Nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nói về “Lãnh đạo trẻ và tham mưu già” ở Hàn Quốc

VietTimes -- Mô hình cán bộ của Hàn Quốc là: Lãnh đạo trẻ, gắn bó với tham mưu già. Đó là sự kết hợp tiềm năng và lợi thế của cả 2 thế hệ để cùng hành động, đem lại thành công nhiều nhất, mang lại thịnh vượng, phát triển cho đất nước Hàn Quốc hôm nay.

 Không chỉ tập trung đầu tư cho công nghệ hiện đại, các giá trị truyền thống cũng được Hàn Quốc "bảo quản" kỹ lưỡng.
Không chỉ tập trung đầu tư cho công nghệ hiện đại, các giá trị truyền thống cũng được Hàn Quốc "bảo quản" kỹ lưỡng.

Đó là một trong những điều tâm đắc của Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, đúc rút sau lần công du Hàn Quốc. VietTimes xin trân trọng giới thiệu tới quý vị độc giả những suy ngẫm của TS. Lê Doãn Hợp về con người và đất nước này:

Tôi đến Hàn Quốc khá nhiều lần và học được ở bạn rất nhiều điều bổ ích.

Đến thăm, làm việc với các doanh nghiệp và các trường đào tạo tại Hàn Quốc, tôi có một nhận xét chung về công tác cán bộ của bạn là: Lãnh đạo trẻ, tham mưu già. Trao đổi với tôi về thực tế này, các bạn Hàn Quốc đều có chung một nhận xét: Cán bộ trẻ có nhiều thế mạnh như sức khỏe, trí tuệ, hoài bão và quỹ thời gian còn nhiều, nên họ quyết liệt hành động để sớm chứng minh mình, dám làm, lỡ có sai vẫn có quỹ thời gian để sửa sai và làm lại. Ngược lại, tham mưu già đã qua quản lý, có bản lĩnh, có kinh nghiệm, có thực tiễn, chắc chắn và thận trọng. Vì thế mô hình cán bộ của Hàn Quốc là: Lãnh đạo trẻ, gắn bó với tham mưu già là sự kết hợp tiềm năng và lợi thế của cả 2 thế hệ để cùng hành động, đem lại thành công nhiều nhất.

Đúng vậy, năm 2008, tôi đến thăm và làm việc với tập đoàn Sam Sung, thấy một cán bộ trẻ (27 tuổi), xuống tầng 1, ra tận hành lang công sở đón chào tôi và bắt tay mọi người trong đoàn. Tôi nghĩ đây chắc là Chánh văn phòng hoặc Thư ký của Tổng giám đốc Tập đoàn. Nhưng khi ngồi vào bàn làm việc, thấy cán bộ trẻ đó ngồi đối diện với tôi, tôi mới biết đó chính là Tổng giám đốc Tập đoàn và ngồi bên cạnh TGĐ là một vị tham mưu về đối ngoại cho Tổng giám đốc, nguyên là Vụ trưởng vụ châu Á - Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao và từng là cán bộ của Đại sứ quán Hàn Quốc ở Việt Nam. Buổi làm việc của chúng tôi hôm đó gần gũi, tình nghĩa, hiểu biết và đạt kết quả tốt.

Được làm việc với các tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc như: Sam Sung, Lotte, Kumho, Đông A,… tôi nhận thấy lãnh đạo trẻ của các tập đoàn đều phát biểu rất tự tin là chúng tôi sẽ phấn đấu để sản phẩm của mình đứng đầu châu Á, đứng nhất nhì thế giới. Thoạt nghe lần đầu tôi có cảm nhận cán bộ trẻ của bạn có biểu hiện tự phụ, bốc đồng, nhưng càng về sau, tôi càng hiểu bạn nói để làm, làm để chứng minh lời đã nói. Vì thế mà các tập đoàn kinh tế của Hàn Quốc vươn lên mạnh mẽ, có mặt và có sản phẩm tốt khắp toàn cầu.

TS. Lê Doãn Hợp ấn tượng với sự phát triển của Hàn Quốc và đúc rút nhiều điều từ sự phát triển của đất nước này.

Nữ tổng thống đương nhiệm Park Geun-hye, sau khi lên nhận chức 6 tháng đã thành lập Bộ KHCN tương lai để định hướng phát triển KHCN cho Hàn Quốc hàng chục năm tới, vì chỗ đang đứng đối với bạn không quan trọng bằng hướng đang đi. Đó là tầm nhìn thời đại. Ông bố của bà - Tổng thống Park Chung-Hee bằng xuất khẩu lao động, thực chất là đi làm thuê cho Liên Xô cũ ở Xi bi ri để có tiền làm đại lộ chạy dọc đất nước giúp Hàn Quốc có hạ tầng đồng bộ để cất cánh như hôm nay. Giờ đến lượt con gái của ông lại chọn con đường KHCN để sớm đưa Hàn Quốc thành cường quốc về KHCN trong tương lai.

Ông Ly - Tổng giám đốc Tập đoàn Đông A, một người gốc Việt, rất tâm huyết với Việt Nam, có tâm sự với tôi: “Sai lầm lớn nhất của tôi là cho con đi học nước ngoài từ nhỏ, học từ phổ thông, đại học và trên đại học. Nay cháu về nước rất khó hòa nhập và phát huy. Trước hết cháu không đủ tâm lý, văn hóa, vốn liếng tự nhiên và xã hội của đất nước Hàn Quốc. Ngay cả bữa ăn cháu cũng không chịu ăn chung với gia đình. Cháu cho rằng không thể có 1 nồi cơm, 1 món ăn nào lại phù hợp với tất cả mọi người khi sở thích mỗi người rất khác nhau. Nên cháu thường xuyên đi ăn ở quán.

Khi trong một gia đình không còn điều gì để ràng buộc, để chiều nhau thì đi tìm sự chia sẻ, đồng thuận, niềm vui và hạnh phúc chung cũng không dễ chút nào. Tôi đã về Việt Nam, tìm đến với cội nguồn họ Lý ở Bắc Ninh, tôi quý nhất là các sinh hoạt gia đình, dòng họ như: Giỗ, Tết, Rằm, các lễ hội truyền thống địa phương. Điều ở Việt Nam quá sẵn thì ở Hàn Quốc rất hiếm.

Vì thế tôi khuyên Ngài Hợp bằng nghề truyền thống của mình hãy nói với các thế hệ Việt Nam nên đào tạo con cháu theo cách: Học phổ thông và Đại học trong nước để đủ ngấm các giá trị văn hóa, lịch sử, thực tế Việt Nam, sau đó cho đi học Thạc sỹ, Tiến sỹ ở nước ngoài, lấy nền văn hóa Việt Nam làm nền gắn với tầm nhìn thế giới, thì học xong về nước sẽ làm việc tốt, suôn sẻ và hiệu quả cao hơn”.

Nghe bạn, xem bạn, ngẫm mình. Tôi hi vọng một ngày không xa, công tác cán bộ và tầm nhìn của Việt Nam sẽ được chỉnh sửa, đáp ứng với mong đợi của nhân dân, phù hợp với xu thế thời đại và sớm ngang tầm với bạn bè tiên tiến trên thế giới.

(*) TS. Lê Doãn Hợp là Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT.