Ngoại binh và cầu thủ nhập tịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau 2 vòng đấu V.League, các ngoại binh, cầu thủ nhập tịch đã ghi 11/15 bàn thắng và tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với các câu lạc bộ.
Bàn về ngoại binh V.League. Ảnh AT.
Bàn về ngoại binh V.League. Ảnh AT.

Trong số các bàn thắng ghi được qua 2 vòng đấu, trong số các cầu thủ nội chỉ có Tiến Dũng (Viettel), Tiến Linh (B.Bình Dương), Quế Ngọc Hải (SLNA) và Việt Hưng (Hải Phòng) ghi bàn, 11 bàn thắng còn lại do các ngoại binh, cầu thủ nhập tịch thực hiện. Ngoại binh tiếp tục là một phần không thể thiếu của V.League cả trong phòng ngự lẫn tấn công.

Ngoại binh V.League

Tốn tiền cho khâu tuyển dụng ngoại binh nhất phải kể đến CLB TP HCM, Sài Gòn, có mùa bóng họ phải 3 - 4 lần “thay máu” cầu thủ nhưng không tìm được người ưng ý. Ngoại binh CLB TP HCM đều có bản lý lịch đẹp nhưng không ăn nhập gì với lối đá của đội chủ sân Thống Nhất. Sài Gòn FC năm ngoái “Nhật hóa” bằng các cầu thủ nhiều tuổi và thể lực không thể đua tại V.League nên thất bại toàn tập.

SLNA, Nam Định thì chỉ là “bến đỗ” của các ngoại binh khi bắt đầu đến Việt Nam, do hợp đồng ngắn hạn nên các cầu thủ đá được đều bị đối thủ rước mất. Ít tiền nên phần lớn ngoại binh được CLB sử dụng đều “chân gỗ” theo kiểu “thử kêu, đốt tịt” bởi kỹ thuật tệ. Olaha là cầu thủ thành công nhất của SLNA cũng chỉ ghi được 18 bàn thắng sau 3 mùa bóng thi đấu cho đội chủ sân Vinh.

Chia tay SLNA, lập tức Mohammed Abdul Basit được Hà Tĩnh chào đón. Ảnh HL
Chia tay SLNA, lập tức Mohammed Abdul Basit được Hà Tĩnh chào đón. Ảnh HL

Hà Nội FC cũng được đánh giá là CLB có cách tuyển dụng ngoại binh hiệu quả nhất. Các ngoại binh đều vượt trội so với các cầu thủ nội và đóng góp quan trọng vào thành tích của đội bóng. Mùa giải này, ĐKVĐ Viettel với Quả bóng vàng Việt Nam 2021 Hoàng Đức cùng bộ 3 ngoại binh Brasil là Pedro, Caique và Geovane được đánh giá cao nhất về cách tuyển dụng.

Cầu thủ nhập tịch Hoàng Vũ Samson của CLB TP.HCM là trường hợp được coi là “đặc biệt” của V.League 2022. Xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2007, sau 15 năm chơi bóng ở mảnh đất hình chữ S qua các màu áo: Than QN, Đồng Tháp, Hà Nội (2 lần), Quảng Nam, Thanh Hóa, tiền đạo gốc Nigieria là chân sút vĩ đại nhất lịch sử V.League với 191 bàn thắng. Cầu thủ 34 tuổi này vẫn sẽ là nỗi lo của các hàng phòng ngự V.League bởi lối đá có phần quái dị lẫn ngẫu hứng sân cỏ của “con ngựa bất kham” này.

Theo Điều lệ V.League 2022, “muộn nhất 15:00 của ngày trước trận đấu đầu tiên của vòng đấu thứ 3, CLB được thay thế tối đa 03 cầu thủ nước ngoài”. Đây là quy định giúp cho các đội bổ sung, thay thế các ngoại binh thi đấu không đạt yêu cầu 2 vòng đầu tiên. Thực tế, V.League 2022 cũng chưa có nhiều ngoại binh mới, vẫn chỉ là “cũ người, mới ta”, các cầu thủ ghi bàn vẫn là những là cái tên quen thuộc Rimario, L.Lynch, Mango, Đỗ Merlo…

