Ông là Lại Hồng Bình nhân viên bưu tá Bưu điện huyện Quỳnh Nhai, Sơn La mà nhiều người gọi ông là người đưa thư có đôi chân huyền thoại, “con sơn dương” của núi rừng.
Đôi chân in dấu bản làng…
“Cách đây hơn 30 năm, ngày đầu về nhà, chân tôi bị xuống máu đen như than củi, sưng tím, cả nhà phải xúm vào bóp rượu. Hai tiếng sau mới bảo được con: Cho bố cốc nước". Ông Bình vừa rót nước mời khách vừa nói về cái ngày đầu tiên trong hành trình trèo đèo lội suối đưa thư đến bản của mình. Lại nhớ cách đây hơn chục năm khi đồng hành cùng ông ra chỗ con suối khi nước lũ cuốn ông suýt chết, ông thì chỉ đi thôi mà nhanh như gió còn tôi cứ phải chạy theo bở cả hơi tai…
Ngày ấy sáng nào cũng vậy, cứ 4 giờ sáng Lại Hồng Bình đã thức giấc để bắt đầu một ngày làm việc. Hành trang của ông: Một bọc bưu kiện được bọc hai lần nylon, một gói xôi với nhúm muối ớt và một can nước.
Huyện Quỳnh Nhai rộng 104.974ha rộng gấp nhiều lần diện tích Hà Nội, địa hình đồi núi hiểm trở. Đỉnh Văng Pót cao gần 2.000 m so với mặt nước biển dựng đứng như bức tường thành với những vách đá xanh ngọc phẳng lỳ... Huyện Quỳnh Nhai có 7 xã (không kể 6 xã mới nhập) thì ông phụ trách 5 xã xa nhất. Những bản sâu bản xa cách bưu điện huyện cả trăm cây số là nơi ông Bình phụ trách. Muốn đến đó chỉ còn cách đi bộ theo vết chân trâu cho nhanh và khỏi lạc đường.
Bản Nà Mùn heo hút nhất huyện Quỳnh Nhai - nơi ngày ấy người dân vẫn dùng đèn dầu để thắp sáng. Vào bản chỉ có con đường độc đạo vượt qua dốc Nàng Tiên dựng đứng.
Bao năm đôi bàn chân ông Bình đã hằn vết đi về cùng với những chuyến công văn vào bản. Lần nào qua đó, ông Bình đều phải ngậm miệng lại, chỉ thở bằng mũi cho khỏi bị rát họng và giữ được sức...
Những ngày mưa, đường trơn như mỡ, cõng trên lưng 30kg hành lý, ông phải lần từng bước, từng bước một. Mỗi bước là một lần bấm sâu 10 ngón chân xuống đất để có thể đứng vững. Lên đến đỉnh mệt rã rời, khi xuống dốc ông phải quay lưng lại mà lùi từng bước một...
Nhiều lần giao công văn thư từ xong, rời khỏi bản thì màn đêm đã bao phủ núi rừng. Tìm được một chỗ ngả lưng, ông Bình đặt mình xuống ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Có lần, tỉnh giấc ông thấy ướt đầm sau gáy, sờ tay xem thì lũ vắt đã hút no máu!
Cái đêm khủng khiếp nhất xảy ra với Lại Hồng Bình vào năm 1986, khi người dẫn đường cho ông bị bò tót tấn công. Đó là chuyến đi vào bản Nà Mùn một ốc đảo giữa rừng sâu nên lãnh đạo xã Chiềng Khay cử cậu thanh niên Lò Văn Páo dẫn đường. Dậy từ 4 giờ sáng, khoác khẩu súng kíp trên lưng, cuốc bộ đến 5 giờ chiều mà chưa thấy nếp nhà nào. Đột nhiên, bụi cây trước mặt lay động, một con bò tót thò đầu ngơ ngác nhìn hai người.
Páo giương súng ngắm bắn. Con bò không gục xuống mà lồng lên giận dữ rồi lao thẳng về phía hai người, húc Páo văng xuống khe núi. Sau đó, con bò tót gườm gườm nhìn ông Bình rồi rống lên một tiếng, chạy vọt thẳng vào rừng… Páo bị bò húc lòi ruột, gãy xương sườn, vỡ xương sống may mà không chết.
Năm mới vào làm bưu tá ở huyện. Một lần, vào lúc 9 giờ tối ông phải chuyển công văn hỏa tốc vào xã Chiềng Khay cách bưu điện huyện gần 100km. Lúc ấy tình hình trị an trong đó đang rối loạn có chiều hướng xấu, huyện đội còn cấp cho ông khẩu súng phòng thân. Để hoàn thành chuyến công vụ quan trọng này, tay đèn, tay súng giữa đêm đen ông vừa đi vừa chạy...
