Người Việt ăn hết 194 triệu USD thịt nhập ngoại một năm

Năm 2014 Việt Nam nhập khẩu gần 122.000 tấn thịt, trị giá gần 194 triệu đô la Mỹ. Về chủng loại, thịt gà là mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất với số lượng gần 90.000 tấn, chiếm gần 74% lượng thịt nhập khẩu và gần 50% tổng giá trị nhập khẩu.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Món ngoại trên bàn ăn

Hai năm trở lại đây, câu chuyện thịt nhập khẩu luôn là tâm điểm chú ý của người dân khi đã có những bộ trưởng nông nghiệp ở các quốc gia phát triển đến Việt Nam để chào bán... thịt.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2014 Việt Nam nhập khẩu gần 122.000 tấn thịt, trị giá gần 194 triệu đô la Mỹ. Về chủng loại, thịt gà là mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất với số lượng gần 90.000 tấn, chiếm gần 74% lượng thịt nhập khẩu và gần 50% tổng giá trị nhập khẩu.

Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong sáu tháng đầu năm nay, lượng thịt gà nhập về là 50.000 tấn. Nguồn nhập từ 24 nước, trong đó, nguồn nhập lớn nhất là Mỹ với gần 59%, tiếp đến là Brazil với hơn 12% và Hàn Quốc là 11%. Sản phẩm nhập khẩu gồm có đùi gà, chân gà, cánh gà và gà thải loại nguyên con.

Bên cạnh đó, bò nguyên con cũng được nhập về với số lượng lớn. Theo Cục Chăn nuôi, trong bảy tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập về 210.000 con bò Úc, nhiều hơn lượng nhập của cả năm ngoái 29.000 con. Năm 2014, Việt Nam nhập 181.000 con bò Úc, gấp 2,7 lần năm 2013.

Có thể thấy, nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm, thịt bò của Việt Nam ngày càng tăng.
Theo thống kê của Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO), năm 2011, mức tiêu thụ thịt đỏ (trâu, bò, dê, cừu...) của Việt Nam chỉ chiếm 9,2% tổng lượng thịt tiêu thụ mỗi năm, thịt gia cầm là 17,5%, thịt heo chiếm 73,3%.

Ngày càng nhiều thịt ngoại

Sau nhiều năm theo dõi lĩnh vực nông nghiệp, ông Lê Bá Lịch, một chuyên gia nông nghiệp và là Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, nhận thấy trong 10 năm trở lại đây, việc phát triển đàn trâu bò, đàn thủy cầm (vịt) của Việt Nam đang bị lãng quên. Số liệu thống kê cho thấy vào lúc cao điểm năm 2007, tổng đàn bò của Việt Nam có khoảng 6,7 triệu con nhưng nay chỉ có khoảng 5,2 triệu con. Nguyên nhân đàn bò giảm được cho là do diện tích đồng cỏ giảm dần, một điều không thể tránh khỏi của quá trình đô thị hóa.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn 2012-2014, tổng lượng thịt sản xuất hàng năm ở trong nước đều tăng. Cụ thể tổng lượng thịt (gồm thịt heo, gà, trâu, bò) năm 2012 là 4,27 triệu tấn, đến năm 2014 là gần 4,6 triệu tấn. Mức tăng trưởng trung bình về sản lượng thịt là 3,7%/năm.

Với những gì đã và đang xảy ra, theo các chuyên gia trong ngành, Việt Nam sẽ tràn ngập thịt ngoại. Theo tính toán của ông Nguyễn Thanh Sơn, giá thành của thịt sản xuất ở trong nước cao hơn các nước khác. Cụ thể, giá sản xuất thịt heo ở trong nước là 2,08 đô la Mỹ/ki lô gam, còn ở Mỹ là 1,41 đô la Mỹ/ki lô gam; giá sản xuất thịt bò trong nước là 2,53 đô la Mỹ/ki lô gam, còn ở Úc là 1,77 đô la Mỹ/ki lô gam.

Hiện thuế suất nhập khẩu thịt bò của Việt Nam là từ 14-30%, thịt heo từ 15-25%, thịt gà từ 15-40%. Tuy nhiên, một khi Việt Nam đã là thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thuế suất sẽ giảm dần về 0%, khi ấy, rào cản cuối cùng ngăn chặn nguồn thịt nhập khẩu sẽ được phá bỏ. Một người không cần quá am tường về kinh tế cũng có thể biết điều gì sẽ xảy ra.

Thời gian qua, không chỉ có Úc mà những quốc gia khác có thể mạnh về chăn nuôi gia súc như Canada, Ba Lan, Pháp, Nga... đều hướng đến thị trường Việt Nam. Nhiều lần, dẫn đầu những đoàn tiếp thị thịt bò, thịt heo không phải là các doanh nghiệp hay hiệp hội ngành hàng mà chính là những bộ trưởng nông nghiệp. Không phải vô cớ mà những vị đứng đầu ngành nông nghiệp các nước này trực tiếp đi một quãng đường xa đến Việt Nam tiếp thị mặt hàng thịt.

Ông Lê Bá Lịch trích dẫn tài liệu của FAO cho biết năm 2014, mức tiêu thụ thịt ở Việt Nam là 34,2 ki lô gam thịt xẻ/người, xếp vị trí thứ tư trong khu vực ASEAN nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình của thế giới. Theo thống kê của FAO vào năm 2011, mức tiêu thụ thịt trung bình của thế giới là 42 ki lô gam/người/năm.

Như vậy, để tiếp cận mức tiêu thụ thịt trung bình của thế giới, Việt Nam càng phải nhập thịt nhiều hơn khi nguồn sản xuất trong nước khó đáp ứng được nhu cầu, do hạn chế về điều kiện tự nhiên để phát triển những đàn trâu bò số lượng lớn, và mô hình chăn nuôi nông hộ vẫn với chi phí cao, khó cạnh tranh với thịt nhập khẩu.

Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi trên các kệ hàng thực phẩm đông lạnh sẽ tràn ngập thịt nhập từ châu Mỹ, châu Âu hay châu Úc. Đó là xu thế không thể tránh khỏi trước hội nhập toàn cầu.

Theo TBKTSG