Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu:

Người lao động kêu khó, Bộ LĐ-TB&XH nói gì?

VietTimes – Ngày 15/5, tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và quấy rối tình dục do Tổng Liên đoàn Lao động phối hợp với Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam tổ chức ở Hà Nội, ông Nguyễn Văn Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có những chia sẻ xung quanh thắc mắc của người lao động liên quan tới độ tuổi nghỉ hưu.
Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ tại buổi hội thảo sáng 15/5.
Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ tại buổi hội thảo sáng 15/5.

Trước đó, đã có nhiều doanh nghiệp lên tiếng về việc tăng độ tuổi nghỉ hưu đối với một số nhóm người lao động như công nhân dệt may, giáo viên mầm non, công nhân trực tiếp sản xuất trong các nhà máy lúc này chưa phù hợp vì nhiều lý do.

Trong đó, nguyên nhân trực tiếp khiến đa số công nhân phản đối là do họ phải làm công việc đòi hỏi thể lực tốt và sự khéo léo; với các giáo viên, công việc không chỉ đòi hỏi về mặt sức khỏe mà còn cả lao động trí óc. Vì vậy, khi đến hơn 60 tuổi, sức khỏe suy yếu, họ không thể tiếp tục đảm bảo yêu cầu công việc. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều chủ doanh nghiệp không muốn sử dụng nhân sự lớn tuổi.

Ghi nhận những ý kiến của người lao động, ông Nguyễn Văn Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH, đồng ý về việc không thể tăng độ tuổi nghỉ hưu đối với một số nhóm người lao động. Song, theo ông Nguyễn Văn Bình, Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều giải pháp tổng thể, chính sách khác nhau để giải quyết bài toán này.

Ông Nguyễn Văn Bình cũng đề cập tới tính tất yếu của việc phải tăng tuổi nghỉ hưu. “Chúng ta không thể lấy việc người lao động không thể làm việc đến tuổi 60, 62 làm cái cớ, để không đặt vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Nếu không điều chỉnh, ta sẽ không giải quyết được rất nhiều chính sách khác” - Ông cho biết.

"Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã có nhiều hướng mở, nhiều quy định vì quyền lợi của người lao động, nên chúng ta không thể đòi hỏi luật giải quyết mọi vấn đề” – Ông bày tỏ.

Ông cũng chia sẻ, người dân cần thay đổi tư duy rằng một người lao động sẽ chỉ làm một công việc đến hết đời: Một người công nhân may, khi còn trẻ có khả năng điều khiển máy, kim may. Nhưng khi người đó có kinh nghiệm và những tri thức khác nữa, thì họ cần được tạo điều kiện để chuyển sang vị trí khác, công việc khác. Nhà nước đã có rất nhiều chính sách khác để giải quyết bài toán lao động, để doanh nghiệp khuyến khích giúp người lao động bảo vệ việc làm hoặc di chuyển việc làm, vì vậy tăng độ tuổi nghỉ hưu không làm ảnh hưởng tới cơ hội việc làm của những người lao động trẻ tuổi hơn.

Cuối cùng, ông Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ chưa tăng tuổi nghỉ hưu ngay trong năm 2021, mà Bộ LĐ-TB&XH sẽ có lộ trình rất chậm để tránh sốc tâm lý cho người lao động và thị trường việc làm.

Cần thận trọng khi tăng tuổi nghỉ hưu

Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu với người lao động là nhu cầu tất yếu, song cần được cân nhắc kỹ càng, xem xét trên nhiều khía cạnh cụ thể.

Ông Hiểu cho biết, hiện nay sức khỏe của người lao động bị đe dọa bởi bệnh tật, thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm. Những yếu tố đó khiến cho người lao động tại Việt Nam trong tương lai ít có khả năng đạt được tuổi thọ cao.

Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam đang thừa lao động và các cơ quan đang trong quá trình giảm biên chế. Các điều kiện lao động của Việt Nam cũng đặc thù hơn.

Do đó, Bộ LĐ-TB&XH cần nghiên cứu kỹ việc tăng độ tuổi nghỉ hưu trước khi đưa vào áp dụng.