Theo đó, người sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet, thư điện tử có thể trực tiếp phản ánh, cung cấp bằng chứng tới Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Hệ thống sẽ tiếp nhận và điều phối xử lý, từ đó ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử, cuộc gọi rác làm phiền người dùng.
Đây là nội dung chính trong Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác do Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/10/2020. Nghị định đưa ra các quy định quảng cáo bằng tin nhắn, thư điện tử và gọi điện thoại, đồng thời đề cập về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bổ sung quy định xử lý vi phạm hành chính về tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.
Cụ thể, Nghị định đưa ra 8 biện pháp chống, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, bao gồm các công tác xây dựng, triển khai các hệ thống nhận diện, giám sát, ngăn chặn các nội dung này. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT xây dựng hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và các cơ quan, tổ chức.
Nghị định cũng nêu rõ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, quảng cáo phải có trách nhiệm tuân thủ các yêu cầu được nêu trong Nghị định của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) vừa ban hành.
Ngoài ra, khi thực hiện các chương trình quảng cáo bằng tin nhắn, nhà quảng cáo phải gửi đồng thời tới Hệ thống phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác trên đầu số 5656. Nhà cung cấp dịch vụ thư điện tử phải có trách nhiệm hướng dẫn người sử dụng về cách thức chống thư điện tử rác, đưa ra các biện pháp lọc tin rác nhằm tránh mất mát thông tin. Các đơn vị quảng cáo phải kiểm tra danh sách từ chối dịch vụ, chỉ được phép gửi tin nhắn, thư điện tử, gọi điện thoại quảng cáo khi được sự đồng ý của người dùng.
Theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử do Chính phủ ban hành ngày 03/02/2020, hành vi gửi tin nhắn rác, email rác có thể bị phạt tới 80 triệu đồng. Cụ thể, Nghị định có đưa ra mức phạt với các cơ quan, tổ chức như sau: - Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng nếu không ngăn chặn tin nhắn rác giả mạo nguồn gửi trước khi gửi tới người sử dụng dịch vụ hoặc thực hiện không đầy đủ các yêu cầu điều phối, ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác… - Phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng nếu không tuân thủ các yêu cầu điều phối, ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác hoặc không thực hiện yêu cầu xử lý các thông báo, phản ánh tin nhắn rác của Bộ Thông tin và Truyền thông… Với cùng một hành vi vi phạm, cá nhân phải chịu 50% mức phạt nêu trên. |