Người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng yêu tiếng Việt và lan toả tiếng Việt với người nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hoạt động gìn giữ, phát huy tiếng Việt nói riêng và văn hoá Việt Nam nói chung, là nhiệm vụ ưu tiên trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Điều đó đã trở thành chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.
Ông Mai Phan Dũng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Ông Mai Phan Dũng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài

Lần đầu tiên, lễ phát động Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã diễn ra vào ngày 8/9, do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, với mong muốn tiếng Việt không chỉ có giá trị với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài mà còn lan toả đến bạn bè quốc tế

Bên lề buổi lễ, VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Mai Phan Dũng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - xung quanh vấn đề này.

PV: Ông có thể cho biết ý nghĩa của việc chính thức phát động Ngày Tôn vinh tiếng Việt với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài?

Ông Mai Phan Dũng: Buổi lễ phát động Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đó là dịp để chúng tôi trình bày cho mọi người hiểu rõ hơn về mục tiêu, ý nghĩa và phương hướng thực hiện đề án Tôn vinh tiếng Việt trong thời gian tới. Qua đó, chính thức kêu gọi tất cả các chủ thể trong và ngoài nước có những sáng kiến, hoạt động cho đề án Tôn vinh tiếng Việt.

Trong thời gian tới, các hoạt động tôn vinh tiếng Việt sẽ tập trung vào đích đến là Ngày Tôn vinh tiếng Việt 8/9. Các hoạt động sẽ được tổ chức, triển khai rộng ở tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ có người Việt Nam sinh sống, làm việc, với sự tham gia của các bộ, ngành, cơ quan trong nước, địa phương và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt là không thể thiếu một chủ thể rất quan trọng, đó là kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.

Bên cạnh đó là các hoạt động tri ân các cá nhân có đóng góp quý báu vào việc phổ biến tiếng Việt ở trong và ngoài nước. Thêm nữa là là các hoạt động thông tin, tuyên truyền để mọi người hiểu và có nhiều sáng kiến để triển khai đề án Tôn vinh tiếng Việt trên nhiều phương diện.

PV: Theo ông, cộng đồng Việt kiều sẽ có vai trò gì trong hoạt động này?

Ông Mai Phan Dũng: Hoạt động gìn giữ, phát huy tiếng Việt nói riêng và văn hoá Việt Nam nói chung, là nhiệm vụ ưu tiên trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Điều đó đã trở thành chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta với nhiều văn bản chỉ đạo, cùng nhiều hoạt động đã và sẽ được triển khai để hướng tới mục tiêu này.

Trong thời gian qua, chúng ta đã rất nỗ lực cho mục tiêu này và đã đem lại nhiều kết quả khả quan. Điển hình là đã có hàng chục bộ sách học tiếng Việt được xuất bản và chuyển ra nước ngoài cho người Việt, để làm công cụ học tập. Thứ hai là công tác đào tạo tiếng Việt với nhiều khoá tập huấn trực tiếp và trực tuyến cho đội ngũ giáo viên, tình nguyện viên.

Việc xây dựng được đội ngũ giáo viên hùng hậu sẽ làm lan toả tiếng Việt đến cộng đồng. Cho đến nay, đã có hơn 600 lượt giáo viên được tập huấn để triển khai công việc.

Một Việt kiều tại Ba Lan trong cuộc thi ca nhạc "Tôi yêu tiếng nước tôi năm 2019"

Một Việt kiều tại Ba Lan trong cuộc thi ca nhạc "Tôi yêu tiếng nước tôi năm 2019"

Ngoài ra, có nhiều hoạt động khác liên quan đến tiếng Việt đã được triển khai. Các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể… đã tổ chức, phối hợp xây dựng các lớp học, trường học tiếng Việt cho con em người Việt Nam ở nước ngoài.

Cùng với đó, tiếng Việt còn có ý nghĩa văn hoá với các cuộc thi ca nhạc, hùng biện được tổ chức ở nhiều nước. Qua đó, người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng yêu tiếng Việt và lan toả tiếng Việt với người nước ngoài.

PV: Với bè bạn quốc tế thiện chí với đất nước chúng ta, theo ông, tiếng Việt có giá trị thế nào ạ?

Ông Mai Phan Dũng: Đất nước Việt Nam đang được bè bạn quốc tế đánh giá là có sự hội nhập mạnh mẽ về mọi mặt. Việt Nam cũng được coi là có sự phát triển rất năng động về kinh tế. Chính vì vậy, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn của bạn bè quốc tế trong đầu tư và du lịch.

Trong hợp tác quốc tế nói chung, ngoài việc người Việt Nam phải giỏi ngoại ngữ thì tiếng Việt cũng đã trở thành nhu cầu tự nhiên của bè bạn quốc tế. Đó chính là cách thức rất hiệu quả để bè bạn quốc tế hiểu biết về đất nước và con người Việt Nam. Đây cũng là một hướng mà trong đề án Tôn vinh tiếng Việt sắp tới sẽ triển khai. Bè bạn quốc tế biết tiếng Việt và am hiểu văn hoá Việt Nam sẽ là sự lan toả giá trị Việt Nam toàn cầu.

PV: Ông có kỳ vọng gì cho đích đến của Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm tới, thưa ông?

Ông Mai Phan Dũng: Năm 2023 là năm đầu tiên chúng ta triển khai đề án Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Là năm đầu tiên triển khai nên sẽ không tránh khỏi sự bỡ ngỡ, thách thức… nhưng chúng tôi rất tin tưởng vào sự thành công.

Đó là sự yêu mến tiếng Việt của kiều bào, sự hợp tác chặt chẽ của các đối tác trong và ngoài nước, cùng sự quan tâm của Đảng và Chính phủ. Vì thế, chúng tôi kỳ vọng sẽ thực hiện được tất cả những mục tiêu đề ra cho năm 2023 để làm đà cho những hoạt động sâu và rộng hơn trong những năm tiếp theo!

PV: Xin cám ơn ông!