Một lần, vào năm 1987, Lại Hồng Bình khoác theo khẩu CKC đưa thư vào bản Nà Mùn. Lúc vào đến bản thì thấy lửa cháy, tiếng gào khóc, tiếng quát tháo, tiếng súng nổ... Ông mò lại gần thì thấy 6 tên tóc dài ngang vai, râu dài đến ngực gí súng vào đầu bà con đòi nộp gạo và lợn. Ông Bình liền nhảy ra bãi đất trước mặt tay lăm lăm súng hiên ngang quát: “Chúng mày không cút đi tao nhả đạn!”. Mấy thằng kia hung hăng là thế mà hạ súng lủi thủi lẩn hết vào rừng…
Bây giờ nhắc lại chuyện này ông bảo, lúc chúng chạy rồi không hiểu sao mình đứng mãi như trời trồng một lúc lâu mới đi đươc.
Trên hành trình tới các bản xa, có lần ông đã bị lạc trong rừng cả ngày trời mà không gặp một người nào để hỏi thăm. Dùng hết kinh nghiệm đi rừng mà vẫn không tìm được lối ra, lại phải trèo đỉnh núi để xác định lại phương hướng. Lên tới nơi thì trời tối, ông phải ngồi dựa vào gốc cây để ngủ. Nửa đêm trời đổ mưa tầm tã, ông cứ ôm bọc bưu kiện ngồi như thế cho đến sáng!
Không mất thư, chỉ mất cái quần!
Đó là ngày 1/8/2002, mưa tầm tã, ông Bình đang vượt suối bản Bon thì cơn lũ rừng ập đến. Chỉ trong chớp mắt cơn lũ quét cuốn phăng ông đi... Chân tay sứt sát, mình mẩy đau nhói vì đá. Nước cuồn cuộn, ầm ầm, nhấn chìm ông trong dòng thác, may mà ông mắc vào được một thân cây đổ chắn ngang dòng suối.
Khi kéo được ông lên bờ, người ta vẫn thấy ông ôm khư khư gói công văn trước ngực! Nhắc lại chuyện những người vớt ông hôm đó cười ồ lên: Lần đó “bố ấy” chỉ bị lũ cuốn mất mỗi cái quần thôi!
Còn ông Bình thì bảo, mình có mất quần mất áo cũng không sao chỉ “lộ” một lúc nhưng mất bọc thư thì nguy lắm, công văn giấy tờ đã rất quan trọng rồi nhưng biết đâu trong đó còn có cả lá thư “tỏ tình” của ai đó thì sao, làm mất nó có thể “làm hỏng” cả một cuộc tình…
Một lần khác đi bản xa về, ông bị trúng gió nằm ôm bọc thư sùi bọt mép mê man bất tỉnh ở bìa rừng, may mắn được dân bản phát hiện, võng đi cấp cứu.
Mỗi lần ông về muộn là một lần vợ ông lại chờ cơm trong nơm nớp lo sợ.
Chẳng biết kilomet là bao xa nhưng tháng nào bà cũng phải mua dép cho ông thay bởi chỉ hơn chục ngày là chúng đã mòn vẹt. Bà lo cũng phải!
Nhiều lần bà can: Hay là thôi ông không đi nữa, một mình đường xa, đêm vắng... Ông lại động viên vợ: Đi làm là tôi lại khỏe ra đấy, ở bản xa đồng bào mong tin con cũng như tôi với bà mong thư thằng cả nhà mình!
Sức người sức ngựa
Năm 1998 thấy công việc của ông đường xa vất vả, ngân hàng duyệt cho vay 1.200.000đ để mua ngựa đi cho đỡ mệt. Số tiền ấy ông phải trừ dần vào 3 tháng lương. Ông vui lắm. Vui vì từ nay đỡ nhọc nhằn vất vả. Vui vì có "bạn đường" sẽ đi nhanh hơn, sẽ có thời gian đọc báo cho dân bản nghe.
Nhưng "ngày vui ngắn chẳng tày gang!" Con ngựa theo ông chưa đầy năm đã lăn đùng ra chết. Tiền nợ trả chưa hết, ông lại phải vay tiếp. Nợ nần vì thế lại chồng chất!
Trong vòng có 4 năm, 6 con ngựa đi theo ông lần lượt chết giữa đường. Chúng đều không chịu nổi cường độ đi lại liên tục, leo đèo, lội suối đường xa như thế. "Cả mâýcon ngựa giống tốt nhất vùng của tôi đều đều run cầm cập, rồi sùi bọt mép rồi gục xuống..." Ông buồn rầu nhìn lên con dốc mù xa, nơi con ngựa thứ tư của ông gục ngã.