Hoàng vũ Samson (TP.HCM) vẫn đang chơi rất ấn tượng. Ảnh CLB

Hoàng vũ Samson (TP.HCM) vẫn đang chơi rất ấn tượng. Ảnh CLB

Không chỉ có tiền là đủ

Tuyển dụng ngoại binh là một việc khó, có nhiều tiền trong tay chưa hẳn đã kiếm được ngoại binh ưng ý. Các CLB V.League đều được FIFA cấp pass hệ thống FIFA TMS, một nền tảng trực tuyến cho các thành viên của FIFA để ghi lại chuyển nhượng cầu thủ giữa các câu lạc bộ bắt đầu vận hành từ năm 2010. Nhưng giá chuyển nhượng ngoại binh luôn là vấn đề bí mật, nhạy cảm, trong đó các trợ lý ngôn ngữ là một phần không thể thiếu được trong quá trình chuyển nhượng. Nhiều ngoại binh có chuyên môn tốt nhưng “không biết điều” vẫn khó trụ lại V.League, không ít ngoại binh ấm ức tố lại nhà tài trợ.

Có nhà cầm quân lão luyện HLV Phan Thành Hùng nhưng SHB.Đà Nẵng vẫn là đội rất chật vật trong tìm kiếm ngoại binh. Sau giải tập huấn Cúp Hoàng đế Quang Trung, cả 3 ngoại binh thử việc đều bị thay thế. Sau trận hòa 2-2 đáng tiếc trước CLB Sài Gòn, trung vệ Ivan Maric dù chỉ có 12 phút vào sân đã bị thanh lý để thay bằng một trung vệ người Serbia Memovic.

Ngoại binh HAGL vẫn chưa nổ súng. Ảnh SL

Ngoại binh HAGL vẫn chưa nổ súng. Ảnh SL

B.Bình Dương, chỉ 4 tiếng trước giờ ra sân gặp Thanh Hóa mới điền tên Ceesay thế chỗ ngoại binh Abass sau khi đá 71 phút ở trận thua SLNA. Ngay lập tức tân binh từng khoác áo tuyển U.17 Uganda này có đường chuyền tinh tế như đặt cho Tiến Linh ghi bàn duy nhất mang về chiến thắng đầu tiên cho B.Bình Dương.

Dù ghi bàn, kiếm về 3 điểm cho SLNA trên sân Gò Đậu nhưng Basit cũng phải ra đi, nhường chỗ cho Oseni, cầu thủ bị Hà Nội “nâng lên, đặt xuống” đầu mùa giải. Các ngoại binh của SLNA khá mờ nhạt, tình trạng “nội cõng ngoại” đang tái hiện trên sân Vinh như những mùa trước đây vì ngoài thể hình, thể lực các cầu sút này đều không có kỹ thuật cá nhân tốt. Nhưng Basit cũng chả phải buồn lâu xe của H.Hà Tĩnh đã đưa anh vượt cầu Bến Thủy để thay thế cho Zakaria vừa bị chấn thương nặng. Các HLV V.League gần đây đang có xu hướng hợp đồng với các khuôn mặt cũ vì không có nhiều nguồn cầu thủ ngoại có chất lượng.

Vẫn còn cơ hội

Các “cò cầu thủ” vẫn đang tất bật. Sau khi thanh lý Cox Goods, CLB TP.HCM vẫn chưa có cái tên thay thế, CLB Thanh Hóa cũng còn 1 suất ngoại binh để trống. Tuy nhiên do FIFA đã khóa sổ thị trường chuyển nhượng cầu thủ nước ngoài tại V.League từ ngày 27/2 nên các CLB V.League chỉ có thể chọn ngoại binh đang có mặt tại Việt Nam.

Fagan vẫn đang thất nghiệp. Ảnh HT

Fagan vẫn đang thất nghiệp. Ảnh HT

Có thể kể ra đây vài tiền đạo, đầu tiên là Fagan người Jamaica, cựu thủ quân, ghi 45 bàn trong 7 mùa thi đấu cho Hải Phòng (đến Việt Nam từ năm 2011 trong màu áo SLNA), Mansaray (Mỹ - B.Bình Dương, TP.HCM, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh), Claudecir (Brasil - từng chơi cho Quảng Nam, Hải Phòng, Than QN, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, SHB.Đà Nẵng), Pereira (Brasil - B.Bình Dương, SHB.Đà Nẵng, Nam Định, Than QN), và Kebe (Pháp - Hà Nội FC, Quảng Nam, SHB.Đà Nẵng, Sài Gòn FC). Ngoài ra còn có trung vệ người Zimbabwe Kamhuka, lần đầu tiên đến Việt Nam tìm việc.

Với việc tiền lương không cao so với khu vực, các đội bóng lại chỉ ký hợp đồng ngắn hạn khiến cho V.League không xuất hiện các ngoại binh có chất lượng.