Covid-19 có thể khiến giấc mơ IPO của Tiki và nhiều startup khác trở nên dang dở

Giới nghiên cứu dự báo ít nhất 5 năm tới Việt Nam sẽ tiếp tục không có startup mới nào chinh phục được hành trình IPO.

Đối với các công ty khởi nghiệp (startup), việc tăng trưởng đủ để trở thành một công ty đại chúng thông qua IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu qua công chúng) là một mục tiêu quan trọng. Điều này tạo mục tiêu cho doanh nghiệp huy động được nguồn vốn lớn để sớm bứt phá trở thành công ty kỳ lân với mức vốn hóa tỷ đô. Thực tế không ít công ty startup Việt Nam đã theo đuổi mục tiêu IPO trong nhiều năm qua. Tuy nhiên với tác động của đại dịch Covid-19, giấc mơ này có thể bị trì hoãn thêm nhiều năm tới.

Trong danh sách các startup Việt Nam có giá trị vốn hóa trên 100 triệu USD hiện nay mới chỉ có công ty truyền thông số Yeah1 đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Còn tập đoàn công nghệ VNG niêm yết chưa chính thức trên sàn OTC. Yeah1 cho biết công ty này mất 12 năm để chuẩn bị phát hành cố phiếu ra công chúng cho thấy quá trình kỳ công để chuẩn bị hồ sơ pháp lý, sổ sách. Dịch Covid-19 có thể khiến khoảng thời gian này kéo dài hơn nữa với các startup ấp ủ kế hoạch IPO.

"Đó là sự chuẩn bị dài hơi, chiến lược cụ thể trong đó xác định doanh nghiệp mình là công ty đại chúng, không phải công ty "gia đình". Trước khi IPO 5 năm, Yeah1 phải thuê công ty kiểm toán chuẩn bị hồ sơ pháp lý tài chính để đảm bảo quá trình được diễn ra thuận lợi", ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Yeah1 chia sẻ trong một hội thảo mới đấy.

"Doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn luôn khó khăn. Mùa dịch này càng khó khăn và muốn lên sàn IPO càng khó khăn hơn nữa. Nhưng đây cũng là những cơ hội để tìm ra những giải pháp đột phá từ những doanh nghiệp startup đặc biệt là những lĩnh vực về y tế. Trong thời điểm này lại là cơ hội cho họ bùng nổ phát triển", ông Tống chia sẻ với phóng viên VTV.

Quy định niêm yết trên sàn hiện nay quy định doanh nghiệp phải có lãi trong 2 năm. Sàn Tp. Hồ Chí Minh yêu cầu vốn tối thiểu là 120 tỷ đồng, sàn Hà Nội là 30 tỷ đồng. Giới chuyên gia cho rằng thời điểm bình thường để các startup đáp ứng các yêu cầu này đã khó nay tác động của dịch càng khiến các doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền. Chẳng hạn như ngành thương mại điện tử có Tiki nhiều năm ôm mộng IPO nhưng hiện vẫn lỗ lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Covid-19 như một cú đánh bồi vào giấc mơ của startup này và hiện có thể phải trì hoàn nhiều năm nữa.

Quay trở lại với câu chuyện của Yeah1, cổ phiếu YEG đã từng là một ngôi sao trên thị trường chứng khoán khi chào sàn với mức giá tham chiếu 250.000 đồng/cp và tăng trần liên tiếp những phiên sau đó lên mốc 340.000 đồng/cp - gần như cao nhất sàn chứng khoán thời điểm đó.

 

Tuy nhiên cùng với sự hân hoan của các nhà đầu tư là sự vào cuộc của những chuyên gia phân tích với những nhận định như: giá cổ phiếu quá khủng so với lợi nhuận, có bóng dáng của "đội lái", dùng chiêu đẩy giá... và những "lắt léo" trong phi vụ chuyển nhượng giữa các cổ đông cũng lần lượt phải công khai.


Dấu mốc khiến YEG từ "ngôi sao" trở thành "con ghẻ" của thị trường chứng khoán là sự cố liên quan đến Youtube ngừng hợp tác với Yeah1 khiến cổ phiếu này giảm sàn liên tiếp, hiện chỉ còn giao dịch tại mức giá dưới 50.000 đồng/cp, giảm 5 lần so với giá chào sàn. YEG gần như đánh mất niềm tin của các nhà đầu tư chứng khoán làm ảnh hưởng đến hình ảnh của doanh nghiệp.

"Nhu cầu của xã hội, sức mua giảm thì họ khó khăn. Doanh nghiệp lớn khó khăn 1 thì startup khó khăn 10. Startup gần như không có nguồn vốn ổn định, gần như tháng nào xào tháng đấy. ", ông Lâm Minh Chánh, Đồng sáng lập Cộng đồng quản trị và Khởi nghiệp.

Các quỹ đầu tư trong giai đoạn khó khăn này cũng sẽ tập trung vào giải quyết những vấn đề cốt lõi hơn của startup và đầu tư thay vì nghĩ đến mục tiêu IPO xa vời nào đó.

"Dưới góc độ của các nhà đầu tư, quỹ đầu tư đợt này họ đang kiểm tra tính vững của mô hình kinh doanh các doanh nghiệp, sàng lọc ra những công ty có mô hình kinh doanh vững cũng như điều chỉnh lại định hướng về các doanh nghiệp mà họ đầu tư vào ", ông Lê Hoài Ân, giám đốc Nghiên cứu và tiếp thị, Quỹ đầu tư Merlinh Capital cho biết.

Giới nghiên cứu dự báo ít nhất 5 năm tới Việt Nam sẽ tiếp tục không có startup mới nào chinh phục được hành trình IPO. Tuy nhiên kinh nghiệm trên thế giới cho thấy chưa tới 10% quỹ đầu tư mạo hiểm xem IPO là kênh thoái vốn quan trọng, thấp hơn nhiều so với các hình thức khác như mua bán sáp nhập. Do đó IPO chưa bao giờ là con đường duy nhất giúp startup trở thành kỳ lân. Quan trọng hơn cả là startup phải biết mình biết ta, tự đánh giá được mình có phù hợp với con đường IPO hay không.

Theo Nhịp sống kinh tế/Tổ quốc

Link gốc