệm nhiều năm làm quản lý nhà nước về truyền thông, theo ông, từ cách xử lý khủng hoảng truyền thông về vụ cá chết ở 4 tỉnh miền Trung vừa qua, công tác truyền thông nên rút ra bài học gì?
- Sau vụ việc này, tôi nghĩ công tác truyền thông của chúng ta phải làm bài bản hơn. Đúng như nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, khi trả lời phỏng vấn VietTimes đã nói: truyền thông của chúng ta hiện nay vẫn làm theo kiểu cũ, tức vẫn làm theo kiểu cách của thế kỷ 20. Thế kỷ 20 chưa có xã hội mạng rộng lớn như hiện nay.
Vì vậy, theo tôi, muốn thực hiện tốt công tác truyền thông thì cần phải thực hiện các giải pháp như sau:
Một là, sự việc đến đâu thì phải kết luận nhanh và thông tin đến đó. Phải nói chính xác, khách quan để định hướng dư luận, chứ không phải cái gì có lợi thì nói, cái gì chưa có lợi thì im. Thứ hai, thông tin hiện nay được lan truyền rất nhanh. Sự việc xảy ra đến đâu người dân người dân biết đến đó. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần phải chủ động hơn trong định hướng thông tin, cung cấp kịp thời, đầy đủ để dân không thiếu thông tin rất dễ dẫn đến nhiễu thông tin. Ngay cả những tổn thất cũng phải nói, bởi vì sự thật có thể làm cho người này, người kia không vừa lòng, nhưng xét đến cùng thì sự thật có sức thuyết phục cao nhất, mà truyền thông chính là sự thật và vì sự thật.
Cho nên mình phải kịp thời hơn, thật hơn để thuyết phục tốt hơn, như thế sẽ làm cho sự kiện nóng sẽ nguội rất nhanh nhờ được định hướng tốt. Từ đó có thể làm chủ thông tin và được lòng dân, để dân tin cậy cơ quan truyền thông nhiều hơn.
Xin cám ơn ông!