Khi doanh nghiệp phân phối, người bán lẻ là người mua và thấy dị vật trong sản phẩm thì có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Khi hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không thể tiếp nhận vụ việc thì cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm xử lý những trường hợp này?
Chưa biết bên nào xử lý
Ngày 24-3, ông Nguyễn Ngọc Anh, chủ nhà hàng Hữu Nghị (P.Cam Phú, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) cho biết ngày 19-3 Sở Công thương đã mời ông đến làm việc về đơn khiếu nại sáu chai nước nhãn hiệu Dr Thanh có dị vật mà ông đã gởi sở này.
Lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa nói có ba hướng giải quyết: một là ông tự thỏa thuận song phương với Tân Hiệp Phát, hai là ông và Tân Hiệp Phát thỏa thuận có sự giám sát của bên thứ ba, cuối cùng là ông kiện Tân Hiệp Phát ra tòa.
Trong khi đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Khánh Hòa trả lời đơn khiếu nại của ông Anh là đơn vị này không thụ lý được, hướng dẫn ông làm việc với Sở Công thương.
Ông Anh nói chỉ muốn sớm bàn giao sáu chai trà này cho cơ quan hữu quan xử lý vụ việc, nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan nào tiếp nhận.
Trước đó đầu tháng 3-2015, ông Nguyễn Ngọc Anh gửi đơn đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Khánh Hòa khiếu nại về việc phát hiện sáu chai trà nhãn hiệu Dr Thanh - sản phẩm của Công ty Tân Hiệp Phát - không bình thường trong số hàng ông mua tại một đại lý ở TP Cam Ranh.
Bà Nguyễn Thị Trang - chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Khánh Hòa - cho biết hội không thụ lý đơn đề nghị bảo vệ quyền lợi của ông Nguyễn Ngọc Anh với lý do luật quy định đối tượng được bảo vệ là người tiêu dùng, còn trong trường hợp này ông Anh là chủ quán.
Ông Nguyễn Ngọc Anh cũng cho biết mình đã liên lạc với Tân Hiệp Phát qua số điện thoại nóng chăm sóc khách hàng.
Người của doanh nghiệp này đến nhà ông Anh lập biên bản xác nhận có sáu chai Dr Thanh không đảm bảo chất lượng, đề nghị được đổi hai lốc trà Dr Thanh, sau đó tiếp tục đề nghị đổi hai thùng trà Dr Thanh và một áo thun nhưng ông Anh không đồng ý.
Ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết từ ngày vụ việc xảy ra, quán của ông vắng hẳn khách.
“Bình thường mỗi ngày quán có 15-20 bàn khách, giờ lèo tèo có 1-2 bàn” - ông Anh nói.
Xử lý căn cứ theo Luật thương mại và Luật doanh nghiệp
Khi doanh nghiệp là người mua và thấy dị vật trong sản phẩm thì có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Phan Thị Việt Thu, phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, cho biết ông Nguyễn Ngọc Anh có thể yêu cầu đại lý đổi lại sản phẩm khác cho mình.
Trường hợp đại lý không đồng ý cho đổi - trả thì phải xử lý căn cứ theo Luật thương mại và Luật doanh nghiệp, “Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không điều chỉnh trong trường hợp này”.
“Khi chủ nhà hàng đổi sản phẩm cho đại lý, đại lý sẽ là người trực tiếp làm việc với nhà sản xuất về chất lượng sản phẩm” - bà Thu nói thêm.
“Theo luật, nếu muốn nhà sản xuất bồi thường, chủ nhà hàng phải chứng minh được thiệt hại cụ thể, rõ ràng từ sau khi bán chai nước đó...” - bà Thu nhấn mạnh.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, các hội bảo vệ người tiêu dùng có thể hướng dẫn doanh nghiệp, người buôn bán sỉ hoặc chủ nhà hàng có khiếu nại sang các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, góp phần hỗ trợ bảo vệ quyền lợi của họ trong việc sử dụng sản phẩm
Theo luật sư Hậu, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể hướng dẫn người chủ cửa hàng, doanh nghiệp phân phối đến Sở Công thương để trình bày vụ việc hoặc hướng dẫn họ về các trình tự, thủ tục khởi kiện ra toà án.
Chiều 24-3, trao đổi với TTO, ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết mình đang tự đàm phán với Công ty Tân Hiệp Phát theo hướng Sở Công thương Khánh Hòa gợi ý.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam
Trường hợp cụ thể ở Khánh Hòa, theo báo cáo của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Khánh Hòa thì ngay sau khi tiếp nhận đơn qua email của ông Nguyễn Ngọc Anh, chủ nhà hàng Hữu Nghị, Cam Ranh, Hội đã tiến hành các công việc cần thiết, trong đó có tổ chức cuộc họp với các cơ quan liên quan.
Thực hiện ý kiến thống nhất tại cuộc họp, Hội đã gửi công văn báo cáo sự việc đến UBND tỉnh Khánh Hòa. UBND tỉnh Khánh Hòa đã có công văn giao cho Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các Sở ngành và các đơn vị liên quan kiểm tra, đề xuất ý kiến tham mưu giải quyết.
Còn trong nhiều trường hợp khác, nếu là tranh chấp về hợp đồng kinh tế thì cơ quan Trọng tài kinh tế là nơi giải quyết. Nếu tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại thì Trọng tài Thương mại là nơi giải quyết. Nếu là quan hệ dân sự thì Tòa án Dân sự sẽ là nơi đứng ra giải quyết.
Theo Tuổi trẻ