Liệu ngư dân có còn “niềm tin” với tàu vỏ thép trong tương lai hoạt động đánh bắt trên biển như họ đã từng mơ ước hay trở về điểm xuất phát ban đầu là dùng tàu vỏ gỗ hoặc tàu composite?
Hài lòng với tàu vỏ gỗ
Ngư dân Lê Văn Sang (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết: “Bàn giao xong tàu vỏ sắt Sang Fish 01 (hơn 10 tỉ đồng) cho Công ty đóng tàu Nha Trang, tôi vẫn tiếp tục bám biển vì tôi còn 6 tàu đều trên 400CV có thể hoạt động dài ngày trên biển”.
Hiện, con tàu anh Sang hài lòng nhất là tàu dịch vụ hậu cần vỏ gỗ có tổng công suất 1.295CV. “Tàu này được tôi hạ thủy từ năm 2012 đến nay vẫn hoạt động rất tốt, ít xảy ra sự cố nghiêm trọng nào và con tàu này luôn đem về số tiền lợi nhuận hơn 1,2 tỉ đồng/năm, từ đó giải quyết việc làm cho hơn 10 ngư dân” - anh Sang nói.
Từng đặt niềm tin vào tàu Sang Fish 01 nhưng sau gần 1 năm hoạt động, tàu đi được 10 chuyến thì có 4 chuyến anh Sang phải chấp nhận chịu lỗ quay về trong thất vọng. “2 chuyến đi đầu thì tàu bị hỏng tời, 2 chuyến đi nữa là tàu bị mất tải. Đặc biệt khi gió biển động cấp 5-6 là tàu vỏ sắt này lắc dữ dội khiến công việc thả lưới của 22 thuyền viên trên tàu gặp vô vàn khó khăn, nhiều anh em thuyền viên có thâm niên đi biển lâu năm đều nói với tôi rằng họ không muốn đi trên con tàu này nữa” - anh Sang nói.
Thấy gì ở tương lai?
Ông Lê Văn Toàn - GĐ Cty đóng tàu Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết, 2 con tàu Sang Fish 01 và Hoàng Anh 01, thu hồi lại là 2 tàu mẫu thử nghiệm trước khi chuyển qua tàu vỏ thép trên cả nước. Ngư dân nhận tàu được trả tiền trong thời hạn 7 năm nhưng người dân chưa có tài chính để trả.
Ông Toàn thừa nhận những khiếm khuyết của 2 con tàu này như máy đã qua sử dụng, cabin cao gây rung lắc... và cho rằng, trước khi bàn giao tàu, Cty chỉ hướng dẫn cho ngư dân vận hành con tàu như thế nào cho an toàn, xử lý các tình huống sự cố nhỏ, còn việc đào tạo bài bản về mặt chuyên môn thì đó là chuyện của các đơn vị đào tạo.
“Tàu vỏ sắt đa phần dùng đi các chuyến biển xa nên họ rất cần những khóa huấn luyện, ngoài biết vận hành thành thạo thì họ phải biết kế hoạch bảo trì bảo dưỡng, cũng như là duy tu bảo dưỡng cho con tàu không bị hư hỏng. Đây là trăn trở của các ngư dân sử dụng tàu vỏ thép. Tuy nhiên, có một thực tế là đóng tàu vỏ gỗ đang khó khăn về nguyên liệu và chất lượng về lâu về dài” - ông Toàn cho hay.
Tại Khánh Hòa, thay vì đóng tàu vỏ sắt, ngư dân chuộng đóng tàu chất liệu composite vì giá thành giảm, tiết kiệm nhiên liệu, chi phí bảo dưỡng ít, vận tốc đối đa cao hơn 4-6 hải lý so với tàu vỏ sắt và vỏ gỗ.
Theo ông Nguyễn Quang Vĩnh - Chủ tịch Hội đồng tư vấn và thẩm định các mẫu tàu cá xa bờ Nghị định 67, so nhược điểm và ưu điểm thì nên khuyến khích ngư dân đóng tàu composite coi như một trong những vật liệu quan trọng thay thế gỗ, hạn chế phá rừng, hủy hoại môi sinh.
Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Võ Thiên Lăng - nhìn nhận: “Ngư dân Việt Nam đóng tàu vỏ thép nhưng không biết cách sử dụng tàu vỏ thép dẫn đến không biết nhược điểm của loại tàu này. Họ không được đào tạo, hướng dẫn cách sử dụng, chưa kể việc bảo dưỡng nên khi sử dụng đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đó là lý do chính họ buộc phải trả lại tàu vỏ thép”.
Ông Lăng cho rằng, Việt Nam không thể nào đi con đường riêng mà không phải là quy luật mà thế giới đang áp dụng: Tàu nhỏ và vừa thì họ đóng bằng vật liệu compiste.
Phó TGĐ Cty đóng tàu Hạ Long: Từ chối các hợp đồng đòi sử dụng máy cũ
Liên quan đến một số tàu đánh bắt cá vỏ sắt ở miền Trung thường xuyên bị hư hỏng và giờ phải nằm bờ, ông Lê Văn Hải - Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV đóng tàu Hạ Long, thuộc Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) - cho biết: Nguyên nhân có thể do tàu đóng mới nhưng lại sử dụng máy cũ.
“Không ít ngư dân khi làm việc với chúng tôi đề xuất sử dụng lại các máy móc, thiết bị cũ nhằm hạ giá thành con tàu. Tuy nhiên, chúng tôi không đồng ý và khuyên họ đã đóng mới thì nên đồng bộ hóa trang thiết bị, máy móc mới hoàn toàn từ những cái nhỏ nhất để bảo đảm an toàn khi đánh bắt xa bờ” - ông Hải cho biết.
Theo kế hoạch, trung tuần tháng 4 này, Cty TNHH MTV đóng tàu Hạ Long sẽ bàn giao tàu đánh cá vỏ sắt đầu tiên ở Quảng Ninh - tàu Biển Khơi 69 - cho một gia đình ngư dân ở TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Theo ông Hải, con tàu này có giá trị 16 tỉ, nhưng nếu lắp máy cũ sẽ giảm được rất nhiều chi phí cho chủ đầu tư.
Dự kiến, cũng trong tháng 4 này, Cty sẽ ký đóng 2 con tàu tương tự với hai chủ đầu tư khác.
Về mẫu mã, theo ông Lê Văn Hải, căn cứ vào mẫu chung ban đầu trên toàn quốc, Cty và chủ đầu tư - đều là các ngư dân có cùng nhau chỉnh sửa để đi đến thiết kế cuối cùng phù hợp hơn.
Trong quá trình đóng tàu, chủ đầu tư cũng thường xuyên có mặt tại xưởng để giám sát, chứ không khoán trắng cho Cty, bởi con tàu là tài sản cả đời của gia đình; thậm chí là số phận của chủ đầu tư và các thuyền viên mỗi lần đánh bắt xa bờ.
Theo Lao Động