Ngựa chết là do chúng không thể chịu được cường độ đi lại liên tục, trèo đèo, lội suối, ăn rừng, ngủ thác như thế. Ông buồn rầu bảo, mỗi con ngựa chết ông đều khóc. Rồi ông dùng dao chích một ngụm máu ở cổ nó để uống, làm như vậy để máu những “người bạn tri kỷ” sẽ luôn chảy trong huyết quản mình... Trong hành trình đưa thư đến các bản xa 7 con ngựa theo ông đã chết, đến con thứ 8 ông không dám cho nó đi theo mình nữa…
Đôi chân Lại Hồng Bình đã đạp mòn đá núi, vậy mà cho đến một ngày ông cũng bị quật ngã vì sốt rét ác tính. Đó là năm 1997, người dân bản Pá Suông xã Cà Nàng vừa khiêng ông về Mường Chiên vừa khóc thương người bưu tá. Gia đình đã bàn đến chuyện hậu sự. Thế nhưng, may mắn lại mỉm cười với ông sau khi mồ hôi thấm ướt đầm tấm chăn bông, ông tỉnh lại. Vậy mà chỉ thấy mình đi được cả khi đôi mắt vẫn mờ đục, chân tay vẫn còn run lẩy bẩy, ông lại balô, túi xách lên đường…
Ông Bình tâm sự, mỗi khi ai đó nhắc đến công việc đưa thư của mình là ông lại buồn thương người bạn cùng đi với ông đã bỏ mạng chốn rừng xanh, núi đỏ năm 2003. Đầu năm ấy trời mưa tầm tã, nhưng thư báo thì đâu chờ được đến ngày nắng ráo, vậy là ông cùng với người đồng nghiệp Điêu Văn Điện lên đường… Sau hai ngày lội bùn, đội mưa cuốc bộ vào Mường Giôn, ông Điện đuối sức gục ngã. Toàn thân cứng đờ, cấm khẩu. Lại Hồng Bình cõng ông Điện chạy ra bờ sông Đà để thuê thuyền ngược lên Bệnh viện Quỳnh Nhai. Thế nhưng, ra đến nơi thì ông Điện tắt thở…
Vợ ông Bình sợ nếu cứ đi như thế sẽ rất nguy hiểm nên nhiều lần can ngăn không cho ông đi.
“Nhiều lần bà ấy dọa bỏ mình nếu mình không bỏ nghề, nhưng mình nghỉ thì ai mang cái chữ, cái thư đến cho đồng bào? Đồng bào ở trong rừng, trên núi, đã xa quá, khổ quá rồi”. Ông “lý giải đơn giản” việc làm của mình!
Đi bộ 5 vòng trái đất!
Ông Lại Hồng Bình chỉ cao 1,6 m, nặng 48 kg, nhiều người bảo nếu tạm tính, ngày nhiều bù ngày ít, trung bình mỗi ngày “cuốc bộ” 30 km thì trong 20 năm qua ông Bình “cuốc bộ” 216.000 km đường rừng! Ai cũng biết, chu vi trái đất chúng ta đang sống chỉ khoảng 40.041km. Nếu so sánh ta thấy ngay trong thời gian làm bưu tá ở huyện Quỳnh Nhai, ông Bình đã đi bộ con đường dài bằng 5 vòng trái đất.
Lại Hồng Bình là người dân tộc Thái , năm 21 tuổi ông đi bộ đội, năm 1978 xuất ngũ, về làm anh cán bộ ban công nghiệp huyện. Khi ban công nghiệp giải thể, ông thất nghiệp, gia đình lâm vào cảnh khó khăn.
“Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ tôi “đánh liều” viết đơn xin vào làm cho bưu điện huyện. Thời điểm đó bưu điện đang gặp khó khăn trong việc chuyển thư từ, công văn vào những bản làng xa đi lại vô cùng nguy hiểm. Bưu điện cần người “liều” còn tôi cần việc, cần gạo nuôi vợ nuôi con...”. Người đưa thư có đôi chân huyền thoại “con sơn dương” của núi rừng năm nay đã hơn 60 tuổi tâm sự chuyện vào nghề của ông như thế.
Khi nghe ông kể chuyện đời, chuyện nghề của mình, ở đó có những ánh mắt, nụ cười… của những bà mẹ đang mỏi mòn chờ tin con thì nhận được thư mà ông mang tới, không hiểu sao cứ làm tôi nhớ tới mấy câu trong bài thơ Chẳng có ai tẻ nhạt trên đời của Evghenhi Aleksandrovich Evtushenko
Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời
Mỗi số phận chứa một phần lịch sử
Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ
Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu?