Theo định nghĩa của Knight Frank, giới siêu giàu gồm những cá nhân có tài sản từ 30 triệu USD trở lên. Đến năm 2024, số thành viên nhóm này được dự báo tăng lên 230.000 người.
Năm 2014, Việt Nam có 116 người siêu giàu, tăng 6 người so với năm ngoái. Trong một thập kỷ tới, Việt Nam cũng được dự đoán là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới với 159%, lên 300 người. Theo sau là Indonesia với 132% và Bờ Biển Ngà (119%).
Trên thế giới, London (Anh) tiếp tục là thành phố có số người siêu giàu nhiều nhất hành tinh với hơn 4.300 người, theo sau là New York (Mỹ). Knight Frank nhận xét thành phố này sẽ tiếp tục ở vị trí top đầu trong 10 năm tới. Tuy nhiên, Singapore đang dần đuổi kịp với tốc độ tăng triệu phú 54% giai đoạn này, so với chỉ 21% của London.
Số người có tài sản từ 100 triệu USD trở lên cũng tăng gần 1.200 lên 38.280 người. Năm ngoái, thêm 53 người trong danh sách trở thành tỷ phú, nâng số lượng tỷ phú cả thế giới lên hơn 1.800 người, tăng 82% so với 10 năm trước.
Châu Á đã vượt Bắc Mỹ thành khu vực có tốc độ tăng người siêu giàu lớn nhì thế giới. Năm ngoái, hơn 1.400 cá nhân khu vực này đã vượt mốc tài sản 30 triệu USD. Người siêu giàu châu Á hiện nắm trong tay 5.900 tỷ USD. Tuy nhiên, tổng tài sản lớn nhất thuộc về giới triệu phú châu Âu, với 6.400 tỷ USD.
Knight Frank cũng ước tính trung bình, các thành phố châu Á sẽ có mức tăng 91% về số người siêu giàu trong thập kỷ tới. Tốc độ tăng mạnh nhất sẽ thuộc các thành phố như TP HCM (Việt Nam), Jakarta (Indonesia), Mumbai hay Delhi (Ấn Độ).
Số người siêu giàu năm ngoái vẫn tăng, bất chấp tình hình kinh tế yếu hơn dự đoán, do căng thẳng chính trị, giá dầu lao dốc và chương trình rút kích thích của Mỹ. Nhà phân tích Ouliana Vlasova tại WealthInsight nhận xét: "Hoạt động tại các nền kinh tế phát triển năm ngoái đã ảnh hưởng tích cực lên tài sản của giới siêu giàu. Tốc độ tăng trưởng người giàu có thể còn mạnh nữa nếu kinh tế thế giới hồi phục mạnh hơn trong nửa cuối năm trước".
Trong khi đó, triển vọng năm nay được đánh giá là khó đoán. Dù Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu 2015 từ 3,8% xuống 3,5%, tốc độ này vẫn còn mạnh hơn năm ngoái. Các nền kinh tế mới nổi được dự báo tăng 4,3%, cao hơn so với 2,4% tại các nước phát triển.
Theo Vnexpress