Phát động Ngày tôn vinh tiếng Việt lần đầu tiên: Lan toả giá trị Việt Nam toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lần đầu tiên, lễ phát động Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã diễn ra vào hôm nay, 8/9, do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức.
Ông Phạm Quang Hiệu – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phát động buổi lễ
Ông Phạm Quang Hiệu – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phát động buổi lễ

Đây là lần đầu tiên sự kiện này được phát động sau khi Chính phủ ký Quyết định số 930/QĐ-TTg để lấy ngày 8/9 hàng năm làm Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Vào ngày 8/9/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào bình dân học vụ để xoá nạn mù chữ trong số đông dân chúng khi đó và thành lập Nha Bình dân Học vụ thuộc Bộ Giáo dục. Đây là dấu mốc quan trọng cho việc lựa chọn ngày này làm Ngày Tôn vinh tiếng Việt.

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Quang Hiệu – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - cho biết, tiếng Việt gắn liền với văn hoá dân tộc và cũng là niềm tự hào dân tộc của người Việt Nam, là bản sắc của Việt Nam với thế giới. Vì thế, dù sống ở đâu trên thế giới thì các thế hệ người Việt Nam phải biết giữ gìn bản sắc đó bên cạnh ngôn ngữ của nước sở tại.

Nhiều năm qua, dù chưa có những chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, cộng đồng người Việt ở nước ngoài với số lượng lên tới 5,3 triệu người luôn rất có ý thức về học tập và giữ gìn tiếng Việt cho mọi thế hệ của mình. Đến nay, Chính phủ đã có chủ trương này thì càng có nhiều việc phải làm để tiếng Việt không chỉ có giá trị với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài mà còn lan toả đến bạn bè quốc tế.

Ông cũng hy vọng, ngoài sự chủ động của cộng đồng Việt kiều và sự ủng hộ của các cơ quan, doanh nghiệp trong nước, ngay trong năm đầu tiên thực hiện sẽ có nhiều kết quả được gặt hái mà trong đó phải tôn vinh được các sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài cùng những cá nhân tiêu biểu là giáo viên, học giả, nghệ sĩ có đóng góp lớn cho tiếng Việt.

Cũng trong năm 2023, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam tại nước ngoài sẽ tổ chức hội nghị quốc tế về tiếng Việt lần đầu tiên, không chỉ với sự tham gia của đại diện Việt kiều mà cả sự góp mặt của các chuyên gia tiếng Việt là người nước ngoài.

Còn theo Đại sứ Nguyễn Phú Bình – Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài - dù cộng đồng Việt kiều rất ý thức về gìn giữ và phát huy bản sắc tiếng Việt suốt nhiều năm qua nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Quyết định 930/QĐ-TTg của Chính phủ sẽ là thể chế hoá cho tiếng Việt để huy động mọi nguồn lực xã hội trong và ngoài nước cho mục tiêu cao cả này.

Cần nói thêm là trong quá trình hội nhập của Việt Nam, tiếng Việt cũng được bè bạn quốc tế quan tâm và không ít người nước ngoài rất giỏi tiếng Việt. Vì thế, trao đổi riêng với VietTimes, ông Mai Phan Dũng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài - cho biết, song song với các chương trình hướng tới Việt kiều, cũng rất cần thực hiện các chương trình quảng bá tiếng Việt với các đối tượng người nước ngoài và vinh danh những cá nhân nước ngoài tiêu biểu am hiểu ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam. Đó chính là sự lan toả giá trị Việt Nam toàn cầu.

Ông Mai Phan Dũng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài (bên phải) và PGS TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội ký kết hợp tác

Ông Mai Phan Dũng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài (bên phải) và PGS TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội ký kết hợp tác

Nhân dịp này, Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài đã ký kết hợp tác với các đối tác là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, Nhà xuất bản Giáo dục và Công ty xuất bản Alphabooks cho những chương trình thiết thực về tiếng Việt.