Người tiêu dùng Mỹ lo ngại sau lệnh cấm sử dụng Kaspersky

Nhiều lo lắng đang lan rộng trên thị trường phần mềm diệt virus Mỹ sau khi chính phủ nước này ra lệnh cấm các cơ quan liên bang sử dụng phần mềm Kaspersky.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sự bất ổn này xảy ra sau khi chính phủ nước này cấm các cơ quan liên bang sử dụng phần mềm của Kaspersky Labs vào hôm thứ Tư (13/9).

Trước đó, hãng bán lẻ hàng đầu nước Mỹ Best Buy cũng ra quyết định cấm bán các sản phẩm diệt virus do công ty Nga cung cấp, mặc cho lời khuyên từ một chuyên gia bảo mật khẳng định, người tiêu dùng không cần quá lo lắng.

Theo CNBC, Best Buy từ chối giải thích lý do "tạm ngừng" bán phần mềm của Kaspersky Labs. Tuy nhiên theo chia sẻ từ một vị đại diện Best Buy cho rằng, Kaspersky Labs chưa trả lời được những nghi vấn xung quanh vấn đề cài backdoor, theo dõi người dùng nên công ty hoàn toàn có thể ngừng bán sản phẩm để bảo vệ khách hàng.

Trong khi đó, Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) liên tục ám chỉ mối quan hệ khả nghi giữa nhiều quan chức dấu tên của Kaspersky với chính phủ và nhiều cơ quan tình báo Nga. DHS cũng chỉ ra, luật pháp nước Nga dường như tiếp tay cho việc can thiệp của chính phủ vào các hoạt động của Kaspersky. Qua đó, điện Kremlin có thể gây áp lực với hãng bảo mật nước Nga để khai thác thông tin và tiến hành các hoạt động gián điệp ở nước Mỹ.

Phía Kaspersky hiện vẫn phủ nhận mọi cáo buộc của chính phủ Mỹ liên quan đến mối quan hệ mờ ám với cơ quan tình báo Nga. Hãng khẳng định luôn tuân thủ các tiêu chuẩn bảo mật nghiêm ngặt, bao gồm mã hóa, và đặc biệt không có dính líu tới chính phủ Nga.

Người đứng đầu Kaspersky, Yevgeny Kaspersky đã đề nghị gặp gỡ, làm chứng trước các quan chức và Quốc hội Mỹ để làm sáng tỏ vấn đề

Tính đến nay, Kaspersky đã có mặt trên các kệ hàng của Best Buy hơn một thập kỷ. Phần mềm bảo mật của hãng được nhiều người ưa thích sử dụng với hai phiên bản miễn phí và trả phí.

Theo hãng nghiên cứu Statista, phần mềm bảo mật của Kaspersky hiện chiếm 5,5% trong tổng số các phần mềmchống virus, mã độc trên thế giới.

Nicholas Weaver, nhà nghiên cứu bảo mật máy tính tại ĐH. California, Berkeley nhận thấy, quyết định của chính phủ Mỹ là một động thái mang tính thận trọng. Tuy nhiên Weaver cho rằng, đối với hầu hết mọi người, phần mềm của Kaspersky vẫn thực sự rất tốt.

Ông khẳng định, nguy cơ lớn nhất chỉ xảy với các máy tính của chính phủ Mỹ nếu Kaspersky thực sự đã bị chính phủ Nga thao túng.

Mặc dù vậy, một chuyên gia khác khuyên người dùng nên gỡ bỏ các phần mềm Kaspersky để tránh những nguy cơ tiềm ẩn. Michael Sulmeyer, giám đốc chương trình an ninh mạng tại ĐH.Harvard khẳng định, phần mềm chống virus có nhiều đặc quyền hệ thống, cho phép truy cập sâu vào máy tính và mạng lưới người dùng rất nguy hiểm.

Sulmeyer cũng khẳng định, các nhà bán lẻ khác nên có động thái tương tự Best Buy để đảm bảo an toàn cho người mua. Hiện các hãng bán lẻ tham gia phân phối phần mềm Kaspersky như Amazon, Staples hay Office Depot vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức.

Gần đây nhất, nhiều cơ quan thực thi pháp luật, tình báo Mỹ và một số Ủy ban Quốc hội Mỹ đang tích cực điều tra mối liên hệ giữa một tổ chức Nga mua quảng cáo, mở trang fanpage và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016. Trước đó, Facebook đã phơi bày khoảng 470 tài khoản, trang Facebook giả mạo và khoảng 3.000 quảng cáo nghi ngờ phá hoại kết quả bầu cử Mỹ.

Phía Nga đã chỉ trích quyết liệt lệnh cấm của chính phủ Mỹ. Điện Kremlin khẳng định lệnh cấm đang trì hoãn tiến trình khôi phục mối quan hệ song phương giữa hai nước. Đại sứ quan Nga tại Mỹ đang kêu gọi phía Mỹ xem xét yêu cầu hợp tác của nước này về việc thành lập một nhóm chung có trách nhiệm giải quyết các vấn đề an ninh mạnggiữa hai nước.

Theo Tạp chí Diễn đàn Đầu tư
http://vnreview.vn/tin-tuc-an-ninh-mang/-/view_content/content/2276366/nguoi-tieu-dung-my-lo-ngai-sau-lenh-cam-su-dung-kaspersky