Tranh cãi xung quanh “Cơn lũ mì gói”
Mì gói từ lâu đã trở thành hàng cứu trợ “quốc dân” trong mỗi đợt thiên tai, dịch bệnh. Nhờ ưu điểm bảo quản được lâu, dễ sử dụng, có thể ăn bất cứ lúc nào, mì gói đã trở thành loại thực phẩm ưu tiên trong những chuyến hàng cứu trợ, đặc biệt với những vùng đang bị cô lập.
Với sự phát triển mạnh của truyền thông, mạng xã hội trong những năm gần đây, các tổ chức từ thiện tự phát xuất hiện ngày càng nhiều. Các nhóm này chủ yếu hoạt động nhỏ lẻ, nghiệp dư theo mô hình đơn giản, bao gồm quyên góp tiền, mua hàng hóa và tiến vào vùng chịu ảnh hưởng. Không thực địa, không điều phối, hàng cứu trợ đổ dồn về các địa phương, gây ra tình trạng quá tải ở một số khu vực trong khi thiếu hụt ở khu vực khác. Thực tế, trong quá khứ đã có những “cơn lũ” mì gói dư thừa sau thiên tai đã xảy ra ở nhiều địa phương.
Mạng xã hội tuần qua xuất hiện bài đăng của một người dân miền Trung, đề cập đến vấn đề từ thiện quá nhiều mì gói vào một khu vực, trong khi bỏ qua những mặt hàng thiết yếu khác. Theo tài khoản này, thực phẩm như mì gói và lương khô rất cần thiết trong điều kiện cô lập do lũ, tuy nhiên những đồ dùng ít ai để ý như đèn pin, áo phao hay đồ cá nhân của phụ nữ cũng cần được lưu tâm.
Bài đăng nhận được hàng ngàn lượt tương tác. |
“Mong các tấm lòng hảo tâm, các mạnh thường quân khi đi làm từ thiện hãy hạn chế tặng mì tôm đối với các trường hợp không thực sự cần thiết, gây thừa mứa và lãng phí trong khi một số người khác đang bị cô lập và thiếu cái ăn, đừng xác lập các phần quà theo kiểu combo gói sẵn. Hãy chịu khó tìm hiểu xem người dân họ có gì, họ cần gì, mang giá trị trao đúng nơi, đúng nhu cầu, đúng người và đúng hoàn cảnh” – tài khoản bày tỏ.
“Tấm lòng vàng” cần đặt đúng chỗ
Trao đổi với VietTimes, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) – nhận định, người dân miền Trung đang rất cần hàng hóa cứu trợ từ những tấm lòng hảo tâm trên cả nước. Tuy nhiên, hiện tại các phong trào thiện nguyện tại Việt Nam chủ yếu diễn ra tự phát theo nhóm nhỏ lẻ, dẫn đến tình trạng phân phát hàng cứu trợ không đồng đều, chỗ thừa, chỗ thiếu.
Hiện tại, các đoàn cứu trợ nhỏ lẻ dồn đến ngay thời điểm lũ chưa rút đã gây thêm áp lực với chính quyền khi chưa có phương án điều phối cụ thể. Nếu không có sự phân phối, vào cuộc của chính quyền, các đoàn cứu trợ không thể nắm được tình hình thiếu hụt nhu yếu phẩm tại các khu vực. Đây chính là lý do gây tranh cãi khi phát hàng sai địa điểm, không phù hợp với nhu cầu của người dân.
Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) |
“Hình ảnh những dãy nồi bánh chưng ở Hà Nội, Nghệ An, Kon Tum đỏ lửa ngày đêm để có lương thực cứu đói đồng bào thực sự gây xúc động mạnh. Nhưng cứu trợ nhân đạo ở quy mô lớn – khi lũ lụt trải dài trên nhiều tỉnh, ảnh hưởng hàng chục triệu con người thì không chỉ cần các nhóm nghiệp dư mà còn cần đến nhiều tổ chức chuyên nghiệp có năng lực điều phối và thực hiện cứu trợ một cách an toàn” – ông Đồng khẳng định.
Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia cứu trợ thiên tai với các tổ chức nhân đạo nước ngoài như Action Aid, Oxfam,… ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng, từ thiện đúng cách trước hết phải thấu hiểu nhu cầu của người nhận, bắt đầu bằng những chuyến thực địa, tiền trạm trước khi dẫn đoàn cứu trợ. Trong trường hợp khẩn cấp, vai trò điều phối của chính quyền và các cơ quan chức năng tại địa phương là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, công tác này ở Việt Nam chưa được phối hợp chặt chẽ do một số bộ phận cán bộ chưa chấp hành nghiêm quy định, gây mất niềm tin trong nhân dân. Đây là một trong những vướng mắc lớn nhất khiến công tác cứu trợ gặp khó khăn, đặc biệt đối với các đoàn từ thiện “nghiệp dư” ngắn hạn.
Theo ông Nguyễn Quang Đồng, công tác cứu trợ còn kéo dài để khắc phục hậu quả, giúp người dân phục hồi kinh tế. Chính vì vậy, mọi viện trợ đến miền Trung đều trở nên cần thiết khi được sử dụng đúng mục đích, đúng địa điểm.
“Cứu trợ nhân đạo ở quy mô lớn cho người dân bị thiệt hại bởi thiên tai đang cần tới sự chuyên nghiệp trong điều phối, đặc biệt khi tính tới hậu lũ lụt. Thực tế, nhu cầu của người dân ở mỗi nơi, mỗi giai đoạn sau thiên tai là khác nhau. Vì vậy, ứng phó và cứu trợ với thảm họa là hoạt động phức tạp và cần có những tổ chức chuyên nghiệp. Việt Nam cần thay đổi khung pháp lý, tạo điều kiện cho những tổ chức từ thiện phát triển và phát huy lợi thế” – Viện trưởng IPS khuyến nghị.
Đây là phương án lâu dài, cần sự đồng thuận, chung tay góp sức của Chính phủ và người dân. Có thể nói, sự chuẩn bị này tạo cơ hội cộng đồng phát huy tối đa tinh thần tương thân tương ái, ứng phó với những sự cố môi trường có nguy cơ xảy ra trong tương lai.